Nắng nóng 35-36 độ kéo dài liên tục hơn 20 ngày khiến TPHCM luôn trong tình trạng oi bức từ sáng đến chiều. Những người mưu sinh trên đường như: tài xế xe ôm, giao hàng, bán vé số, công nhân xây dựng… thấm cảnh khốn khổ hơn bao giờ.
Trong khi đó, nhiều người sống trong những căn phòng trọ, nhà "ổ chuột" cũng chật vật tìm đủ cách tránh nóng khi thành phố chưa có dấu hiệu mưa trở lại.
Người lao động chống chọi với nắng nóng ra sao?
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí , 10h ngày 29/2, nắng nóng 35 độ C rọi xuống TPHCM khiến không khí trở nên oi bức, ngột ngạt. Hàng nghìn người lái xe máy lưu thông trên đường phải đội nón, trùm khăn, đeo khẩu trang kín mít.
Đến trưa, nền nhiệt ngoài trời đạt 36 độ C. Các tuyến đường ít bóng cây xanh như Lý Thái Tổ (quận 10), Tôn Đức Thắng (quận 1), trường Chinh (quận 12), Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức)… hơi nóng từ nền đường bốc lên hừng hực.
Dựng xe dưới tán cây tránh nóng trên đường Thành Thái (quận 10), ông Nguyễn Đăng Sáng (48 tuổi, ngụ quận 12), tài xế xe ôm công nghệ cầm chai nước suối uống ừng ực vì khát.
Ông Nguyễn Đăng Sáng (48 tuổi, ngụ quận 12) cho biết chưa thấy khi nào vừa ra Tết lại nóng như vậy (Ảnh: An Huy).
Ông Sáng cho biết, hiếm khi nào vừa hết Tết mà nắng nóng kéo dài như vậy. Sau mỗi cuốc xe, ông phải uống nước và tìm bóng cây nghỉ ngơi.
"Các bữa trưa gần đây tôi đều uống nước thay cơm. Tôi chờ đến chiều, trời mát mới kiếm gì ăn. Bữa trưa nuốt cơm không vô và không có cảm giác thèm ăn, chỉ thấy khát nước vì trời quá nóng", ông Sáng nói.
Theo nam tài xế, từ 11h đến 13h, ông chủ yếu đưa đón học sinh đi học. Từ 13h đến tầm 16h, khách hiếm khi đặt xe vì trời nắng nóng. Họ chủ yếu ở nhà đặt giao hàng là chính, nếu có đi cũng chọn taxi.
Vừa nói xong, ông Sáng vội kéo áo lộ ra vết xẹo chưa lành trên cánh tay và cho biết, hơn 10 ngày trước, khi lái xe lúc giữa trưa trên đường Phạm Văn Đồng (TP Thủ Đức), điện thoại ông gắn trước đầu xe bất ngờ phát nổ vì trời nắng nóng. Vụ việc khiến cánh tay ông bị thương.
Thậm chí, ông bị say nắng một số lần khi chở khách trong những ngày gần đây. Ông Sáng kể cách đây 3 hôm, khi chở khách từ TPHCM đi Bình Dương vào giữa trưa, ông say nắng suýt bị tai nạn trên quốc lộ 13.
"Mỗi trạm đèn tín hiệu giao thông trên quốc lộ 13 dài hơn 100 giây. Tôi dừng liên tiếp 3 lần đèn đỏ thì bị choáng, muốn đổ xe xuống đường. Tôi phải xin khách vào quán nước ngồi nghỉ 20 phút mới có sức chạy tiếp", ông Sáng nói.
Cách đó không xa, ông Trần Minh Tâm (55 tuổi) tài xế chở hàng cho một số tiệm cây kiểng trên đường Bắc Hải (quận 10) cũng than rất mệt khi đi làm những ngày này.
Công việc chở hàng cả ngày ngoài đường khiến làn da ông đen sạm vì cháy nắng. Ông phải uống nước liên tục để giải khát. Có thời điểm chở hàng đi giao cho khách, ông bị say nắng phải tấp vào lề đường nằm nghỉ một lúc mới đủ sức chạy tiếp.
Ông Trần Minh Tâm ngồi tránh nắng trước cửa hàng bán cây kiểng trên đường Bắc Hải chờ chở hàng (Ảnh: An Huy).
"Nắng nóng tôi cũng phải gắng đi làm chứ không thể nghỉ được. Ban ngày đi làm ngoài đường, tối về tôi ngủ cũng không ngon vì nhà chưa lắp máy lạnh. Nhiều hôm tôi phải uống vài lon bia để xỉn, mau ngủ và quên đi cái nóng", ông Tâm nói.
