Đổi mới phương pháp dạy tiếng Anh ở vùng sâu

Trong suốt 15 năm làm công tác giảng dạy, thầy giáo Nguyễn Thanh Tuấn (SN 1989, Trường THCS thị trấn Tân Hưng, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An) luôn trăn trở tìm ra hướng đi mới cho bộ môn Tiếng Anh để đảm bảo truyền thụ kiến thức hiệu quả cho học sinh.

Những năm đầu tiên cầm phấn, thầy Tuấn gặp rất nhiều khó khăn trong việc giảng dạy. Ngoài điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học chưa đảm bảo, bộ môn Tiếng Anh mang nặng ngữ pháp lẫn từ vựng cùng với tâm lý Tiếng Anh không quan trọng khiến học sinh có thái độ học đối phó, không mục đích.

Kể về chặng đường mang ngoại ngữ tới vùng sâu, thầy chia sẻ, việc dạy ngoại ngữ cho học sinh vốn đòi hỏi nhiều điều kể cả về năng lực giáo viên, trình độ hiểu biết của học sinh cũng như thiết bị dạy học đầy đủ. Thế nhưng, với địa điểm vùng sâu, vùng cao, việc dạy Tiếng Anh càng khó khăn hơn.

Không chỉ là những trở ngại về điều kiện dạy học, các em học sinh thường là dân tộc thiểu số, phát âm tiếng Anh chưa rõ. Trình độ và năng lực học tập của các em còn nhiều hạn chế, còn rụt rè, e ngại trong việc giao tiếp. Ngoài ra, phụ huynh, người thân trong nhà các em không biết nhiều về tiếng Anh để có thể hướng dẫn, hỗ trợ thêm các em học tốt hơn. Rất ít gia đình có thể trang bị được các phương tiện truyền hình có phát ngôn ngữ tiếng Anh từ các đài truyền hình nước ngoài, hay các bản tin bằng tiếng Anh... Chính vì vậy, thầy cô cần phải mất nhiều công sức, thời gian hơn mỗi khi đến lớp truyền thụ cho học sinh.

tranh-3-tong-ket-cung-lop-chu-nhiem-2022-1-16689363542102077748318.jpg

Thầy Tuấn bên các em học sinh của mình. Ảnh NVCC

Không dạy theo hình thức cũ, thầy Tuấn đã áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy giúp tiếng Anh trở nên sinh động, học sinh hứng thú hơn với bộ môn này. Trên đà tiến tới, thầy Tuấn tích cực tham gia các cuộc thi do các cấp tổ chức và đạt giải Nhất tại Hội thi Thiết kế giáo án tương tác cấp huyện năm học 2021-2022; Giải Nhì tại Hội thi Thiết kế giáo án tương tác cấp tỉnh năm học 2021-2022.

Bên cạnh đó, yếu tố tâm lý của học sinh cũng là một trong những điều thầy Tuấn chú tâm. Không chỉ giảng dạy, thầy còn chia sẻ, truyền cảm hứng cho học sinh về vai trò của tiếng Anh trong cuộc sống, khơi dậy niềm yêu thích, đam mê với bộ môn. Những tiết học tiếng Anh của thầy không còn nhàm chán mà hết sức hấp dẫn; học sinh phát triển được cả 4 kỹ năng nghe – nói – đọc – viết.

Có ngày vun trồng, có ngày chăm sóc thì ắt có ngày thưởng hoa. Ngày càng có nhiều học sinh của thầy Tuấn đạt giải Học sinh Giỏi cấp tỉnh cấp THCS môn Tiếng Anh, đồng thời các bạn cũng đã tự tin hơn về năng lực tiếng Anh của mình.

Khó khăn chồng chất khó khăn

Cô Tạ Thị Kim Thoa (SN 1978), Tổ phó Tổ Văn - Tiếng Anh ở Trường PTDTNT THCS&THPT An Lão, huyện An Lão, tỉnh Bình Định cũng là một trong những người trăn trở với việc đưa con chữ ngoại ngữ lên miền núi. Ngôi trường cô công tác là một ngôi trường miền núi với đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số (Hrê, Bana).

