Hay tin Vũ Linh qua đời ở tuổi 65 sau thời gian chống chọi bạo bệnh, nghệ sĩ Thoại Mỹ nói lời vĩnh biệt: "Từ nay, chúng tôi đã mất đi người anh cả, một tượng đài của sân khấu cải lương".

Nghệ sĩ Ngọc Huyền đăng tấm hình thời trẻ cùng "ông hoàng hồ quảng" một thời và viết: "Dù đóng tuồng xã hội hay cổ trang, anh vẫn luôn đáng yêu như vậy".

ns-vu-linh-1-7081-1678001294.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=qo9sUVZ-KecA8CIY3VOeGg

Nghệ sĩ Vũ Linh thời trai trẻ. Ảnh tư liệu

Vũ Linh có 40 năm gắn bó nghệ thuật cải lương, ghi dấu là một trong những ngôi sao cải lương sáng giá bậc nhất thập niên 1990. Năm 13 tuổi, nhà nghèo, cậu bé Võ Văn Ngoan (tên thật của Vũ Linh) bỏ dở học hành, mon men vào các gánh tuồng cổ học hát. Hai năm sau, cơ duyên bắt đầu khi ông được về đoàn Hoa Anh Đào Kim Chưởng. Tại đây, ông thọ giáo "đệ nhất đào võ" Diệu Hiền, nhanh chóng trở thành một trong những học trò sáng giá của bà.

Trong ký ức của Diệu Hiền, thời niên thiếu, Vũ Linh "tên Ngoan nhưng luôn nghịch phá". Tố chất thông minh, lanh lợi, ông thường khiến bạn hát bối rối vì hay hát cương (hát ngẫu hứng, không theo kịch bản). 15 tuổi, đóng vai người con trong một tuồng cổ, ông diễn cùng nhân vật sư ông, tự ý thêm thắt lời thoại. Bạn diễn ứng biến không kịp, khiến khán giả cười rần, còn Vũ Linh bị Diệu Hiền cầm roi rượt quanh hậu trường. Đằng sau tính cách ngỗ nghịch của học trò, bà nhận ra tố chất tiềm tàng của một nghệ sĩ lớn. Từ kép phụ, ông được Minh Tơ - cha của nghệ sĩ Thanh Tòng - mời vào đoàn, ba tháng sau đã trở thành kép chánh.

Bôn ba nhiều năm đi diễn ở các đoàn tỉnh, vào tuổi 30, Vũ Linh mới thực sự chạm đỉnh vinh quang. Vũ Linh đầu quân cho nhà hát Trần Hữu Trang và trở thành hiện tượng của sân khấu miền Nam một thời. Với khuôn mặt điển trai, phong thái hào hoa, nho nhã, giọng ca truyền cảm, vũ đạo nhuần nhuyễn, nghệ sĩ chiếm trọn tình cảm của khán giả mộ điệu. Nghệ sĩ Bạch Tuyết đánh giá lối hát của ông như "ong bay bướm lượn", lên nốt cao giọng vẫn căng tràn, tươi sáng, không bị lỗi âm mũi như nhiều tài tử cùng thời. Năm 1991, Hội sân khấu TP HCM lần đầu tổ chức cuộc thi Triển vọng Trần Hữu Trang - lấy tên soạn giả nổi tiếng đầu thế kỷ 20. Trước cuộc thi, báo Sân khấu đăng lý lịch của hàng trăm nghệ sĩ để khán giả cắt phiếu bầu chọn. Trong sáu cái tên đoạt huy chương vàng mùa đầu, Vũ Linh là nam nghệ sĩ duy nhất (bên cạnh Thanh Thanh Tâm, Tài Linh, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy, Ngọc Huyền), nhưng nhận được nhiều bình chọn nhất - hơn 9.200 phiếu, với vở Giũ áo bụi đời (soạn giả: Trương Quốc Khánh - Mộc Linh). Cuộc thi trở thành bệ phóng giúp Vũ Linh vươn đến vị trí ngôi sao hàng đầu của cải lương Hồ Quảng và được mệnh danh "ông hoàng tuồng cổ".

