Cô gái tuổi 20 Lê Thị Hoài Nhớ dù bị căn bệnh xương thủy tinh giày vò từ lúc nhỏ, trải qua hàng chục lần gãy xương. Nhưng không vì thế mà những khát vọng, ước mơ của cô gái trẻ bị dập tắt đi. Em vẫn từng ngày nỗ lực để hoàn thiện ước mơ tự nuôi sống chính mình và hỗ trợ người thân bằng những sản phẩm thủ công bằng len được đan bằng đôi tay nhỏ.

Cám cảnh một gia đình

bbc2051-01-16686706905311028870120.jpeg

Hoài Nhớ và mẹ đang ngồi đan len thủ công.

Trong ngôi nhà nhỏ nhuốm màu rêu phong nằm heo hút ở cuối ngõ của thôn Phương An 1, xã Cam Nghĩa, huyện Cam Lộ (Quảng Trị), cô bé Lê Thị Hoài Nhớ (20 tuổi) và mẹ là bà Đinh Thị Hoa (57 tuổi) đang tỉ mỉ xe chỉ luồn kim, đan từng sản phẩm thủ công bằng len.

Bà Hoa kể về gia đình mình, chồng bà là ông Lê Văn Hùng (49 tuổi), bị xương thủy tinh từ nhỏ. Ngày còn trẻ, do có sự sắp đặt của gia đình, hai người thành đôi và cưới nhau. Thời điểm nên duyên vợ chồng, bà biết chồng bị căn bệnh quái ác, nhưng vẫn tự động viên bản thân rằng nó khó di truyền. Thế rồi lần lượt 2 người con của ông bà ra đời.

"Ngoài việc bố của Nhớ bị xương thủy tinh, ở bên nội còn có các o cũng bị câm điếc từ lúc mới lọt lòng. Nhớ có một người chị, tuy không mắc bệnh gì nhưng đã trưởng thành rồi vẫn chỉ cao 1 mét mấy, đi khám ở huyện thì bác sĩ cũng chẳng biết vì sao", bà Hoa nhớ lại.

bbc2044-01-16686709515381023943717.jpeg

Từ nhỏ, Hoài Nhớ đã bị căn bệnh xương thủy tinh dày vò.

Phải đến mãi sau này, khi sinh ra 2 người con đều mang tật, bà mới nhận ra sự quái ác của căn bệnh di truyền này. Nhưng bà Hoa vẫn chưa từng ân hận vì sinh hai đứa con, bởi bà nghĩ "con cái là phúc trời cho" là máu mủ của bản thân.

Ngoài việc lo cho tương lai của hai đứa con, bà còn phải cùng chồng chống chọi thêm những biến chứng mới. Bà nói, bệnh của ông ngày càng xấu đi khi trước đây chỉ có căn bệnh xương thủy tinh, còn giờ đây, ông mắc thêm câm điếc, mất luôn nhận thức.

Nhắc đến Nhớ, cứ chốc chốc, bà lại cúi gầm mặt xuống bàn, khẽ lau quệt những dòng nước mắt tự trào ra vì thương xót cho số phận hẩm hiu của đứa con gái tội nghiệp.

Từ ngày được sinh ra, tuổi thơ của Nhớ là một chuỗi những ngày vất vả khi phải chống chọi với căn bệnh xương thủy tinh quái ác. Lần đầu tiên Nhớ bị gãy xương là vào năm lên 2 tuổi. Cũng từ đó, bắt đầu cho những ngày tháng dai dẳng cơn đau hành hạ em.

bbc2027-01-1668671079250640000663.jpeg

Đến nay, Nhớ đã trải qua sự đau đớn của hàng chục lần gãy xương.

Thời điểm học lớp 2, trong một lần tự mình đến trường, em bị ngã nhẹ nhưng hậu quả là đôi chân bị gãy làm đôi. Thêm một lần, em ngậm ngùi nước mắt, bỏ học một năm để tiến hành điều trị.