Cô Thoa chia sẻ, giáo viên dạy ở vùng cao với muôn vàn gian nan, khổ cực. Một phần vì cơ sở vật chất còn thiếu thốn, đường đi đầy bùn lầy vào mùa mưa, ban đêm vắng tanh, chỉ có tiếng côn trùng rả rích. Một phần vì khả năng tiếp thu của học sinh rất chậm, học đâu, quên đấy, hay vắng học... Trong tất cả những khó khăn đó, có thể nói rằng khó khăn lớn nhất đối với một giáo viên trẻ phải đối mặt chính là khả năng học tiếng Anh của học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em chưa nói thạo tiếng phổ thông, do vậy tiếng phổ thông được xem như là ngoại ngữ thứ nhất và tiếng Anh chính là ngoại ngữ thứ hai. Theo sau đó là trang bị tài liệu tham khảo, máy móc để cho các em học tiếng Anh. Khó khăn chồng chất khó khăn.

ta-thi-kim-thoa-giup-hoc-sinh-noi-tru-on-bai-sau-gio-hoc-16689365259021738007561.jpg

Cô Kim Thoa giúp học sinh nội trú ôn bài sau giờ học. Ảnh NVCC

Thế nhưng, với bầu nhiệt huyết của tuổi trẻ và lòng yêu nghề, yêu sự chân chất, hiền lành ẩn sau vẻ rắn rỏi của học sinh miền núi, cô quyết tâm vượt qua những rào cản về ngôn ngữ để giúp các em học tiếng Anh. Bằng những kiến thức mình đã học được và những kinh nghiệm ít ỏi của bản thân, cô Thoa đã từng bước cải tiến phương pháp dạy và học tiếng Anh cho học sinh miền núi.

Cô Thoa đã và đang áp dụng nhiều phần mềm hiện đại mới trong việc dạy và học tiếng Anh để chất lượng bộ môn ngày một chuyển biến hơn nữa và các em học sinh miền núi sẽ không bị tụt lại phía sau về CNTT. Khả năng nói tiếng tiếng Anh của học sinh ngày càng được nâng lên. Không những thế các em trông mạnh dạn, tự tin hơn khi giao tiếp tiếng Anh. "Nhìn các em tự tin giao tiếp tiếng Anh, tôi tin rằng các em sẽ trở thành những công dân toàn cầu trong tương lai" – cô Thoa chia sẻ.

ta-thi-kim-thoa-hinh-anh-hoc-sinh-nguoi-here-bana-su-dung-bang-tuong-tac-trong-gio-hoc-tieng-anh-16689365673691560541649.jpg

Học sinh người Hrê, Bana dùng bảng tương tác học tiếng Anh trong giờ của cô Kim Thoa. Ảnh NVCC

Với những thầy cô như cô Thoa, thầy Tuấn, xác định dạy tiếng Anh cho học sinh miền núi, điểm số hay thành tích không còn là những áp lực quá nặng nề. Với thầy cô, mong muốn duy nhất chỉ là để các em hiểu và thật sự hào hứng với ngoại ngữ. Bởi vậy mà các thầy cô không quản ngại bao vất vả, khó khăn vẫn hết mình "mang thế giới" tới gần hơn những em học sinh gần biên giới, vùng sâu vùng xa còn khó khăn.

tui-giay-than-thien-voi-moi-truong-nam-2022-1668853827016389369121-160-0-960-1280-crop-1668853834625445675682.jpgCô giáo Pa Kô 11 năm truyền lửa đam mê cho học sinh

GiadinhNet – Bắt đầu ngày mới với không bữa sáng, áo quần lấm lem bùn đất đến trường, khi đông đến chỉ phong phanh chiếc áo trắng. Thế nhưng, suốt hơn 11 năm qua, cô giáo dân tộc Pa Kô ấy vẫn luôn nỗ lực truyền dạy tri thức cho các em.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022