vu-linh-3-1-2325-1678001294.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=xgmtPUTlLEaOqHt3KRrUQw

Từ trái qua: Vũ Linh, Thanh Hằng, Phương Hồng Thủy - ba nghệ sĩ đoạt giải Triển vọng Trần Hữu Trang 1991. Ảnh: Báo Sân khấu

Với đông đảo người yêu sân khấu, Vũ Linh gắn bó với thời kỳ vàng son cuối cùng của cải lương (cuối thập niên 1980 - nửa đầu những 1990) trước khi thoái trào. Một giai đoạn, ông vang danh với những vở tuồng cổ kinh điển như Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài (soạn giả: Đức Phú), Xử án Bàng Quý Phi (Viễn Châu), Ngọc Kỳ Lân (Bạch Mai), Thần Nữ dâng Ngũ Linh kỳ (Loan Thảo, Thế Châu), Chiêu Quân cống Hồ (Thanh Tòng).

Nghệ sĩ Diệu Hiền đánh giá không ai vừa hát vừa diễn xuất sắc hơn ông với vai Lương Sơn Bá, đặc biệt trong phân cảnh Chúc Anh Đài lên xe hoa, làm lễ vu quy với người khác. Nét diễn tài hoa kết hợp lối hát nghẹn ngào, chất chứa tâm tình của Vũ Linh đi vào ký ức khán giả đương thời, trở thành chuẩn mực ca diễn cho nhiều thế hệ hậu bối - như nghệ sĩ Võ Minh Lâm - trong các bản dựng sau này.

trich-doan-luong-son-ba-1678000076.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hfoufONurEFTJ-IiZWaucw
Trích đoạn Lương Sơn Bá

Trích đoạn Vũ Linh, Tài Linh diễn "Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài" năm 2011. Video: YouTube DDTL

Tên tuổi Vũ Linh rầm rộ hơn khi kết hợp nghệ sĩ Tài Linh, trở thànhbộ đôi "sóng thần". Khi trở lại đoàn Minh Tơ, Vũ Linh và Tài Linh đóng cặp trong các vở như Thanh Xà - Bạch Xà (nhân vật Hứa Văn và Bạch Xà), Tôi không làm hoàng hậu (Thập Tam Bát Hạ và Bạc Hải Mỹ Anh)... Về đoàn Sông Bé 2, cả hai tạo tiếng vang với các vở Chiêu Quân cống Hồ (Hớn Đế và Chiêu Quân), Nặng gánh giang sơn (Dương Anh Kiệt và Nhữ Minh Minh)...

>>> Vũ Linh, Tài Linh: Uyên ương một thưở của sân khấu cải lương

Có thời điểm, nhiều bầu show kháo nhau sân khấu nào có Vũ Linh thì sống khỏe. Ông được xem là "thần tài" của các sàn diễn cải lương thời ấy. Đạo diễn Thanh Hiệp - từng nhiều lần xem ông hát - hồi tưởng chỉ cần tên Vũ Linh xuất hiện trên băng rôn, các đêm diễn dù chỉ là hát trích đoạn ở một đoàn tỉnh lẻ, hay chương trình nhạc hội vùng ven, cũng đủ thu hút hàng nghìn khán giả. Nhiều đoàn chấp nhận cho Vũ Linh hưởng một nửa doanh thu đêm diễn để đủ sức níu chân công chúng.

