Sự thay đổi của độ dài các tháng Âm lịch

Mỗi dịp tết Âm lịch tới gần, người dân cả nước lại tất bật chuẩn bị kết thúc các công việc của năm cũ, đón chào năm mới. Một trong số vấn đề được người dân quan tâm là tháng Chạp đủ hay thiếu. Nếu tháng Chạp thiếu (chỉ có 29 ngày) thì các công việc càng trở nên tất bật hơn, khi đó ngày 29 tháng Chạp được coi như là ngày 30 tết.

Một sự kiện khá thú vị là trong 9 năm tới đây, từ năm 2025 đến năm 2032, tháng Chạp sẽ chỉ có 29 ngày.

ThS Trần Tiến Bình, nguyên cán bộ Ban Lịch Nhà nước, sau này là Phòng Nghiên cứu lịch, Trung tâm Thông tin Tư liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Ngày mồng 1 Âm lịch là ngày mà Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời nằm thẳng hàng; Mặt trăng quay nửa tối về phía Trái đất.

ngay-30-tet-trong-am-lich-17377651853781839369566-1737766969979-17377669702192047168113.jpg

Phải đến 8 năm nữa chúng ta mới có ngày 30 Tết.

Dân gian xưa gọi đây là ngày không trăng, hay ngày Sóc. Điểm Sóc (Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời thẳng hàng) rơi vào ngày nào (ở bất cứ thời điểm nào trong ngày, từ 0h đến 24h) thì ngày đó là mồng 1 Âm lịch.

Tháng Âm lịch chính là khoảng cách giữa hai ngày Sóc. Độ dài tháng Âm lịch chỉ thay đổi trong khoảng từ 29,27 ngày đến 29,84 ngày, trung bình là 29,53 ngày và các nhà làm lịch làm tròn thành 29 ngày (tháng thiếu) và 30 ngày (tháng đủ). Điều này dẫn đến hiện tượng một số năm không có ngày 30 tháng Chạp.

Theo chuyên gia Trần Tiến Bình, việc tính toán chuyển động các thiên thể rất phức tạp, nhất là đối với Mặt Trăng do bị ảnh hưởng nhiễu loạn sức hút từ Mặt Trời, Trái Đất, các hành tinh khác và hình dạng không đều của khối cầu Trái Đất cũng như Mặt Trăng.

"Cho nên không có ý nghĩa gì khi thống kê các tháng Chạp đủ, thiếu ở các năm mà tất cả phụ thuộc vào sự tính toán chính xác ở từng thời điểm cụ thể. Chẳng hạn các năm: 2014, 2015, 2017, 2018, 2019, 2020, 2021 có các tháng Chạp đủ (30 ngày) nhưng đến 2022 có tháng Chạp thiếu (29 ngày) và sang năm 2023 và 2024 lại đủ. Rồi tiếp tục là các tháng Chạp thiếu cho đến năm 2033 mới lại thấy tháng Chạp đủ,"

Lý giải thêm về vấn đề này, chuyên gia Phạm Văn Tuyên và Nguyễn Chí Linh, Phòng Dự báo chiến lược khoa học và Đổi mới sáng tạo (trước đây là phòng Nghiên cứu lịch cũ), Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết, Sóc là thời điểm mà Trái đất, Mặt trăng, Mặt trời theo thứ tự thẳng hàng. Mặt trăng quay nửa tối về phía Trái đất.

Ngày được bắt đầu từ nửa đêm tới nửa đêm tiếp theo (từ 0 giờ đến 24 giờ). Dù điểm Sóc rơi vào bất cứ giờ nào trong ngày thì cả ngày đó (kể từ 0 giờ) là ngày Sóc, tức Ngày mùng 1 Âm.

Khoảng thời gian giữa hai điểm Sóc kế tiếp nhau chính là Tháng giao hội, trong Lịch âm Dương Á Đông các Tháng giao hội (với độ dài trung bình 29.53 ngày) được xấp xỉ bằng chuỗi tháng 29 và 30 ngày và các tháng này gọi là tháng Âm. Tháng Âm 29 ngày gọi là tháng thiếu, Tháng Âm 30 ngày gọi là tháng đủ, độ dài tháng Âm chính bằng số ngày giữa hai ngày Sóc kế tiếp.

