Năm 2025 là năm đầu tiên học sinh khối 12 thi tốt nghiệp THPT theo chương trình GDPT mới. Đề thi trong 90 phút theo 3 dạng thức: trắc nghiệm nhiều lựa chọn, trắc nghiệm đúng, sai và trắc nghiệm trả lời ngắn.

Từ đề tham khảo của Bộ GD&ĐT đến các đề thi thử của các tỉnh, của các trường, có thể nhận thấy một điều rõ ràng là đề thi rất thách thức với thí sinh, điểm thi giảm rõ rệt so với đề của những năm trước.

Trong một khoảng thời gian rất ít, chưa đầy 2 tháng còn lại, mỗi học sinh cần phải có phương pháp học phù hợp cũng như cần nỗ lực một cách mạnh mẽ thì mới phát huy được tối đa năng lực của mình.

7279dc08-06f1-4521-bb92-d4e47b3063f9-9810-7115-1746499059829-1746499060247498216447.jpg

Thầy Trần Mạnh Tùng - giáo viên dạy Toán (Hà Nội).

Tăng thời gian tự học

Qua nhiều năm trực tiếp ôn luyện cho học sinh, thầy Tùng cho rằng, theo cấu trúc đề thi, tỉ lệ điểm của các lớp 10, 11, 12 là 1 + 2 + 7. Các thầy cô sẽ hướng dẫn các em chú trọng vào phần nào của lớp 10, lớp 11, còn lớp 12 thì sẽ học hết.

Đối với môn Toán, các em sẽ rất thuận lợi khi học theo bài. Với mỗi bài, học sinh nên tự học theo hai bước. Bước 1, kiến thức cơ bản, học trong sách giáo khoa hay internet. Bước 2, làm bài tập liên quan đến kiến thức đó theo hướng từ dễ trở lên. Đôi khi, bài tập giúp học sinh hiểu sâu sắc về lý thuyết, vì thế các em cần nắm vững lý thuyết.

Môn Toán cần biến đổi nhiều, bởi vậy, một yêu cầu rất cần thiết với các em là phải nhiệt tình. Với các câu ở mức vận dụng, nhìn qua có thể chưa có ngay hướng làm nhưng có thể, qua vài bước biến đổi, học sinh có thể tìm được kết quả.

Việc học có 2 dạng: học có hướng dẫn và tự học. Ở giai đoạn gần thi, cần thời gian tự học, tự rèn luyện, như thế mới là của mình. Học sinh học chính, học thêm tối ngày thì cũng không hiệu quả.

Học chắc kiến thức cơ bản và không được chủ quan lý thuyết

Qua quan sát, đánh giá, thầy Tùng cho rằng điểm yếu lớn nhất của học sinh 12 năm nay là không chắc kiến thức cơ bản: chẳng hạn như học sinh làm bài tập về hình chóp đều nhưng không biết chóp đều là gì…

Một trong những đặc điểm của thi trắc nghiệm, đó là các thầy cô hay "cài bẫy" vào những câu hỏi lý thuyết. Vì thế, học sinh phải nắm vững những kiến thức cơ bản của toàn bộ kiến thức của lớp 12, 11, 10.

Ở lớp 11, học sinh xoáy sâu vào kiến thức lượng giác, xác suất, dãy số, đạo hàm và giới hạn. Với hình học vẫn là câu chuyện về tính góc, tính khoảng cách và thể tích. Với mỗi nội dung, các em cần nắm vững định nghĩa, công thức tính, phương pháp tính, các tính chất, các dấu hiệu, thậm chí các sai lầm hay gặp.

Nội dung đề thi có đến 60% dùng để xét tốt nghiệp. Bởi vậy, nắm chắc kiến thức cơ bản là các em đã có cơ hội kiếm được trên 6 điểm. Bạn muốn được 8 hay 9 điểm, đầu tiên bạn cần vượt qua mốc 6 hay 7 điểm.

Lập kế hoạch ôn tập theo từng ngày

Việc ôn thi phải có kế hoạch rất cụ thể theo từng tuần và từng ngày để mang lại hiệu quả, nếu đến sát ngày thi học sinh sẽ càng cuống, dẫn đến ôn luyện không hiệu quả, hay bị mất tinh thần và lo lắng.

Khi đã lập kế hoạch rồi, các em cần nghiêm túc thực hiện theo kế hoạch đó, thậm chí có thể phải hi sinh một vài sở thích. Một ngày của giai đoạn này có thể có giá trị hơn so với một ngày trước đây, bởi thế, các em cần nâng niu, trân trọng từng giây, từng phút, tránh tình trạng rã đám cuối năm học.

Mỗi học sinh năm nay thi tốt nghiệp THPT 4 môn: Toán, Ngữ văn và 2 môn lựa chọn. Các em có thể lập kế hoạch theo ngày, hoặc theo tuần, theo tháng cho hợp lý. Bên cạnh đó, cũng cần lập kế hoạch cho “vùng đệm”: dành thời gian cho nghỉ ngơi, vận động và giải trí để bộ não phục hồi.

