Tại cuộc họp, khẩn về ứng phó với Zika qua video của 10 Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn các nước ASEAN và WHO Tây Thái Bình Dương, các Bộ trưởng ASEAN đã chia sẻ kinh nghiệm vào thảo luận phương hướng phòng chống Zika và ra Tuyên bố chung.
Thông tin tại cuộc họp cho biết, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tính đến ngày 19/9, trên thế giới đã có 72 quốc gia và vùng lãnh thổ có sự lưu hành của virus Zika.
Tại Đông Nam Á, tính đến ngày 19/9, có 7 quốc gia của ASEAN đã ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika. Hiện nay có một số nước là: Lào, Brunei, Myanmar chưa ghi nhận có ca bệnh nào.
Hầu hết các nước trong khu vực ghi nhận các trường hợp nhiễm virus Zika trong hai năm gần đây. Đặc biệt, từ cuối tháng 8 đến nay, tại Singapore đã bùng phát dịch với số ca mắc tăng nhanh, có tổng số 368 ca mắc.Tại Việt Nam, theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên thế giới, đến ngày 16/9, hệ thống giám sát dịch bệnh đã xét nghiệm 2.672 mẫu bệnh phẩm tại 45 tỉnh, thành phố và đã phát hiện 3 trường hợp dương tính với virus Zika tại Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Phú Yên.
Ngoài ra, có 3 trường là công dân nước ngoài ủ bệnh trong thời gian ở Việt Nam (1 công dân Úc, 1 công dân Đức và một người Đài Loan).
Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn 10 nước ASEAN đi đến thống nhất Tuyên bố chung với các nội dung như: Tăng cường hệ thống giám sát của quốc gia và đẩy mạnh các cơ chế đánh giá nguy cơ hiện có của khu vực với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế. Các nước sẽ đẩy mạnh các cơ chế hiện có để kịp thời chia sẻ thông tin giữa các quốc gia trong khu vực nhằm có được sự đánh giá nguy cơ một cách chính xác; Thực hiện các nghiên cứu, chia sẻ phát hiện mới và bài học kinh nghiệm liên quan đến dịch bệnh do virus Zika.
Tuyên bố chung cuộc họp trực tuyến của các Bộ trưởng Y tế ASEAN về Nguy cơ virus Zika tại khu vực nêu rõ trước tình hình lây lan của bệnh dịch do virus Zika gây ra và những biến chứng gắn với nó bao gồm bệnh đầu nhỏ và các rối loạn thần kinh khác, WHO đã tuyên bố zika đã trở thành mối nguy khẩn cấp về y tế công cộng đã được ghi nhận ở 72 quốc gia trên toàn cầu. Nhằm chuẩn bị cho các hoạt động của ứng phó của tất cả các nước thành viên ASEAN đối phó với dịch Zika, bao gồm xây dựng năng lực giám sát, phòng thí nghiệm, kiểm soát vector, truyền thông nguy cơ công cộng, các Bộ trưởng Y tế ASEAN đã nhất trí tăng cường chuẩn bị và ứng phó dịch bệnh do virus Zika gây ra cũng như các bệnh mới nổi và tái xuấ hiện ở khu vực bằng các biện pháp như:
Tăng cường giám sát dịch trong nước với sự hỗ trợ kỹ thuật của các tổ chức quốc tế, WHO, ASEAN-EOC, Mạng lưới đào tạo dịch tễ học ASEAN+3 (APT-FETN),…
Có các biện pháp thích hợp để kiểm soát nguy cơ bằng cách tăng cường các phương pháp kiểm soát vector, đảm bảo tiếp cận chuẩn đoán xét nghiệm Zika trong các nước, củng cố mạng lưới phòng thí nghiệm quốc gia và truyền thông thích hợp
Tiến hành nghiên cứu và chia sẻ kiến thức mới về bệnh liên quan tới virus Zika, thông qua cơ chế hợp tác dựa vào ASEAN gồm APT-FETN, SEAMEO-TROPMED, và các diễn đàn khác khác bao gồm Chương trình An ninh Y tế toàn cầu (GHSA).
Các Bộ trưởng Y tế/Trưởng đoàn của 10 nước ASEAN cũng cam kết triển khai các chiến lược đã đề ra nhằm đảm bảo an ninh y tế và sức khỏe, hạnh phúc cho người dân.
Phương Linh