Từng được công chúng đón nhận nồng nhiệt gần 20 năm trước, vở kịch Phép lạ vừa được Sân khấu IDECAF (TP.HCM) tái dựng với phiên bản mới mang tên Hé-lô ông thần! (tác giả Bùi Quốc Bảo, đạo diễn Hùng Lâm). Phiên bản này hoạt náo hơn xưa, phù hợp với khán giả trẻ ngày nay.
1. Câu chuyện mang màu sắc thần thoại hiện đại với nhân vật Thần Chết (Đại Nghĩa) có nhiệm vụ đưa chàng trai trẻ Khánh Duy (Đình Toàn) về cõi vĩnh hằng. Nhưng một sự nhầm lẫn đã xảy ra, khiến cậu thiếu gia ham chơi Khánh Hoàng (Hòa Hiệp) lại lầm tưởng mình là người mắc bệnh nan y.
Sự trái ngược về lối sống giữa 2 chàng trai trẻ - 1 yêu đời ham cống hiến và 1 ăn chơi trác táng chỉ thích hưởng thụ - đã khiến ông Thần Chết phải đau đầu trong hành trình hoàn thành nhiệm vụ của mình. Cuối cùng, thần thánh cũng phải động tâm trước con người và không thể lạnh lùng tuân theo lệnh bề trên được nữa. Áo choàng đen và gương mặt đáng sợ của Thần Chết đã hóa thành màu trắng dịu dàng, cũng là một ấn tượng đẹp.
Hòa Hiệp (vai Hoàng Duy) và Diệu Đức (vai mẹ) trong vở diễn. Ảnh: HK
Nội dung vở kịch đơn giản, không quá nhiều những "drama" căng thẳng hay những cú lật bất ngờ. Nhưng, cách kể chuyện dí dỏm và hài hước ở đó vẫn khiến khán giả tò mò dõi theo xem cuối cùng liệu phép lạ có xảy ra. Và phép lạ đã xảy ra thật, nhưng không phải bằng một quyền năng siêu hình nào đó, mà bởi những cố gắng của tự thân mỗi người.
Bởi, khi con người biết sống đẹp, sống một cách giá trị trong từng khoảnh khắc của cuộc đời, đó chính là phép lạ.
2. Trở lại với vai trò đạo diễn, Hùng Lâm đã thổi vào phiên bản mới Hé-lô ông thần! những yếu tố trẻ trung nhằm phù hợp với khán giả ngày nay. Đó là chất nhạc kịch với những giai điệu trẻ trung sôi động, là cách thiết lập ánh sáng đầy màu sắc. Nhờ đó, tuy thiết kế sân khấu tối giản, nhưng trí tưởng tượng của khán giả vẫn được kích thích bay bổng. Hai chiếc cầu thang trên sân khấu lúc là giường bệnh, lúc biến hóa thành chiếc cầu lãng mạn, lúc lại là cánh cổng đón người lên thiên đường.
Đại Nghĩa (vai Thần Chết), Đình Toàn (vai Khánh Duy)
Đại Nghĩa đảm nhận vai trò hạt nhân xuyên suốt vở diễn với nhân vật Thần Chết. Vai Thần Chết của anh làm đủ trò từ độc thoại đến trò chuyện, đối chọi với các nhân vật người phàm. Điều này đòi hỏi ở Đại Nghĩa khả năng hoạt náo, mảng miếng hài biến hóa liên tục. Nhưng đồng thời, anh cũng không được quá lố, phải có sự giãn cách như chính khoảng cách giữa con người và thần thánh. Bên cạnh đó, anh còn thể hiện được những khoảng lặng trăn trở của một ông thần trước số phận con người. Đại Nghĩa đã cho thấy anh là cái tên đáng tin cậy của sân khấu IDECAF, với khả năng nhập vai đa dạng từ vũ đạo đến bi, hài chừng mực mà dễ chịu.
Hòa Hiệp vào vai Khánh Hoàng khác hẳn với hình tượng thư sinh hiền lành thường thấy, nhưng lại hợp vai bất ngờ. Anh diễn ra chất một chàng nhà giàu ham chơi nhưng đâu đó vẫn phảng phất nét ngây thơ trong sáng của một cậu trai chưa rời khỏi vòng tay gia đình, tưởng chừng là vai phản diện nhưng lại dễ thương đến lạ.
Ngược lại, Đình Toàn thể hiện nhân vật Khánh Duy tử tế, luôn quan tâm đến mọi người đúng kiểu "con ngoan trò giỏi". Nhưng hiền lành mà vẫn linh hoạt, thỉnh thoảng khán giả vẫn thấy cái chất Đình Toàn được thể hiện tinh tế trong cái kiểu hài tỉnh rụi và một vài phân đoạn "lém lỉnh" của nhân vật.
Vở kịch còn mang đến một nét khác lạ của bộ đôi Tuấn (Quang Thảo) và Diễm (Mỹ Duyên). Quang Thảo là anh kép đẹp ấn tượng với khán giả bằng những vai chính kịch nho nhã, nay trở thành chàng giám đốc nông trường mặt thẹo đầy gai góc. Còn Mỹ Duyên rũ bỏ hình tượng công chúa trở thành một cô nàng bốc lửa, ngổ ngáo và bất cần đời nhưng lại sẵn sàng hy sinh mọi thứ vì em trai.
NSƯT Mỹ Duyên (vai Diễm) và Quang Thảo (vai Tuấn).
Bên cạnh đó, diễn viên trẻ Hoài Trang đã thể hiện rất duyên với vai cô y tá Nguyệt bộp chộp, đầy những thói hư tật xấu nhưng lại "khẩu xà tâm Phật". Những cái tên khác của sân khấu IDECAF cũng đã rất tròn vai, như Diệu Đức, Thanh Tùng, Đoan Trang, Đông Hải, Bảo Cường, Trúc My, Đình Cẩn, Quách Bình, Kim Thanh.
Sau gần 20 năm, Phép lạ và nay là Hé-lô ông thần! vẫn chứng tỏ được sức hấp dẫn của mình, mang đến một trải nghiệm kịch vui tươi, trẻ trung, giải trí nhẹ nhàng nhưng vẫn giàu ý nghĩa.
Hạnh phúc đến từ sự trân trọng với mỗi phút giây còn sống, không phải đến từ sự thương yêu khi biết mình sắp ra đi - đó là thông điệp nhẹ nhàng nhưng sâu sắc của vở diễn.