Sở Khoa học – Công nghệ TP.HCM cùng 2 sở Khoa học – Công nghệ Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Dương và Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM vừa ký kế hoạch liên tịch phối hợp tổ chức vận hành các hệ thống thông tin của 3 địa phương sau khi sáp nhập.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm đảm bảo công tác vận hành các hệ thống thông tin của 3 tỉnh thành sau khi hợp nhất được thông suốt, không ảnh hưởng đến việc xử lý công việc của cán bộ công chức trên địa bàn 3 địa phương.
Đồng thời, đảm bảo người dân, doanh nghiệp và các bên liên quan có thể truy cập, khai thác các hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu trên một giao diện thống nhất, đồng bộ, dễ sử dụng và đảm bảo an toàn, an ninh thông tin và bảo mật dữ liệu.

Sau khi sáp nhập TP.HCM với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, cán bộ, công chức sẽ dùng chung hệ thống thông tin thống nhất
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở KH-CN TP.HCM cho biết Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên yêu cầu phải chuẩn bị kết nối các hệ thống để sẵn sàng cho 3 tỉnh sáp nhập. Mục đích là tăng cường tối đa ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động bộ máy mới để tăng năng suất, hiệu quả, đồng thời tăng làm việc từ xa, tiết kiệm thời gian, công sức của cán bộ.
Trước khi ban hành kế hoạch liên tịch, Sở KH-CN 3 địa phương và Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM đã làm việc nhiều buổi, thống nhất các công việc trọng tâm, cụ thể. "Đây là sự chủ động của TP.HCM trong thực hiện Nghị quyết 18 và Nghị quyết 57", ông Thắng cho biết thêm.
TP.HCM ưu tiên các hệ thống thiết yếu sau sáp nhập
Kế hoạch chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 ưu tiên triển khai các hệ thống thông tin thiết yếu, còn giai đoạn 2 sẽ quản trị vận hành trên nền tảng số sau hợp nhất.
Đối với các cơ quan Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu và Văn phòng Thành ủy TP.HCM phối hợp Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM triển khai các hệ thống thông tin về văn bản điều hành, hệ thống báo cáo, hệ thống phần mềm tác nghiệp, hội nghị trực tuyến, cổng thông tin điện tử đảng bộ, thư điện tử công vụ.
Đối với các cơ quan nhà nước, khối lượng công việc khá nhiều, chia theo từng mốc tiến độ.
Cụ thể, với hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến, các đơn vị khảo sát hiện trạng hệ thống hội nghị trực tuyến tại các địa phương, đề xuất giải pháp và phương án kết nối với hệ thống tại TP.HCM nhằm hình thành hệ thống chung vận hành thông suốt, hoàn thành trước ngày 15.5.

TP.HCM sáp nhập Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu mở ra nhiều không gian phát triển mới
Với hệ thống quản lý văn bản, chỉ đạo điều hành, các đơn vị khảo sát hiện trạng, mô hình liên thông kết nối, đề xuất giải pháp và phương án sử dụng một hệ thống duy nhất, đảm bảo tính liên tục và thuận tiện trong xử lý, lưu trữ văn bản. Duy trì khả năng liên thông với trục liên thông văn bản thành phố, trục liên thông văn bản quốc gia, đảm bảo văn bản điện tử được luân chuyển thông suốt và đúng quy định, hoàn thành trước ngày 15.5.
Các hệ thống trên sẽ triển khai thử nghiệm trước tại các sở, ban, ngành TP.HCM, Sở KH-CN Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu; các phường, xã mới thành lập của TP.HCM và Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM trước ngày 15.6. Sau đó, hệ thống mở rộng triển khai cho tất cả phường, xã và đặc khu mới thành lập và các sở, ban, ngành sau sáp nhập của 3 địa phương trước ngày 15.8, vận hành chính thức từ ngày 1.9.
Với hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, sau khi hoàn thành việc cấp mã định danh, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM cấu hình thủ tục hành chính cho tỉnh Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và chuẩn bị các phương án kỹ thuật để thử nghiệm hệ thống.
Sau đó, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM phối hợp với 15 phường, xã của TP.HCM, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu (mỗi địa phương 5 phường, xã) vận hành thử nghiệm; đánh giá và triển khai cho các đơn vị còn lại từ ngày 20.5. Đồng thời, tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng và công tác truyền thông hoàn thành trước 28.8, vận hành chính thức từ ngày 1.9.
Song song đó, các đơn vị phối hợp, triển khai thống nhất hệ thống thư điện tử, hệ thống 1022, chữ ký số, mã định danh điện tử, Cổng thông tin điện tử TP.HCM và các trang thông tin điện tử thành phần, đăng nhập một lần, họp không giấy, app chính quyền số... đảm bảo vận hành thông suốt từ ngày 1.9.
Liên thông dữ liệu 3 địa phương
Riêng trung tâm dữ liệu, Sở KH-CN 3 tỉnh thành tổng hợp và cung cấp hiện trạng gồm hạ tầng công nghệ thông tin, mô hình kết nối, số lượng cổng/trang thông tin điện tử, hệ thống thông tin đang vận hành, danh mục cơ sở dữ liệu thuộc phạm vi quản lý của`1 tỉnh, số lượng máy chủ đang hoạt động và phương án đảm bảo an toàn thông tin, nhà cung cấp dịch vụ, hoàn thành trước ngày 20.5.

Dữ liệu của các hệ thống thông tin tại 3 địa phương sẽ được liên thông, kết nối theo chiến lược quản trị dữ liệu TP.HCM
Trên cơ sở đó, Trung tâm Chuyển đổi số TP.HCM chủ trì, tổng hợp và đề xuất phương án liên thông, kết nối, chia sẻ giữa các hệ thống thông tin; đồng thời đề xuất phương án lưu trữ dữ liệu (tập trung, phân tán) phù hợp với tình hình thực tế và năng lực xử lý của trung tâm dữ liệu, hoàn thành trong tháng 8.2025.
Dự kiến, TP.HCM sau sáp nhập sẽ chính thức hoạt động từ 1.9. Khi đó, địa phương xây dựng phương án tổ chức triển khai các hệ thống thông tin từ sở xuống phường, xã tuân thủ theo chiến lược quản trị dữ liệu, hoàn thành trong tháng 12.2025.