" Quy định trình căn cước công dân để xem phim 18+ đã lỗi thời"

Thông tin nhiều cụm rạp để lọt học sinh vào xem Mai dù gắn nhãn 18+ gây xôn xao. Khâu kiểm duyệt từ phía rạp phim khiến nhiều người đặt dấu hỏi.

Thông tư số 05/2023 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành quy định tiêu chí phân loại phim và thực hiện hiển thị mức phân loại phim, cảnh báo. Theo đó mức phân loại phim được xếp từ thấp đến cao như: Loại P: Phim được phép phổ biến đến người xem ở mọi độ tuổi; Loại K: Phim được phổ biến đến người xem dưới 13 tuổi với điều kiện; xem cùng cha, mẹ hoặc người giám hộ; Loại T13 (13+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 13 tuổi trở lên; Loại T16 (16+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 16 tuổi trở lên; Loại T18 (18+): Phim được phổ biến đến người xem từ đủ 18 tuổi trở lên; Loại C: Phim không được phép phổ biến.

photo-4-1708594231889210895580.jpg

Phim Mai của Trấn Thành lập nhiều kỷ lục doanh thu phòng vé.

Tại Việt Nam, việc kiểm soát độ tuổi vào rạp theo quy định tồn tại nhiều lỗ hổng. Nhiều khán giả chưa đủ 18 tuổi chưa có chứng minh thư, căn cước công dân, việc kiểm tra dựa trên giấy khai sinh không hề dễ dàng.

Nếu kiểm tra theo kiểu “nhìn mặt đoán tuổi” dễ bị lọt, làm khó cho cả người bán lẫn người mua, bởi không chỉ mua vé trực tiếp mà còn có hình thức mua vé hộ, mua vé qua các kênh trực tuyến… Chưa kể các trường hợp lỏng lẻo khâu kiểm soát “nhắm mắt” cho qua vì số lượng lớn khán giả.

Chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long cho rằng việc bắt 100% khách hàng phải trình giấy tờ tùy thân là rất khó, thậm chí là phương án không khả thi, gây ảnh hưởng đến trải nghiệm và làm mất thời gian người xem.

Về góc độ kinh doanh, ông Long chỉ ra các nhà rạp sẽ đặt doanh thu lên trên. Điều này dẫn đến phía rạp phim khó áp dụng tuyệt đối 100%.

Chuyên gia nhận định việc quy định trình căn cước công dân để xem phim 18+ đã lỗi thời, dù việc dãn nhãn hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với quy định quốc tế.

Xoay quanh thông tin rạp chiếu phim chấp nhận cho khán giả dưới 18+ vào rạp, bà Diệu Linh, đại diện truyền thông của CGV trả lời Tiền Phong rằng rạp phim luôn làm đúng quy trình, Mai gắn nhãn 18+ của Trấn Thành cũng không ngoại lệ.

"Từ khâu mua vé trực tuyến đến mua vé tại quầy, CGV đều phổ biến độ tuổi cho phép theo đúng khung phim và thể loại phim được cấp từ Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch. Việc này cũng nhằm cung cấp thông tin rõ ràng cho khách khi đặt vé xem phim", đại diện CGV nói.

Đại diện nhà rạp cho biết CGV tăng cường thông báo đến khách hàng bằng cách trưng bày thêm nhiều quy định về độ tuổi xem phim cũng như nhắc nhở các bạn nhân viên bán vé và soát vé phải liên tục cảnh báo và kiểm tra độ tuổi cho các phim T18, nhất là phim Mai.

"Rạp luôn có yêu cầu khách cung cấp giấy tờ tùy thân hoặc hình ảnh giấy tờ tùy thân nhằm xác minh độ tuổi", đại diện CGV nói thêm.