Theo quy tắc tính ở trên thì độ dài của tháng Âm lịch sẽ là khoảng cách giữa 2 điểm Sóc. Tại năm Giáp Thìn 2024, điểm Sóc tương ứng với ngày mùng 1 tháng 12 Âm lịch rơi vào ngày 31/12/2024 và điểm Sóc kế tiếp rơi vào ngày 29/01/2025 do vậy tháng 12 Âm Lịch có 29 ngày và là tháng thiếu.

Lịch thiếu ngày không ảnh hưởng đến không khí Tết

Vì sao Tết Âm lịch luôn luôn chậm hơn Tết Dương lịch, chuyên gia Nguyễn Tiến Bình cho biết, một trong những quy tắc mà chúng ta dựa vào đó để tính âm lịch là tiết Đông chí mà Đông chí luôn rơi vào tháng 11 âm lịch (các cụ gọi là tháng Một).

Tiết Đông chí dao động xung quanh ngày 21/12 dương lịch hàng năm. Từ thời điểm này đến ngày mùng 1 Tết dương lịch chỉ còn 10 ngày. Trong khi đó, từ tiết Đông chí đến Tết Nguyên đán còn tới hơn 1 tháng (khoảng 10 ngày của tháng 11 âm lịch và cả tháng 12 âm lịch, khoảng 29-30 ngày, tổng cộng khoảng 40 ngày).

Do đó, Tết Nguyên đán đến sớm nhất cũng vào quãng 20 ngày sau ngày 1/1 dương lịch và chậm nhất là khoảng 50 ngày tuỳ thuộc vào thời điểm mà tiết Đông chí rơi vào đầu hay cuối tháng 11 âm.

Quỹ đạo mà Mặt trời chuyển động biểu kiến trên bầu trời giữa các vì sao trong 1 năm gọi là Hoàng đạo (gọi là chuyển động biểu kiến vì thực tế Trái đất quay xung quanh Mặt trời nhưng nhìn từ Trái đất ta thấy ngược lại, khi tính toán ta nói là sử dụng hệ toạ độ Địa tâm).

24 tiết khí hay còn gọi là 24 khí (bao gồm 12 trung khí và 12 tiết khí xen kẽ nhau) tương ứng với 24 điểm chia đều trên Hoàng đạo, mỗi cung 15 độ, xuất phát từ Xuân phân 0 độ, Thanh minh 15 độ, Cốc vũ 30 độ.... đến Kinh trập 345 độ. Điểm Đông chí ứng với góc 270 độ là thời điểm mà ở Bắc bán cầu Mặt trời xuống thấp nhất, nên ngày ngắn nhất và đêm dài nhất. Thời điểm Hạ chí (ứng với góc 90 độ) thì ngược lại (với Nam bán cầu thì lệch 6 tháng).

Theo chuyên gia Phạm Văn Tuyên, lịch âm trong năm 2024 có ngày 30 tháng chạp Quý Mão, tức ngày 30 tết Giáp Thìn. Tuy nhiên, sau đó, từ năm 2025 cho đến năm 2032, năm nào tháng chạp cũng là tháng thiếu. Phải chờ tới năm 2033 mới lại có ngày 30 tháng chạp. Việc trong nhiều năm liên tục có tháng 12 là tháng thiếu là một sự ngẫu nhiên và rất bình thường. Việc thống kê các tháng chạp đủ, thiếu ở các năm là không mang nhiều ý nghĩa mà tất cả phụ thuộc vào sự tính toán ở từng thời điểm cụ thể. Nên có những thời điểm có nhiều năm liên tiếp tháng Chạp là tháng thiếu nhưng cũng có nhiều năm liên tiếp là tháng đủ.

Dù không có ngày 30/12 âm lịch, không khí đón Tết vẫn không hề giảm bớt sự háo hức, rộn ràng. Người dân vẫn chuẩn bị chu đáo để tiễn năm cũ và chào đón năm mới với những hy vọng và lời chúc tốt lành. Điều này cũng nhắc nhở chúng ta rằng, dù lịch pháp có thay đổi thế nào, ý nghĩa thiêng liêng của Tết vẫn mãi trường tồn.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022