Tích cực làm đề

Đối với việc ôn luyện môn Toán, tôi khuyên các em cần tăng cường làm bài tập và làm đề thi. Theo đó, mỗi tuần học sinh làm ít nhất một đề trong 90 phút để biết được điểm mạnh, điểm yếu và tìm cách khắc phục. Học sinh hãy làm đề một cách khôn ngoan, làm sâu thay vì làm rộng; quan tâm đến chất lượng hơn số lượng.

Học sinh làm một đề tối đa theo sức mình, sau đó xem lại kỹ lưỡng từng câu để rút kinh nghiệm. Tránh tình trạng làm đề lấy điểm mà không nhìn lại kỹ càng; làm quá nhiều đề, tràn lan nhưng không chốt lại kiến thức nào. Đặc biệt, cần luyện đề kết hợp tổng ôn kiến thức.

Hiện nay, có nhiều thầy cô luyện thi theo kiểu giao đề cho học sinh làm. Học sinh đến lớp chỉ làm đề, chữa đề nên dễ gây nhàm chán. Vì vậy, cần có sự phối hợp học theo chuyên đề. Giáo viên cung cấp, hướng dẫn nội dung lý thuyết tương ứng với các dạng bài tập, học sinh được học “hai trong một” sẽ mang lại kết quả tốt hơn.

Về đề thi, các em có thể tìm trên Internet, đề của các Sở GD&ĐT, các trường hoặc trung tâm có uy tín. Học sinh nên làm đề theo mức độ tăng dần.

Theo cấu trúc, đề Toán gồm 3 phần: phần I (trắc nghiệm nhiều lựa chọn, đây là phần dễ nhất); phần II (đúng, sai) và phần III (điền đáp số). Hai phần sau khó hơn. Học sinh cũng có thể “làm đề từng phần” như làm riêng phần II (4 điểm, làm trong 35 – 40 phút) hoặc phần III (3 điểm, làm trong 30 – 35 phút). Các cụ dạy: Văn ôn, Toán luyện. Vì thế, khâu luyện đề rất quan trọng, nhất là trong giai đoạn này.

Tự kiểm tra và phân tích lỗi sai

Khi làm xong, chấm xong 1 đề (theo đáp án đã có), ngoài việc biết được số điểm của mình, học sinh cần xem xét kĩ những câu làm sai hoặc không làm được để rút kinh nghiệm, khắc phục: mình thiếu lí thuyết, công thức hay phương pháp nào; mình tính ẩu, hiểu nhầm chỗ nào…

Làm đề để học bổ sung kiến thức, rèn kĩ năng cũng là một cách học hay.

Cần rèn kỹ năng tính nhanh

Môn Toán thi trắc nghiệm 50 câu trong 90 phút. Như vậy, mỗi điểm tương ứng với 9 phút.

Thực tế cho thấy hầu hết học sinh gặp khó khăn với thời lượng như vậy. Ví dụ như, phần III (3 điểm) làm trong khoảng 30 – 35 phút nhưng nhiều học sinh còn chưa được điểm nào. Có những đề bài dài, học sinh đọc xong mà chưa biết đề cho cái gì, hỏi cái gì…

Để quen với bài thi, trong quá trình học, các em học sinh phải thường xuyên tìm tòi các hướng làm nhanh, rèn tính nhẩm, tính nhanh. Để kiểm tra tốc độ làm bài của mình, các em có thể kết hợp với việc bấm giờ.

Bên cạnh đó, các em cần học cách sử dụng máy tính hợp lí, đúng cách, hiệu quả và khôn ngoan. Những tính toán đơn giản thì có thể nhẩm được. Bên cạnh đó, cần rèn kĩ năng đọc đề và phân tích đề bài cũng như rèn kĩ năng vẽ hình, nhất là hình không gian (tập vẽ bằng tay).

Và những lưu ý

Ngoài ra, thầy Tùng còn lưu ý, học sinh cần tăng cường học bằng nhiều kênh. “Học thầy không tày học mạng” để các em có thêm một kênh tra cứu thông tin, giải đề hay học tập rất tốt, đó là mạng internet. Học sinh hãy biết cách sử dụng và phát huy sức mạnh của tất cả các kênh đó, chắc chắn việc học của các em sẽ đơn giản và hiệu quả hơn rất nhiều.

Học sinh cần tránh việc học khuya quá hoặc một ngày học quá nhiều kiến thức, sẽ khó dung nạp vào đầu. Không chỉ vậy, các em cũng cần tránh học như “hành xác”, hại sức khỏe mà nhanh quên.

“Khoảng thời gian 4 – 6 giờ sáng thích hợp cho ghi nhớ ngắn hạn. Bởi thế, thay vì thức khuya, dậy muộn các em nên ngủ sớm và dậy sớm. Ngoài ra, cần kết hợp học tập với nghỉ ngơi, thư giãn”- thầy Tùng nhấn mạnh.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022