Theo tư liệu từ Công an tỉnh Ninh Bình thông tin, thời gian gần đây, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao để lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng diễn biến phức tạp. Đặc biệt là tội phạm sử dụng các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Facebook,… đe dọa bắt cóc người thân, con em của các gia đình, từ đó khống chế, thao túng tâm lý, cưỡng đoạt tài sản của người dân, thực tế đó đã gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Cơ quan công an cho hay, thủ đoạn của tội phạm này là chúng sử dụng các nền tảng mạng xã hội liên tiếp gọi điện cho một số nữ sinh trẻ, khẳng định họ có liên quan đến hành vi phạm tội, đe dọa phải giữ kín để “phục vụ việc điều tra”. Sau đó, yêu cầu họ đến các nhà nghỉ, địa bàn vắng vẻ, kín đáo, tự trói tay, trói chân mình rồi chụp ảnh chuyển cho đối tượng để chúng gọi điện cho người thân trong gia đình nói các nạn nhân đã bị chúng bắt cóc, yêu cầu người thân phải chuyển cho chúng từ 200 - 300 triệu đồng để thả tự do cho các nạn nhân.
Cụ thể, ngày 23/7, cháu Đ.T.K.P (SN 2007 ở xã Thanh Lâm, tỉnh Ninh Bình) nhận cuộc gọi từ một người xưng là công an, thông báo cháu có liên quan đến vụ án ma túy, sau đó ép P phải vào một nhà nghỉ ở phường Phủ Lý, tự trói tay chân và chụp ảnh và gửi cho chúng. Từ bức ảnh cháu P gửi, các đối tượng đe dọa, khống chế gia đình P phải gửi cho chúng 300 triệu đồng. May mắn gia đình đã trình báo lực lượng chức năng, cháu P đã được Công an xã Thanh Lâm và Phòng Cảnh sát hình sự điều tra, giải cứu kịp thời…

Công an xã Thanh Lâm và Phòng Cảnh sát hình sự giải cứu thành công cho cháu Đ.T.K.P (áo trắng) và bàn giao cho gia đình.
Cũng theo thông tin từ Công an tỉnh Ninh Bình, với thủ đoạn tương tự, chị L.T.T (SN 2000, trú tại phường Duy Tân, tỉnh Ninh Bình) bị một nhóm đối tượng lừa đảo trên không gian mạng. Chị T nhận được cuộc gọi của một đối tượng xưng là công an, gọi điện đe dọa, nói liên quan đến 1 vụ án rửa tiền, muốn chứng minh trong sạch, phải sao kê tất cả các tài khoản ngân hàng và phải đi vay tiền chuyển cho chúng để chứng minh mình trong sạch… May mắn khi chị T đang hoảng sợ, tiêu cực thì được lực lượng công an giải cứu kịp thời.
Chưa hết, ngày 23/7/2025, Công an phường Lý Thường Kiệt, tỉnh Ninh Bình nhận được tin báo của gia đình anh Đ.Q.D (ở phường Lý Thường Kiệt) về việc gia đình bị các đối tượng lạ mặt gọi điện thông báo con gái anh là cháu Đ.T.M.H (SN 2007) đang bị bắt cóc và yêu cầu gia đình chuyển số tiền 300 triệu đồng để chuộc.

Công an phường Duy Tân giải cứu thành công chị L.T.T va bàn giao cho gia đình.
Sau khi nhận được tin báo, Công an phường Lý Thường Kiệt đã kịp thời báo cáo Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình để chỉ đạo và phối hợp Phòng Cảnh sát hình sự, Công an các xã, phường trên địa bàn tỉnh nhanh chóng triển khai các biện pháp nghiệp vụ tiến hành xác minh làm rõ vụ việc.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau hơn 2 tiếng tổ chức công tác xác minh, điều tra, Công an phường và Phòng Cảnh sát hình sự đã tìm thấy cháu Đ.T.M.H đang trong nhà nghỉ tại phường Kim Bảng, tỉnh Ninh Bình… Quá trình điều tra, xác minh, cho thấy thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo cũng tương tự như với trường hợp cháu Đ.T.K.P…
Để đấu tranh có hiệu quả với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng viễn thông, mạng xã hội, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ, Công an các xã, phường, nòng cốt là lực lượng Cảnh sát hình sự xây dựng kế hoạch, phương án, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, tăng cường công tác phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh công tác phòng ngừa nghiệp vụ và đẩy mạnh công tác điều tra, khám phá án, lực lượng công an cũng tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo, đồng thời phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông báo rộng rãi phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đối tượng lừa đảo để người dân hiểu và chủ động cảnh giác, phòng ngừa, tích cực phối hợp với ngành chức năng trong việc phát hiện, tố giác tội phạm.

Công an phường Lý Thường Kiệt và Phòng Cảnh sát hình sự giải cứu thành công cháu Đ.T.M.H, bàn giao cho gia đình.
Tuy nhiên, qua các vụ án, vụ việc đã điều tra, khám phá cho thấy sở dĩ người dân vẫn bị bọn tội phạm thực hiện hành vi lừa đảo, đe dọa chiếm đoạt tài sản phần nhiều do còn chủ quan, thiếu cảnh giác, nhẹ dạ, cả tin hoặc quá hoảng sợ, thiếu những kiến thức quan trọng để tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, trong khi đó trong điều kiện mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, đã tạo điều kiện thuận lợi cho bọn tội phạm hoạt động.
Cùng với đó, sự lơ là, sự quan tâm còn chưa thường xuyên, chặt chẽ của người thân trong gia đình đã khiến các đối tượng yếu thế, nhất là trẻ vị thành niên, người lớn tuổi… dễ trở thành nạn nhân của tội phạm.
Do đó, để công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc quyết liệt, trách nhiệm của lực lượng công an thì mỗi người dân cần nâng cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, thường xuyên cập nhật, nắm bắt phương thức, thủ đoạn của tội phạm. Đồng thời, nâng cao ý thức tự phòng ngừa trong mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị và cộng đồng nói chung đối với các loại tội phạm, trong đó có tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng viễn thông, mạng xã hội, nhanh chóng, kịp thời báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan công an hành vi nghi vấn liên quan đến tội phạm, có như vậy mới góp phần giữ gìn bình yên cho mỗi người, mỗi nhà và góp phần bảo đảm tốt an ninh trật tự cho toàn xã hội.