Thời điểm khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Theo Khoản 7, Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP, thời gian khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự là từ 01/11 đến hết 31/12 hằng năm.

Những quy định về khám sức khỏe tại Thông tư này được thực hiện cho kỳ tuyển quân nghĩa vụ quân sự năm 2025 bởi kết quả sơ tuyển sức khỏe, khám sức khỏe và khám phúc tra, giám định sức khỏe trước ngày 01/01/2024 sẽ được thực hiện theo quy định cũ tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BPQ.

Do đó, kỳ nghĩa vụ quân sự năm 2024 đã có kết quả và hoàn thiện theo quy định cũ. Từ 01/11/2024 - 31/12/2024 sẽ thực hiện khám sức khỏe cho kỳ tuyển quân nghĩa vụ quân sự của năm 2025 và thực hiện theo Thông tư 105.

Khám nghĩa vụ quân sự ở đâu?

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 phải trải qua 02 vòng khám: Khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự và khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự.

Để được khám với mỗi trường hợp, công dân cần phải đến địa điểm dưới đây:

- Khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự: Thực hiện tại Trạm y tế cấp xã theo sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của trung tâm y tế cấp huyện hoặc bệnh viện đa khoa cấp huyện, do Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện giám sát theo Khoản 1, Điều 7 Thông tư 105/2023/TT-BQP.

Trong khi đó, Khoản 1, Điều 5 Thông tư liên tịch số 16 chỉ quy định sơ tuyển sức khỏe do Trạm y tế xã thực hiện dưới chỉ đạo của Trung tâm y tế huyện về chuyên môn và nghiệp vụ.

Như vậy, quy định mới đã bổ sung thêm nơi khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự là bệnh viện đa khoa cấp huyện dưới sự giám sát của Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện.

- Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự cấp huyện thực hiện hoặc bệnh viên đa khoa cấp huyện thực hiện nếu địa phương đó có bệnh viện đa khoa cấp huyện.

Địa điểm, thời gian tổ chức khám sức khỏe sẽ được trình bày cụ thể trong lệnh gọi khám sức khỏe (căn cứ Điều 8 Thông tư 105/2023TT-BQP).

nghia-vu-quan-su-17025386197151644940101-0-32-366-618-crop-17025389805831320270656.jpgNhững thông tin cần thiết, thanh niên nào cũng phải chuẩn bị đầy đủ khi khám nghĩa vụ quân sự

GĐXH - Khi nhận được giấy gọi khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự, công dân cần chuẩn bị những gì? Cần mang theo những giấy tờ gì? Bài viết dưới đây cung cấp cho độc giả những thông tin liên quan đến vấn đề này.

nghia-vu-quan-su-170314864114980541467.jpg

Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 phải trải qua 2 vòng khám. Ảnh minh họa: TL

Nội dung khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Tiêu chuẩn sức khỏe để được thực hiện nghĩa vụ quân sự nêu tại Điều 4, Thông tư 105/2023/TT-BQP gồm:

- Phân loại theo thể lực gồm chiều cao, cân nặng và vòng ngực cùng tỷ lệ cân nặng/chiều cao BMI.

- Phân loại theo bệnh tật và các vấn đề sức khỏe: Mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ).

Ngoài ra, tùy vào từng giai đoạn khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự sẽ thực hiện khám với các nội dung:

- Sơ tuyển: Khám tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình; phát hiện trường hợp không đủ thể lực, dị tật, dị dạng; phát hiện các bệnh được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự.

- Khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự:

Về thể lực.

Khám lâm sàng các chuyên khoa về mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt, nội khoa, thần kinh, tâm thần, ngoại khoa, da liễu, sản phụ khoa (đối với nữ);

Khám cận lâm sàng: Công thức máu; nhóm máu (ABO); đường máu; chức năng gan (AST, ALT), virus viêm gan B (HBsAg); virus viêm gan C (Anti-HCV); HTV; thận (Ure, Creatinine); nước tiểu toàn bộ (10 thông số); xét nghiệm nước tiểu phát hiện ma túy; siêu âm ổ bụng tổng quát; điện tim; X-quang tim phổi thẳng;

(Lưu ý: có thể có thêm các xét nghiệm khác theo chỉ định căn cứ yêu cầu chuyên môn để kết luận sức khỏe được chính xác.

Đồng thời, chỉ xét nghiệm máu, nước tiểu, HIV, ma túy với người đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khi đã tiến hành khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim và chụp X quang tim phổi thẳng).

- Khám giám định sức khỏe: Thực hiện khi có khiếu nại liên quan đến sức khỏe của công dân được gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự hoặc của quân nhân dự bị.

- Khám phúc tra: Về thể lực; khám lâm sàng; khám cận lâm sàng gồm các nội dung như trên.

