ttxvn_0803donca1.jpgĐờn ca tài tử là một loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng đất Nam Bộ, được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Bạc Liêu được biết đến là một trong những cái nôi của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ - loại hình di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại được UNESCO vinh danh, quê hương bản "Dạ cổ hoài lang" của cố Nhạc sỹ Cao Văn Lầu, bản nhạc lòng “bất hủ” đặt nền móng cho sự phát triển của loại hình âm nhạc “vọng cổ” và nghệ thuật sân khấu cải lương hiện nay.

Bạc Liêu cũng là quê hương của chàng Công tử Bạc Liêu với cốt cách “hào sảng,” phóng khoáng, nghĩa tình của người dân Nam Bộ.

Do đó, tỉnh quan tâm, chú trọng bảo tồn và phát huy giá trị của loại hình nghệ thuật này, góp phần thu hút khách du lịch, phát triển kinh tế-xã hội địa phương.

Bảo tồn bằng nhiều biện pháp

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu, tỉnh chú trọng nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử; từng bước nâng cao chất lượng, phát triển phong trào Đờn ca tài tử ở các địa phương để phục vụ khách du lịch.

Cùng đó, tỉnh thực hiện tốt công tác lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị của Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ bằng nhiều biện pháp linh hoạt, thiết thực, hiệu quả.

Bạc Liêu tập trung tuyên truyền về ý nghĩa, giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử bằng nhiều hình thức thiết thực như tuyên truyền trực quan (pano, băng rôn), vận động cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên, nhân dân tích cực tham gia học ca bài Dạ cổ hoài lang, bản vọng cổ và các bài bản tổ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

[Bạc Liêu bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ]

Các địa phương đầu tư trang thiết bị sinh hoạt Đờn ca tài tử cho Câu lạc bộ và Nhà văn hóa trên địa bàn quản lý; hỗ trợ Câu lạc bộ Đờn ca tài tử, Câu lạc bộ văn nghệ của các địa phương, đơn vị duy trì sinh hoạt, tập luyện và bổ sung lực lượng tài tử đờn, tài tử ca trẻ tuổi vào các Câu lạc bộ.

Đặc biệt, Bạc Liêu đưa nghệ thuật Đờn ca tài tử vào môn âm nhạc, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp (hoạt động trải nghiệm và trải nghiệm hướng nghiệp) tại các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

Bạc Liêu có chính sách đãi ngộ, khen thưởng, biểu dương kịp thời tài tử đờn, tài tử ca tiêu biểu, thành viên câu lạc bộ, nghệ nhân được Nhà nước phong tặng có nhiều đóng góp tích cực trong bảo tồn, phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử ở các địa phương, đơn vị.

Phát triển đa dạng các sản phẩm du lịch

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch Bạc Liêu, toàn tỉnh hiện có trên 150 Câu lạc bộ Đờn ca tài tử với hơn 2.000 thành viên, nghệ nhân, tài tử thường xuyên sinh hoạt. Điều này cho thấy sức sống mãnh liệt của di sản này trong đời sống văn hóa tinh thần của người dân Bạc Liêu.

ttxvn_0803donca2.jpgĐờn ca tài tử Nam Bộ là sản phẩm văn hóa phi vật thể của Nam Bộ, vừa mang tính bác học, vừa dân gian gắn liền với mọi sinh hoạt cộng đồng dân cư Nam Bộ. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, những năm qua, các cấp, ngành đã ra sức giữ gìn và phát huy giá trị nghệ thuật của bản "Dạ cổ hoài lang;" mở nhiều lớp hướng dẫn, truyền dạy hát bài “Dạ cổ hoài lang,” điệu thức trong nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ cho học sinh, sinh viên, các hội viên, nhân dân; tổ chức nhiều cuộc thi tìm hiểu về thân thế, sự nghiệp nhạc sỹ Cao Văn Lầu, tìm hiểu sự ra đời, giá trị nghệ thuật bản "Dạ cổ hoài lang."

Bạc Liêu hiện có khu lưu niệm Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sỹ Cao Văn Lầu được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia. Đây cũng là điểm du lịch tiêu biểu của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết những năm qua, du lịch Bạc Liêu có bước phát triển ổn định, hàng năm, lượng khách tăng trung bình khoảng 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng trung bình khoảng 20%; sản phẩm du lịch, dịch vụ du lịch ngày càng phong phú, đa dạng, có nhiều sản phẩm du lịch tạo thương hiệu trong khu vực và cả nước.

Xét về quy mô số lượng khách hàng năm, tổng thu từ du lịch, Bạc Liêu hiện đứng thứ 5 trong khu vực. Du lịch phát triển góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư, giải quyết việc làm, cải thiện đời sống nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Bạc Liêu hiện có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận (nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long).

Bên cạnh phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như sản phẩm du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của bản "Dạ cổ hoài lang" và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ; sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh… ngành du lịch Bạc Liêu chú trọng xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng và lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc để thu hút du khách tham quan, trải nghiệm…

Tỉnh xác định du lịch là một trong 5 trụ cột phát triển kinh tế-xã hội, đồng thời triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả trụ cột này.

Để tiếp tục bảo tồn Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng đề nghị ngành văn hóa tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của văn hóa với tính chất là nền tảng tinh thần, mục tiêu, động lực của sự phát triển; nguồn lực nội sinh, sức mạnh mềm quan trọng trong phát triển bền vững.

Cùng với đó là tiếp tục quan tâm bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh phục vụ phát triển du lịch; chú trọng xây dựng văn hóa, con người Bạc Liêu đáp ứng yêu cầu hội nhập, phát triển; xây dựng Bạc Liêu là điểm đến hấp dẫn, hoạt động du lịch mang tính chuyên nghiệp cao, con người mến khách, thân thiện, nghĩa tình.

Bạc Liêu xác định, đến năm 2025 sẽ đón trên 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu đạt trên 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7-9% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động (trong đó 12.000 lao động trực tiếp); có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia.

Năm 2022, du lịch Bạc Liêu tiếp tục đà tăng trưởng mạnh. Tỉnh đón tiếp gần 3,9 triệu lượt du khách, tổng doanh thu đạt hơn 3.200 tỷ đồng. Tỉnh đặt mục tiêu đón khoảng 4 triệu lượt du khách trong năm 2023, doanh thu từ du lịch đạt khoảng 3.600 tỷ đồng./.

Chanh Đa (TTXVN/Vietnam+)

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022