KÝ ỨC HÀO HÙNG

Xóm Mồ Côi ở khối Trường Lệ (P.Cẩm Châu) chỉ rộng khoảng 1 km2, nằm lọt thỏm, tĩnh lặng giữa đồng lúa như bao làng quê khác ở thành phố du lịch nổi tiếng Hội An của tỉnh Quảng Nam. Trầm mặc và bình dị, xóm nhỏ ấy cất giấu những ký ức nóng bỏng về một thời bom đạn.

Trong những ngày tháng 4 lịch sử vừa qua, người tỏ tường lịch sử bi hùng của xóm Mồ Côi thường tìm về. Trên tay cầm nén nhang, họ đứng lặng lẽ trước tấm bia đá dựng ngay đầu xóm, cúi đầu tri ân và tưởng tiếc.

a1-1746185109319639410823-1746236242304-17462362427631381386535.jpg

Tấm bia đá ghi lại những ký ức hào hùng của xóm Mồ Côi

Ông Nguyễn Hải Sơn (78 tuổi), nhân chứng lịch sử lớn tuổi nhất còn sót lại ở xóm Mồ Côi, tóc bạc trắng, khóe mắt hằn sâu những nếp nhăn. Trò chuyện với PV Thanh Niên, giọng ông trở nên đầy hào sảng khi kể về những ngày tháng cũ. "Dân làng xưa nay gọi đây là xóm Chiêu, còn cái tên "xóm Mồ Côi" là do phía bên kia tự đặt. Bởi thời điểm đó xóm như một ốc đảo, bị cô lập bởi bốn bề sông nước cùng với địa hình sình lầy, đối phương khó tiếp cận", ông Sơn kể.

Ông Sơn không chỉ là nhân chứng sống mà còn là người giữ ký ức cho một thế hệ. Gia đình ông cũng trực tiếp nuôi giấu cán bộ. Nhà ông có 2 liệt sĩ. Cha ông, cụ Nguyễn Dưỡng, hy sinh năm 1961, còn người chú Nguyễn Cho, từng là cán bộ bí mật tại nhà lao Hội An, hy sinh năm 1967 trong một trận đánh tại Hội An. "Giai đoạn đó, mỗi hộ dân ở xóm Mồ Côi là một căn cứ thu nhỏ của cách mạng. Mỗi người là một chiến sĩ thầm lặng. Vì vậy, xóm chỉ có 7 gia đình nhưng có đến 10 liệt sĩ, 2 Anh hùng LLVT nhân dân và 1 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng với hàng loạt thương binh, cựu tù chính trị", ông Sơn tự hào.

Từ doi đất nổi lên giữa đầm lau sậy, người dân tìm đến, chọn nơi cao ráo để dựng nhà. Xóm Mồ Côi ra đời từ đấy. Nhà cũng rất đơn giản, tranh tre, nhưng hầu như bên dưới nhà nào cũng có hầm bí mật. Địa thế của xóm Mồ Côi nằm ngay sát trung tâm TX.Hội An (nay là TP.Hội An), được ví như bên hông địch. Tận dụng vị trí này, cán bộ được dân bao bọc, nuôi nấng che chở ở đây, ban đêm rời đầm sậy vào phố để hoạt động bí mật.

Năm 1966, xóm Mồ Côi chính thức được chọn làm nơi đặt trụ sở của Ban cán sự Công tác nội ô do Phó bí thư Thị ủy Hội An Trương Minh Lượng lãnh đạo. Chính vì vị trí hiểm yếu mà xóm Mồ Côi luôn nằm trong tầm dò xét của đối phương, nhưng để qua xóm nhỏ này không dễ. Cũng chính nơi đây, nhiều trận đánh vang dội được phát động, đỉnh cao là cuộc tấn công vào nhà lao Hội An ngày 14.7.1967, giải cứu hơn 1.000 tù chính trị.

Tuy nhiên, mất mát luôn rình rập. Ngày 18.10.1967, sau khi cơ sở hoạt động tại xóm Mồ Côi bị lộ, một tiểu đoàn đối phương tổ chức càn quét quy mô lớn. Nhiều chiến sĩ có mặt thời điểm làng bị tấn công đã kiên cường chống trả nhưng đều lần lượt anh dũng hy sinh.