Nghệ sĩ Lê Thiện - nguyên Phó giám đốc Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang - nhận xét với sức trẻ, nội lực ca hát lẫn tư duy đạo diễn, Vũ Linh đã đứng trên đỉnh cao của một kép chánh không đối thủ.

ns-vu-linh-3-7082-1678001294.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=-1yqPnTp5gkJqqsdHJ4aWw

Vũ Linh được ngưỡng mộ với nét đẹp tài tử, chất giọng vang, cao. Ảnh: Fanpage Vũ Linh

Tên tuổi Vũ Linh trầm lắng khi chuyển sang nghề "bầu" show. Cuối những năm 1990, sân khấu cải lương dần bão hòa với hàng chục gánh hát ra đời, chỉ riêng TP HCM là gần 20 đoàn. Có lần, ông cùng đoàn ra miền Trung diễn, gặp mùa mưa bão, không thể bán vé suốt hơn một tháng. Ông tiếp tục lên Tây Nguyên, chưa diễn suất nào thì nhiều nhân viên bị sốt rét rừng, khiến cả đoàn lao đao. Vũ Linh buông xuôi giấc mộng làm ông bầu, tuyên bố rã gánh hát.

Biến cố gia đình khiến một thời gian Vũ Linh gần như mất hút. Không lâu sau khi mẹ nghệ sĩ qua đời, con gái nuôi của ông cũng bỏ nhà đi. Ông từng cho biết khủng hoảng tinh thần, muốn buông bỏ. Lúc này, nghệ sĩ Diệu Hiền ở cạnh, động viên ông trở lại sân khấu. Bà cùng Vũ Linh lo hậu sự cho mẹ và phụ ông tìm con gái về. "Hãy gác nỗi đau mất mẹ để hát thật hay, vì mẹ đã đưa em đến với nghề", câu nói của Diệu Hiền khiến ông thức tỉnh.

Sau nhiều năm chìm nổi, Vũ Linh dành tâm huyết truyền dạy tình yêu ca cổ cho thế hệ sau. Ông từng nói: "Trải qua bao nhiêu thăng trầm, có lúc tên tuổi bị lu mờ do nhiều hoàn cảnh, tôi nghiệm ra rằng cuộc sống luôn ban cho mình nhiều cơ hội". Năm 2010, ông dồn sức cho loạt chương trình Người đưa đò - thương hiệu cải lương xã hội hóa. Từ đây, các nghệ sĩ như Vũ Luân, Bình Tinh, Thy Trang, Lê Hồng Thắm được ông từng bước dìu dắt vào nghề. Dù vậy, trước sự lên ngôi của các loại hình giải trí khác, sau 5 năm, chương trình lỗ vốn, ông đành ngưng vì không có tiền để tái đầu tư.

Những năm cuối đời, bạo bệnh khiến Vũ Linh rời xa sân khấu, chỉ thỉnh thoảng tái xuất với các trích đoạn ngắn. Dù hào quang đã vơi, ông vẫn thu hút đông đảo người xem. Năm 2019, trong show của ca sĩ Hồng Phượng - cháu gái ông, ban tổ chức phải kê thêm ghế phụ, khán giả ùa vào hậu trường để được tận mắt thấy Vũ Linh ngoài đời.

vu-linh-tai-xuat-sau-bao-benh-1641805308.jpg?w=750&h=450&q=100&dpr=1&fit=crop&s=NYmIxUwqqCHSnHv8U4oJyA
Vũ Linh tái xuất sau bạo bệnh

Trích đoạn "Hàn Mặc Tử" (soạn giả Viễn Châu) - Vũ Linh hát tháng 4/2022. Video: Mai Nhật

Năm 2022, ông nhận lời hát cho show của nghệ sĩ Hồng Nga. Sức khỏe còn yếu, giọng hát có lúc ngắt quãng, ông vẫn khiến khán giả vỗ tay rần rần khi thể hiện kỹ thuật ca vọng cổ hơi dài. "Sau hơn 30 năm vẫn được chứng kiến những khoảnh khắc như thế, đời tôi không còn gì tiếc nuối nữa", ông nói, mắt rưng rưng khi ấy.

Mai Nhật

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022