Sáng 11/7, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội tuyên án đối với 41 bị cáo trong vụ sai phạm đấu thầu, đưa và nhận hối lộ liên quan Tập đoàn Phúc Sơn.
Theo đó, HĐXX xét xử tuyên phạt bà Hoàng Thị Thúy Lan (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc) 14 năm tù về tội nhận hối lộ.
Bà Lan bị cáo buộc nhận hối lộ 25 tỷ đồng cùng 1 triệu USD từ bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn.
Cùng tội danh này, bị cáo Lê Duy Thành (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc) lĩnh 12 năm tù; Phạm Hoàng Anh (cựu Giám đốc Sở Xây dựng, cựu Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Vĩnh Phúc) lĩnh 8 năm tù; Nguyễn Văn Khước (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng thẩm định giá đất tỉnh Vĩnh Phúc) lĩnh 7 năm tù; Hoàng Văn Nhiệm (cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Vĩnh Phúc) lĩnh 4 năm tù; Chu Quốc Hải (cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Vĩnh Phúc) lĩnh 4 năm tù.
Bị cáo Cao Khoa (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) lĩnh 7 năm tù; Lê Viết Chữ (cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi) lĩnh 7 năm tù; Đặng Văn Minh (cựu Giám đốc Sở GTVT Quảng Ngãi) lĩnh 8 năm tù.
Bị cáo Nguyễn Văn Hậu (Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn) lĩnh án 14 năm tù về tội đưa hối lộ, 7 năm tù về tội vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng và 9 năm tù về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Tổng hợp hình phạt bị Hậu bị tòa sơ thẩm tuyên 30 năm tù.

Cựu Bí thư Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan tại toà sơ thẩm. (Ảnh: HN)
Trước đó, tại phần luận tội, VKS đánh giá, quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Tập đoàn Phúc Sơn đã khai nhận hành vi phạm tội, phù hợp với lời khai của các bị cáo khác trong vụ án; lời khai của các bị cáo, người liên quan và các tài liệu khác có trong hồ sơ vụ án, có đủ căn cứ xác định Nguyễn Văn Hậu có hành vi đưa hối lộ.
Để được thực hiện các dự án, gói thầu tại tỉnh Vĩnh Phúc và Quảng Ngãi, Nguyễn Văn Hậu đã gặp gỡ, trao đổi đưa tiền cho lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, lãnh đạo các Sở, Ban, ngành của tỉnh Vĩnh Phúc để các cá nhân này chỉ đạo, tạo điều kiện cho Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Thăng Long của Hậu được trúng thầu.
Hậu đã đưa tiền cho các cá nhân là lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, các sở, ngành tỉnh Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi với tổng số tiền hơn 132,2 tỷ đồng (hơn 72,5 tỷ đồng và 2.620.000 USD).
Thông qua việc hối lộ hoặc nhờ cậy các lãnh đạo, Tập đoàn Phúc Sơn trúng nhiều gói thầu tại Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ngãi. Sau khi trúng thầu, Nguyễn Văn Hậu chỉ đạo thực hiện việc chuyển nhượng thầu trái pháp luật, gây thiệt cho Nhà nước hơn 459 tỷ đồng. Hành vi này của Hậu bị viện kiểm sát xác định phạm vào tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ngoài ra, Nguyễn Văn Hậu còn chỉ đạo cấp dưới dùng 2 hệ thống sổ sách kế toán, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền 504 tỷ đồng tiền thuế. Việc này phạm vào tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng”.
Như vậy, Nguyễn Văn Hậu đã gây thiệt hại 963 tỷ đồng ở các hành vi vi phạm về đấu thầu và kế toán. Cộng thêm 204 tỷ đồng khi xác định lại giá đất, bị cáo này chịu cáo buộc gây tổng thiệt hại 1.168 tỷ đồng cho Nhà nước.
VKS đánh giá nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị cáo là do còn có sơ hở, thiếu sót trong một số văn bản quy phạm pháp luật, trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực xây dựng, đấu thầu, thuế, định giá tài sản...
Bên cạnh đó, cán bộ, đảng viên trong các cơ quan đảng, nhà nước ở các địa phương này đã suy thoái về phẩm chất, đạo đức; vì động cơ vụ lợi, các bị cáo đã câu kết với doanh nghiệp tạo nên nhóm lợi ích và lợi ích nhóm, bị doanh nghiệp thao túng.
“Hành vi phạm tội của các bị cáo trong vụ án này là đặc biệt nghiêm trọng, nên cần xét xử nghiêm, đảm bảo tính răn đe, có tác dụng phòng ngừa chung”, đại diện VKS nhấn mạnh.
Trong quá trình nghị án, HĐXX đã nhận được biên lai thu tiền Tập đoàn Phúc Sơn nộp tiền khắc phục hậu quả 768 tỷ đồng cho bị cáo Nguyễn Văn Hậu.
Bên cạnh đó, HĐXX cũng nhận được biên lai của bị cáo Phùng Quang Hùng (cựu Chủ tịch tỉnh Vĩnh Phúc cũ, nay là Phú Thọ) nộp khắc phục thêm 200 triệu đồng. Như vậy toàn bộ hậu quả của vụ án đã được các bị cáo khắc phục hoàn toàn.