Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định các bị can này có vai trò đồng phạm giúp sức cho bà Nguyễn Phương Hằng livestream xúc phạm uy tín, danh dự cá nhân một số cá nhân, nghệ sĩ.
Công an TP HCM đã hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố bà Nguyễn Phương Hằng (SN 1971, CEO Công ty Đại Nam) cùng 4 đồng phạm khác về tội "Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân".
Ngoài kết luận điều tra, Công an TP HCM còn ghi nhận các yêu cầu của những bị hại do bà Nguyễn Phương Hằng sử dụng 12 kênh mạng xã hội xúc phạm danh dự, uy tín của họ.
Cụ thể: Vợ chồng một ca sĩ tên T yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng cùng các đồng phạm bồi thường 45,3 tỉ đồng gồm 30,4 tỉ đồng tổn thất về vật chất; 14,9 tỉ đồng thiệt hại tinh thần.
Một ca sĩ nam khác cũng yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng cùng đồng phạm bồi thường 43 tỉ đồng do những tổn thất mà ông phải gánh chịu.
Bà Nguyễn Phương Hằng thời điểm bị các cơ quan chức năng bắt giữ (ảnh TL)
Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp, việc một số cá nhân có yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường thiệt hại với tổng số tiền 88 tỉ đồng trong một vụ án hình sự có lẽ là kỷ lục chưa từng có ở Việt Nam và rất khó có thể chứng minh mức thiệt hại như vậy. Về nguyên tắc, đương sự có quyền đưa ra yêu cầu nhưng cũng có nghĩa vụ phải chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và hợp pháp. Đó là nguyên tắc giải quyết các tranh chấp về dân sự, kể cả vấn đề dân sự trong vụ án hình sự.
Về nguyên tắc thì hành vi có lỗi, gây thiệt hại đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự nhân phẩm, uy tín hoặc tài sản của người khác thì phải bồi thường thiệt hại. Việc bồi thường thiệt hại có thể là bồi thường phát sinh từ hợp đồng hoặc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong những vụ án hình sự thì người bị hại, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan có quyền yêu cầu bị can, bị cáo phải bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm pháp luật gây ra.
Theo quy định tại Điều 584 (Bộ luật Dân sự năm 2015), căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: "Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác.
Người gây thiệt hại không phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp thiệt hại phát sinh là do sự kiện bất khả kháng hoặc hoàn toàn do lỗi của bên bị thiệt hại, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.
Trường hợp tài sản gây thiệt hại thì chủ sở hữu, người chiếm hữu tài sản phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thiệt hại phát sinh theo quy định tại khoản 2 Điều này".
Việc yêu cầu bồi thường thiệt hại, yêu cầu xin lỗi, cải chính công khai là yêu cầu chính đáng của những người bị hại, những người liên quan trong vụ án hình sự. Nói cách khác, việc đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại là quyền của đương sự. Tuy nhiên, họ phải có nghĩa vụ chứng minh cho yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật.
Nếu các bên có thỏa thuận với nhau về mức bồi thường thì cơ quan tố tụng sẽ ghi nhận. Trường hợp yêu cầu bồi thường thiệt hại đưa ra mà các bên không thống nhất được với nhau thì tòa án sẽ giải quyết trên cơ các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo quy định của Bộ luật Dân sự.
Đối với yêu cầu thiệt hại bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì Bộ luật Dân sự 2015 quy định các trường hợp bồi thường thiệt hại do: Tài sản bị xâm hại, tính mạng bị xâm hại, sức khỏe bị xâm hại và danh dự nhân phẩm bị xâm hại. Nội dung này được quy định tại Chương XX, cụ thể là các Điều từ 589- 592.
Đối với bồi thường thiệt hại do danh dự nhân phẩm bị xâm hại mà các bên không thỏa thuận được với nhau thì tòa án sẽ quyết định mức bồi thường thiệt hại không quá 10 tháng lương cơ sở do nhà nước quy định đối với mỗi người bị hại, tương đương khoảng 14.900.000 đồng theo Điều 592 (BLDS 2015).
"Nếu tòa án quyết định mức bồi thường thì sẽ căn cứ vào Điều 592 (BLDS 2015), mức bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín của mỗi người bị hại sẽ không quá 10 tháng lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện nay khoảng 1,49 triệu đồng/tháng), Tiến sĩ Cường phân tích.
Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường nhận định, một số cá nhân yêu cầu bà Nguyễn Phương Hằng bồi thường hàng chục tỉ đồng do danh dự nhân phẩm bị xâm phạm sẽ khó được tòa chấp nhận
Tiến sĩ Cường cũng cho rằng, thực tế thì cùng một hành vi, cùng một sự việc nhưng mức độ tổn thương của mỗi người là khác nhau, ảnh hưởng đến đời sống tâm lý sức khỏe của mỗi người là khác nhau. Chính vì vậy khi danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm thì người xâm phạm và người bị xâm phạm có quyền thỏa thuận với nhau về mức bồi thường. Nếu không thỏa thuận được mà đưa ra pháp luật giải quyết thì tòa án sẽ giải quyết trên cơ sở quy định của Bộ luật Dân sự.
Việc một số cá nhân yêu cầu bị can Nguyễn Phương Hằng và các đồng phạm bồi thường hàng chục tỉ đồng về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm là không có cơ sở xem xét, khó được tòa chấp nhận. Điều này có nghĩa, tòa án có thể chấp nhận mức bồi thường cho mỗi người không quá 14.900.000 đồng theo mức lương cơ sở hiện nay.
Phần yêu cầu bồi thường thiệt hại về danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm vượt quá 10 tháng lương cơ sở nếu tòa án không chấp nhận thì đương sự không phải nộp án phí theo quy định tại điểm d (khoản 1, Điều 12, Nghị quyết 326/2016) của UBTV Quốc Hội.
Còn đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản bị xâm phạm nếu tòa án không chấp nhận thì người có yêu cầu phải nộp án phí theo quy định pháp luật.
Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại "vật chất" thì tòa án sẽ làm rõ đây là bồi thường thiệt hại về tài sản hay bồi thường thiệt hại gián tiếp do danh dự nhân phẩm uy tín bị xâm phạm để làm căn cứ áp dụng pháp luật. Nếu là bồi thường thiệt hại về tài sản sẽ áp dụng Điều 589 (BLDS 2015). Khi đó, đương sự phải chứng minh theo quy định của pháp luật, trường hợp không chứng minh được thì sẽ phải chịu án phí theo quy định.
"Thực tiễn cho thấy, thiệt hại do tài sản bị hư hỏng thì rất dễ chứng minh trên cơ sở kết quả thẩm định giá. Còn đối với tài sản bị mất như: Cơ hội kinh doanh, cơ hội đầu tư thì rất khó chứng minh.
Trong trường hợp đưa ra yêu cầu bồi thường thiệt hại về tài sản mà không chứng minh được thiệt hại đã xảy ra do lỗi trực tiếp của bị can, bị cáo thì Tòa án sẽ không chấp nhận. Khi đó, đương sự có thể phải nộp tiền án phí theo quy định của pháp luật", Tiến sĩ Cường phân tích.
Điều 592. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm
1. Thiệt hại do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm bao gồm:
a) Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại;
b) Thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút;
c) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người đó gánh chịu. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm không quá mười lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.".