Nắng nóng còn kéo dài
Những ngày này, hàng chục hộ dân sống tại hẻm 212B Đồng Tiến, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1) cũng phải sống trong cảnh ngột ngạt dưới tiết trời 36 độ C. Nơi đây là dãy hơn 20 căn nhà có diện tích từ 5-6m2, nhiều gia đình 3 thế hệ phải quây quần sống bên nhau.
Lúc 11h30, bà Nguyễn Thị Tâm (54 tuổi) ngồi nhặt rau trước máy quạt chạy rào rào trong căn nhà 6m2 nóng hừng hực. Cứ vài phút, bà kéo tà áo lau mồ hôi nhễ nhại trên mặt.
Bà Tâm cho biết sống nơi đây cùng vợ chồng con trai và cháu nội. Điều kiện kinh tế khó khăn, gia đình bà chưa thể sắm được máy lạnh để sinh hoạt cho mát. Bà phải đem bếp gas ra trước hiên nhà nấu ăn, đỡ cảnh oi bức.
"Ban ngày con cháu đi học, đi làm đến tối mới về. Tuy nhiên, gia đình thường thức đến khuya vì nóng không ngủ được. Tôi muốn chuyển đi nơi khác sống cho rộng rãi nhưng không có điều kiện", bà Tâm nói.
Bà Nguyễn Thị Tâm (54 tuổi) ngồi nhặt rau trong nhà 6m2 nóng hừng hực ở hẻm 212B Đồng Tiến (Ảnh: An Huy).
Cách đó không xa là căn nhà 6,5m2 của bà Nguyễn Thu Hồng (48 tuổi). Hơn 20 ngày qua, cứ đến gần trưa bà phải bồng cháu vào phòng vệ sinh ngồi để tránh cái nóng từ mái tôn truyền xuống.
"Phòng vệ sinh được đổ bê tông trên nóc, ngồi trong đó vào buổi trưa sẽ mát hơn. Buổi tối trước khi đi ngủ, tôi phải dùng khăn nhúng nước rồi đắp lên mặt nhiều lần cho mát. Nhà không có máy lạnh nên thật sự rất khổ", bà Tâm nói.
Trao đổi với phóng viên Dân trí , ông Lê Đình Quyết, Trưởng phòng dự báo Đài khí tượng Thủy văn khu vực Nam bộ cho biết, nhiệt độ không khí từ 35-37 độ C gọi là nắng nóng, từ 37-39 độ C gọi là nắng nóng gay gắt, trên 39 độ C là đặc biệt gay gắt.
Các tỉnh miền Đông Nam Bộ (trừ Bà Rịa - Vũng Tàu) và TPHCM có nắng nóng từ ngày 9/2 đến nay, phổ biến từ 35-36 độ C. Đây được coi là đợt nắng nóng diện rộng, kéo dài hiếm gặp trong tháng 2. Nắng nóng đến sớm, thời gian kéo dài lên tới 37-38 độ C trong tháng 2 như vậy là bất thường. Nắng nóng năm nay mới đang diễn ra, vẫn còn tiếp tục tiếp diễn các tháng kế tiếp.
Theo ông Quyết, nguyên nhân nắng nóng do Elnino từ giữa tháng 6/2023 vẫn đang tiếp diễn và Việt Nam chịu tác động bởi hiện tượng này. Những năm xuất hiện Elnino tác động đến thời tiết, khí hậu Việt Nam có xu hướng nền nhiệt tăng, ít mưa hơn những năm không có Elnino. Số ngày nắng nóng, khô hạn thường kéo dài.
Ông Lê Đình Quyết dự báo nắng nóng ở TPHCM mới bắt đầu và còn kéo dài (Ảnh: An Huy).
Từ tháng 3, 4, 5 nắng nóng còn tiếp tục, sẽ xuất hiện những ngày có nhiệt độ cao nhất đạt 38-39 độ C, thậm chí cao hơn. Khu vực chịu ảnh hưởng tập trung ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương, TPHCM và Tây Ninh. Thời điểm bắt đầu mùa mưa năm nay vào khoảng giữa tháng 5.
Do đó, từ nửa cuối tháng 5, nắng nóng sẽ giảm dần, sau đó thỉnh thoảng chỉ xuất hiện một vài tỉnh có nhiệt độ từ 35-36 độ C rồi chấm dứt.
"Nắng nóng được xếp vào hiện tượng thời tiết nguy hiểm. Nó ảnh hưởng tiêu cực tới cây trồng, vật nuôi, sức khỏe con người. Nắng nóng càng cao, kéo dài thì người dân dễ bị sốc nhiệt, cảm nắng, say nắng, các bệnh về hô hấp", ông Quyết nói.