So với quy định cũ, Thông tư 105 đã đặt ra tiêu chuẩn chung cho tất cả các đối tượng và cho từng trường hợp cụ thể.

nghia-vu-quan-su-2025-1703148740167232211700.png

Tham gia nghĩa vụ quân sự công dân cần phải đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định. Ảnh minh họa: TL

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Quy trình khám sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ quân sự

- Căn cứ kế hoạch tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ của Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp huyện, Ban Chỉ huy quân sự cấp xã lập danh sách và gọi khám sơ tuyển đối với công dân thuộc diện khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự trên địa bàn quản lý;

- Tổ chức sơ tuyển sức khỏe theo quy định tại Khoản 2, Điều 7 Thông tư 105/2023/TT-BQP;

- Hoàn chỉnh thông tin sức khỏe của công dân được gọi khám sơ tuyển sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 2 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;

- Lập danh sách công dân mắc các bệnh thuộc danh mục bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Mục III Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP, báo cáo Hội đồng nghĩa vụ quân sự cấp xã;

- Tổng hợp, thống kê, báo cáo kết quả sơ tuyển sức khỏe theo Mẫu 2a; Mẫu 2k Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

(Khoản 3, Điều 7 Thông tư 105/2023/TT-BQP)

Quy trình khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự

- Lập danh sách công dân khám;

- Thông báo thời gian, địa điểm tổ chức khám sức khỏe (ra lệnh gọi khám sức khỏe);

- Tổ chức khám sức khỏe theo các nội dung quy định tại Khoản 5, Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP và thực hiện theo 2 vòng: Khám thể lực, lâm sàng và khám cận lâm sàng, sàng lọc HIV, ma túy.

Khi khám thể lực và lâm sàng, nếu công dân không đạt một trong các tiêu chuẩn sức khỏe quy định tại Khoản 1, Điều 4 Thông tư 105/2023/TT-BQP thì ủy viên Hội đồng trực tiếp khám báo cáo Chủ tịch Hội đồng quyết định dừng khám. Chỉ tiến hành xét nghiệm máu, nước tiểu; xét nghiệm HIV, ma túy cho công dân đạt tiêu chuẩn sức khỏe sau khám thể lực, lâm sàng, siêu âm, điện tim, chụp X-quang tim phổi thẳng.

Tổ chức tư vấn và xét nghiệm HIV theo quy định của pháp luật về phòng, chống HIV/AIDS đối với trường hợp đạt tiêu chuẩn sức khỏe;

- Hoàn chỉnh Phiếu sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 3 Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP;

- Tổng hợp, báo cáo kết quả khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự theo Mẫu 2b Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư 105/2023/TT-BQP.

(Khoản 6, Điều 8 Thông tư 105/2023/TT-BQP)

Cách tính điểm và phân loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự

Cách cho điểm và phân loại khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự 2025 nêu tại Điều 5 và Điều 6 Thông tư 105 như sau:

Phương pháp cho điểm:

Mỗi chỉ tiêu sẽ được cho điểm từ 01 - 06 biểu thị tình trạng sức khỏe tương ứng từ rất tốt đến rất kém. Cụ thể:

a) Điểm 1: Chỉ tình trạng sức khỏe rất tốt;

b) Điểm 2: Chỉ tình trạng sức khỏe tốt;

c) Điểm 3: Chỉ tình trạng sức khỏe khá;

d) Điểm 4: Chỉ tình trạng sức khỏe trung bình;

đ) Điểm 5: Chỉ tình trạng sức khỏe kém;

e) Điểm 6: Chỉ tình trạng sức khỏe rất kém.

Dựa vào số điểm đã được cho, tình trạng sức khỏe sẽ được phân thành 06 loại:

a) Loại 1: Tất cả các chỉ tiêu đều đạt điểm 1;

b) Loại 2: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 2;

c) Loại 3: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 3;

d) Loại 4: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 4;

đ) Loại 5: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 5;

e) Loại 6: Có ít nhất 1 chỉ tiêu bị điểm 6

Do đó, so với cách tính điểm cũ thì Thông tư 105 đã không giới hạn các chỉ tiêu để xếp loại sức khỏe nghĩa vụ quân sự ở loại 1 (Điểm a, Khoản 4, Điều 9 Thông tư liên tịch số 16 giới hạn các chỉ tiêu đều đạt điểm 1 để xếp loại sức khỏe loại 1 là 08 chỉ tiêu).

Như vậy, điểm mới về khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự từ 2025 về cách cho điểm và xếp loại sức khỏe không có nhiều thay đổi so với quy định cũ.

Danh mục các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự

Căn cứ mục III phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư 105, danh sách các bệnh thuộc diện miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự, không nhận vào quân thường trực gồm có:

Tâm thần (Mã bệnh: F20 đến F29).

Động kinh (Mã bệnh: G40).

Bệnh Parkinson (Mã bệnh: G20).

Mù một mắt (Mã bệnh: H54.4).

Điếc (Mã bệnh: H90).

Di chứng do lao xương khớp (Mã bệnh: B90.2)

Di chứng do phong (Mã bệnh: B92)

Các bệnh lý ác tính (u ác, bệnh máu ác tính) (Mã bệnh: C00 đến C97; D00 đến D09; D45 đến D47)

Người nhiễm HIV (Mã bệnh: B20 đến B24, Z21)

Người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng.

Trong đó, về cơ bản Thông tư 105 quy định các bệnh miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự đều được giữ nguyên như Thông tư liên tịch số 16. Tuy nhiên, với bệnh lý ác tính gồm u ác, bệnh máu ác tính và người nhiễm HIV, Thông tư 105 đã quy định chi tiết mã bệnh mà ở quy định cũ không có.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022