Ông Nguyễn Hải Sơn nhớ lại thời điểm đó, ông Trương Minh Lượng hy sinh trên đường rút lui về căn cứ Trà Quế. Riêng ông Nguyễn Văn Việt, Bí thư Chi bộ, đã chọn cách tiêu hủy tài liệu mật, bảo vệ bí mật cách mạng rồi tự thiêu. Hai ông sau này được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

Sau ngày đó, toàn bộ người dân già trẻ lớn bé trong xóm đều bị bắt đưa vào nhà lao Hội An. Một số bị đưa ra giam giữ ở Côn Đảo, trong đó có ông Nguyễn Hải Sơn. Ông bị giam giữ suốt 7 năm, lúc bị đày ra Côn Đảo mới chỉ tròn 14 tuổi. Xóm Mồ Côi bị xóa trắng. "Chúng tôi lớn lên trong bom đạn, được nuôi dưỡng bằng những câu chuyện về lòng yêu nước, về sự hy sinh của ông cha. Vì vậy, khi Tổ quốc cần, chúng tôi không hề do dự", ông Sơn quả quyết.

TỪ "XÓM TRẮNG" ĐẾN LÀNG DU LỊCH

Sau ngày đất nước thống nhất, những người con còn sống sót quay lại xóm cũ. Trên nền tro tàn của những ngôi nhà bị đốt, họ dựng lại mái tranh, khôi phục ruộng đồng, giữ lại ký ức bằng bàn thờ tổ tiên và những câu chuyện được truyền qua từng thế hệ. Cái tên xóm Mồ Côi cũng được giữ cho tới bây giờ, như để nhắc nhở nhau về ký ức thương đau nhưng đầy oai hùng.

a3-1746185109384977585937-1746236243434-17462362435371071251971.jpg

Những căn biệt thự nhỏ, homestay sinh thái và villa nghỉ dưỡng mọc lên ở xóm Mồ Côi

2-1746185109271412351459-1746236244526-17462362446442033212855.jpg

Một góc nhỏ xóm Mồ Côi

Giờ đây, giữa lòng Hội An nhộn nhịp khách du lịch, xóm Mồ Côi cũng đang dần "thay da đổi thịt". Những căn biệt thự nhỏ, homestay sinh thái và villa nghỉ dưỡng được dựng lên giữa cánh đồng lúa. Những rặng tre già ven lối cũ vẫn đứng đó, như một sợi dây nối liền quá khứ và hiện tại.

Ông Nguyễn Hải Sơn cho hay từ một "xóm trắng" năm 1967 bị đốt trụi, xóa tên khỏi bản đồ, xóm Mồ Côi hôm nay hồi sinh như một biểu tượng sống động của lòng dân, của con người xứ Quảng. "Ngày nay, xóm Mồ Côi không còn là nơi bị cô lập giữa ruộng lúa mà đã trở thành làng du lịch nổi tiếng. Nơi đây trở thành điểm giao hòa giữa lịch sử và hiện tại, giữa quá khứ bi hùng và tương lai đầy hy vọng", ông Sơn nhấn mạnh.

Một lãnh đạo UBND TP.Hội An cho hay xóm Mồ Côi không chỉ là một điểm đến du lịch sinh thái mà còn là di tích lịch sử sống động. Địa phương sẽ xúc tiến quy hoạch một số hạng mục phụ trợ tại đây như điểm dừng chân, không gian trưng bày tài liệu lịch sử, mô hình hầm bí mật… để vừa phục vụ khách tham quan, vừa lưu giữ giá trị tinh thần của vùng đất anh hùng.

Nằm lọt thỏm giữa những căn villa cao tầng, căn nhà cấp 4 của gia đình ông Nguyễn Văn Cũ như một minh chứng cho một thời kỳ lịch sử hào hùng của xóm Mồ Côi. Căn nhà nhỏ ấy vẫn đang thờ Mẹ Việt Nam anh hùng Trần Thị Ân. Hiện xóm Mồ Côi chỉ còn lại 4 hộ dân gốc, phần lớn đã chuyển đi nơi khác sinh sống. Nhưng từng câu chuyện, từng tấm ảnh hay tấm tấm bia khắc tên các anh hùng liệt sĩ vẫn còn đó, sống động hơn bất cứ cuốn sách lịch sử nào...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022