Vừa vào học lớp 3, trong một lần cố gắng tập đi, đôi chân Nhớ lại bị gãy và tiếp tục vòng tuần hoàn nhập viện. Năm lớp 4, mọi thứ còn tồi tệ hơn khi em chỉ nằm trên giường cũng bị gãy chân, điều này đến bác sĩ cũng không thể lý giải nổi.

"Số lần gãy chân, thực sự đến bây giờ em không còn nhớ chính xác con số cụ thể được nữa. Nhưng trong ký ức của mình, dấu mốc từ năm 2 tuổi cho đến năm 10 tuổi em biết mình đã gãy xương trên 10 lần. Có thời điểm gãy cả 2 chân, em đau đớn không chịu được, chỉ cố nuốt nước mắt để mẹ không phiền lòng. Đến năm lớp 3, em ở nhà chữa trị nhưng may mắn vẫn được thầy cô giúp đỡ, dạy bài tại nhà nên em học hết được chương trình tiểu học", Nhớ xúc động.

Sức khỏe yếu nhưng nghị lực của cô giá nhỏ đầy mạnh mẽ

bbc2033-01-02-16686711931811363903682.jpeg

Hoài Nhớ viết ước mơ về tương lai bằng công việc đan len thủ công.

Càng lớn, Hoài Nhớ càng ý thức được trách nhiệm của mình với gia đình. Trong suy nghĩ của mình, Nhớ luôn thúc giục bản thân không được đầu hàng trước số phận. Em tin mình sẽ làm được điều gì đó để san sẻ gánh nặng cùng mẹ, lo cho ba.

Thế là Nhớ bắt đầu tìm cách kiếm tiền, đầu tiên, em bán hàng trực tuyến, nhập các sản phẩm làm từ thảo dược về bán nhưng vì dịch COVID-19 đi lại hạn chế, nguồn hàng cũng ít dần nên em đành chuyển hướng đi khác.

fbimg1668670654961-16686706904952074622080.jpg

Những sản phẩm từ len xinh xắn được đan bằng đôi tay yếu ớt của Nhớ.

Trong một lần tình cờ, em gặp chị Lê Thị Mỹ Bình, một người khuyết tật sống ở Yên Bái. Qua trao đổi, chị Bình đã giới thiệu với Nhớ nghề đan móc len thủ công và chỉ dẫn cách vào nghề.

Nhận thấy công việc không khó, phù hợp với quỹ thời gian rảnh rỗi của mình, Nhớ bắt tay vào nghiên cứu, học hỏi trên mạng về nghề đan móc len bằng tay. Sau 1 tuần vừa tìm tòi vừa thực hành, qua tuần thứ hai, em đã cho ra sản phẩm hoàn thiện đầu tiên. Sau đó, em đã mạnh dạn nhận đan cho khách những thứ theo yêu cầu, khó hơn, lớn hơn, mất nhiều thời gian hơn.

Bắt đầu với nghề vào tháng 3/2021, đến nay nhờ công việc đan len thủ công, Nhớ đã có thu nhập, tuy không nhiều nhưng ổn định.

Mỗi sản phẩm có kích cỡ nhỏ như móc khóa, túi đựng đồ dùng cá nhân… có giá từ 20.000 - 25.000 đồng. Những sản phẩm lớn hơn như thú nhồi bông, búp bê đòi hỏi bỏ nhiều công sức hơn Nhớ sẽ lấy giá tùy vào kích cỡ, sức lực mình bỏ ra.

"Giờ em giới thiệu, nhận đặt hàng và bán qua Facebook. Nhu cầu mua cũng nhiều nhưng vì tay yếu nên em đang không được nhanh, số lượng sản phẩm làm ra không được nhiều", Nhớ cho biết.

bbc2049-01-16686713749401406584364.jpeg

Nhớ mong muốn dành dụm một khoản tiền để mở shop bán những đồ vật mình tạo ra.

Chia sẻ về những dự đinh trong tương lai, Nhớ mong muốn dành dụm một khoản tiền để mở shop bán những đồ vật mình tạo ra, đồng thời, học thêm nghề may để đỡ đần cho mẹ.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022