Năm Ất Tỵ 2025 nhuận tháng nào?

nam-2005-09051958-1736818463274-17368184636281498518399.png

Năm Ất Tỵ có nhuận không là điều nhiều người muốn biết khi năm Giáp Thìn sắp qua?

Theo Lịch vạn niên, tháng 6 âm lịch 2025 là tháng nhuận nên số ngày âm lịch sẽ dài hơn dương lịch 19 ngày. Điều này đồng nghĩa với việc từ mùng 1 Tết Ất Tỵ (29/1/2025) đến mùng 1 Tết Bính Ngọ (17/2/2026) dài 384 ngày. Như vậy năm nay, số ngày trong năm âm lịch dài hơn dương lịch tới 19 ngày.

Nếu lật giở cuốn lịch đến tháng 6 âm lịch, chúng ta sẽ thấy có nhuận tháng 6,Trong đó, tháng 6 âm lịch đầu tiên có 30 ngày, bắt đầu từ ngày 25/6 - 24/7 dương lịch. Tiếp đến là một tháng 6 nhuận kéo dài 29 ngày từ ngày 25/7 - 22/8 dương lịch. Chính việc có thêm một tháng nhuận là tháng 6 âm lịch 2025, nên đã đưa tổng số ngày trong năm Ất Tỵ 2025 lên 384 ngày.

Vì sao năm Ất Tỵ 2025 có đến 2 tháng 6 kéo dài 384 ngày?

thiet-ke-chua-co-ten-120241227155325202412271836074029350-1736818506986-17368185072361925236943.png

Năm 2025 là năm con rắn Ất Tỵ có tới 2 tháng 6 âm lịch. Ảnh minh họa.

Dương lịch, hiện được sử dụng rộng rãi trên toàn thế giới, dựa trên chu kỳ Trái Đất quay quanh Mặt Trời, với một năm kéo dài khoảng 365,2422 ngày. Để điều chỉnh phần dư này, quy tắc năm nhuận được áp dụng, theo đó cứ bốn năm sẽ có một năm nhuận, tăng thêm một ngày vào tháng 2, nâng tổng số ngày trong năm nhuận lên 366.

Ngược lại, Âm lịch được xây dựng dựa trên chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng. Một tháng âm lịch, hay còn gọi là tháng sóc vọng, kéo dài trung bình 29,53 ngày. Do đó, một năm âm lịch thông thường chỉ có 354 hoặc 355 ngày, ngắn hơn so với Dương lịch khoảng 11 ngày.

Để giảm thiểu sự chênh lệch giữa hai hệ lịch và đảm bảo Âm lịch phản ánh đúng chu kỳ bốn mùa, người ta sử dụng phương pháp thêm một tháng nhuận vào Âm lịch. Việc bổ sung này giúp đồng bộ hóa Âm lịch với chu kỳ Dương lịch và chu kỳ năm hồi quy (chu kỳ chuyển động thực tế của Trái Đất quanh Mặt Trời).

Năm 2025, tức năm Ất Tỵ, là một năm nhuận theo Âm lịch. Năm này có tổng cộng 384 ngày, bao gồm một tháng 6 thường và một tháng 6 nhuận (tháng 6 âm lịch). Việc thêm tháng nhuận không diễn ra ngẫu nhiên mà tuân theo chu kỳ Meton kéo dài 19 năm. Trong chu kỳ này, có tổng cộng 228 tháng dương lịch và 235 tháng âm lịch, tạo ra sự chênh lệch 7 tháng. Những tháng dư này được phân bổ làm tháng nhuận vào các năm thứ 3, 6, 9, 11, 14, 17 và 19 trong chu kỳ.

Một cách đơn giản để xác định năm nhuận theo Âm lịch là chia năm đó cho 19. Nếu phần dư của phép chia rơi vào một trong các số 0, 3, 6, 9, 11, 14 hoặc 17, thì năm đó sẽ có tháng nhuận.

Việc bổ sung tháng nhuận không chỉ đảm bảo Âm lịch đồng bộ với chu kỳ tròn khuyết của Mặt Trăng, mà còn giữ cho các mùa, tiết khí và nông lịch không bị lệch xa so với thực tế. Điều này rất quan trọng đối với sản xuất nông nghiệp, các lễ hội truyền thống và các hoạt động văn hóa lâu đời.

Như vậy, Âm lịch không chỉ là một hệ thống đếm ngày dựa trên Mặt Trăng, mà còn mang tính ứng dụng cao trong đời sống. Nhờ sự điều chỉnh thông minh qua tháng nhuận, Âm lịch trở thành một phần không thể thiếu trong văn hóa phương Đông, hài hòa với thiên nhiên và thời gian.

Trên Lao động, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) lý giải: "Cứ khoảng 3 năm thì độ lệch giữa hai hệ thống lịch Âm và Dương sẽ dài thêm 1 tháng, việc đó gây phiền toái cho lịch sinh hoạt của những nơi vẫn sử dụng Âm lịch như Việt Nam, đồng thời ngày tháng trong Âm lịch không còn phản ánh đúng chu kỳ thời tiết".

Vì lý do đó mà cứ 3 năm chúng ta lại có thêm một tháng được bổ sung vào Âm lịch. Những năm như thế có 13 tháng và được gọi là năm nhuận Âm lịch. Năm Ất Tỵ tới đây là một năm như vậy. Vì có tới 13 tháng nên thay vì 354 ngày thì năm Ất Tỵ kéo dài tới 384 ngày.

Chuyên gia cũng khẳng định điều này không gây ảnh hưởng quá nhiều đến sinh hoạt, vấn đề nông nghiệp hay thời tiết, khí hậu trong năm 2025.

Ở góc nhìn khác, ảnh hưởng rõ rệt nhất khi một năm Âm lịch có 13 tháng là trẻ nhỏ phải chờ đợi dịp nghỉ Tết lâu hơn và ngược lại, người lớn lại "thở phào" vì làm được nhiều việc trước khi phải dốc ví cho việc mua sắm cuối năm.

Năm 2025 cũng là năm khá đặc biệt khi tháng Chạp (tháng 12) chỉ có 29 ngày, không có "đêm 30". Mãi đến năm 2033, người dân mới lại trải qua ngày 30 Tết.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022