Cao 2,2m, nặng hơn 100kg nhưng cuộc sống của ông Y chỉ gói gọn trong căn nhà rộng chưa đầy 15 mét vuông, được dựng tạm từ những tấm tôn cũ và vài cây tràm. Trên chiếc giường bê tông được mạnh thường quân hỗ trợ xây theo chiều cao của mình, ông Y ngồi thẫn thờ nhìn vào một khoảng không vô định. Cách đây ít năm, ông Y từng nổi tiếng với cái tên "dị nhân khổng lồ ở miền Tây" qua hàng loạt bài báo cũng như chia sẻ trên MXH.
Sau một thời gian bệnh tật, người đàn ông cao 2,2m ở Cần Thơ mất hoàn toàn khả năng lao động, cuộc sống chỉ có thể dựa vào em gái ruột cũng thuộc diện hộ nghèo chăm sóc.
"Ông ấy khờ lắm, không còn thấy đường hay minh mẩn. Mấy hôm trước, tôi làm cho ông ấy cái bảng đeo vào cổ để có đi đâu lạc đường người ta gọi điện cho tôi dẫn về nhưng đeo được vài ngày rồi thì tự tháo mất",bà Nguyễn Thị Hồng Phượng (57 tuổi, em gái ruột ông Y) nói.
Mắt yếu, tay chân giãn tĩnh mạch, cộng thêm căn bệnh trĩ mãn tính kéo dài hơn 40 năm khiến ông Y mất hoàn toàn khả năng lao động. Cuộc sống chỉ có thể trông chờ vào người em gái ruột là bà Nguyễn Thị Hồng Phượng.
Ông Y hiện đang được em gái ruột nuôi.
Kích thước áo của ông Y to gấp 2-3 lần người thường. Căn bệnh giãn tĩnh mạch khiến toàn thân ông đau nhức nhưng chỉ có thể nằm một chỗ chịu đựng.
"Tội nghiệp lắm, ông ấy ở một chỗ buồn nên hay xin tôi đi ra chợ kiếm đồ ăn mang về nhưng vì khờ nên tôi dặn ở nhà, ngoài đường xe cộ nguy hiểm. Thỉnh thoảng cũng tự mở cửa đi, đi lạc cũng được bà con người ta đưa về",bà Phượng tâm sự.
Gia đình ông Y có tổng cộng 5 anh em, ông Y là anh lớn sống với ba mẹ, bà Phượng và những người còn lại đều thuộc diện khó khăn, có gia đình riêng hiện đang sống trên địa bàn TP Cần Thơ.
Sau khi ba mẹ mất, thương anh trai sống một mình không ai chăm sóc, bà Phượng cùng chồng quyết định đưa về gần nhà. Nhưng kể từ khi chồng qua đời, người phụ nữ này bất đắc dĩ trở thành trụ cột, một mình tần tảo nuôi hai con và anh ruột mất khả năng lao động.
"Một ngày ông ấy ăn hai cữ sáng và chiều, tối hoặc trưa có đói thì dặm thêm mì. Quần áo ông ấy tôi giặt, có khi không thấy tôi ông ấy lủi thủi một mình tự giặt. Mỗi tháng ông ấy được nhận 800.000 tiền trợ cấp xã hội. Ngày trước chồng tôi còn sống thường chở ông ấy đi lấy thuốc, khám bệnh còn bây giờ chồng tôi mất gia đình không có ai đủ sức khoẻ để đưa đi",bà Phượng kể.
Ông Y chật vật sống trong căn nhà dựng tạm, bệnh tình hoành hành khiến người đàn ông này không còn khả năng lao động, khù khờ và ít nói
Ông Huỳnh Hữu Tạo (Bí thư - Trưởng ấp Trường Trung A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền) cho biết: "Ông Y có 4 người anh em, ngoài bà Phượng còn có 1 người đã mất, 1 người đang bán đồ chay và 1 người thuộc hộ cận nghèo của ấp. Bà Phượng hiện tại là người trực tiếp nuôi và chăm sóc ông Y. Hoàn cảnh bà Phượng cũng thuộc diện khó khăn, chồng mất bà một nuôi hai con, tiền bảo trợ xã hội của ông Y mỗi tháng là do bà Phượng giữ để mua đồ ăn, thuốc uống cho anh trai. Địa phương rất mong trường hợp của ông Y được mạnh thường quân biết đến và giúp đỡ".