“Dán nhãn phim chính là bảo vệ khách hàng”

Trước ý kiến của chuyên gia, nhiều khán giả cho rằng nên rà soát lại khung dán nhãn kiểm duyệt cho phù hợp với tình hình thực tế. Ví dụ Mai thay vì nhãn 18+, có thể thay bằng nhãn 16+.

Việc hoàn thiện hệ thống phân loại phim theo lứa tuổi là việc làm cần thiết khi thế giới đều áp dụng, giúp nhà sản xuất phim tránh những cảnh nhạy cảm, mở rộng đối tượng khán giả. Đây cũng là cách dập được mối lo người chưa đủ tuổi không bị ảnh hưởng bởi nội dung không phù hợp. Dù rằng, việc phân loại phim hiện còn dựa vào ý thức của khán giả và nhà rạp.

Một số ý kiến của khán giả cho biết việc dán nhãn phim chính là bảo vệ khách hàng. “Cho trẻ em xem phim có cảnh 18+, đến khi xảy ra hậu quả lại đổ quy định lỏng lẻo. Việc xuất trình ID được thực hiện toàn bộ rạp quốc tế, việc dán nhãn phân loại là yêu cầu bắt buộc để phổ biến các loại phim. Phim còn được dán nhãn là pháp luật còn bảo vệ người xem…”, “Quy định về độ tuổi nước nào cũng có, thực hiện nghiêm chỉnh sẽ thành thói quen, nề nếp. Quy trình từ trước đến nay vẫn thế: nhân viên soát vé trước khi vào rạp được quyền kiểm tra ID của khách hàng bất cứ khi nào họ thấy cần thiết. Giống như ở Mỹ có luật cấm người dưới 21 tuổi tiêu thụ đồ uống có cồn. Ở siêu thị, cửa hàng tiện lợi, nhân viên có quyền kiểm tra ID của khách mua hàng. Đây không gọi là làm phiền, mà là thực thi quy định''… các ý kiến của khán giả để lại.

photo-3-17085942306581464552720.jpg
photo-2-17085942291021281690840.jpg

Mai gắn nhãn 18+.

Mỗi quốc gia có cách phân loại dán nhãn khác nhau. Hệ thống được sử dụng phổ biến hiện nay là từ Hiệp hội Điện ảnh Mỹ - Motion Picture Association of America (MPAA), gồm:

G (General Audiences) - Phim dành cho mọi lứa tuổi, PG (Parental Guidance Suggested) - Phim có thể có một số chi tiết (hình ảnh, từ ngữ) không phù hợp với trẻ nhỏ, cần phụ huynh, người giám hộ cân nhắc, PG-13 (Parents Strongly Cautioned) - Phim có một số chi tiết không phù hợp với trẻ dưới 13 tuổi, R (Restricted) - Thanh thiếu niên dưới 17 tuổi không được xem phim nếu không có sự đồng ý của người lớn, NC-17 (No One 17 and Under Admitted) - Phim hoàn toàn không dành cho khán giả dưới 17 tuổi, do có những yếu tố gây ảnh hướng xấu đến đạo đức, nhân cách…

Tại Anh, tất cả bộ phim được chiếu ở nước này đều phải được xếp hạng độ tuổi. Hội đồng phân loại phim Vương quốc Anh (BBFC) đưa ra các mức, bao gồm U, PG, 12A, 15, 18 và R-18.

Về lý thuyết, bất cứ ai cũng có thể xem phim U hoặc PG. Mức PG được khuyến khích có kèm hướng dẫn của cha mẹ nếu đi cùng trẻ dưới 8 tuổi. Mức 12A – dưới 12 tuổi không được xem nếu không có sự đồng ý của người lớn.

Bất kỳ nhà sản xuất muốn phát hành phim, video, DVD để chiếu ở rạp hoặc xem tại nhà đều phải đảm bảo có biểu tượng xếp hạng độ tuổi BBFC. Hành vi thương mại không dán nhãn độ tuổi bị xem là vi phạm pháp luật. Những bộ phim ở rạp cũng phải hiển thị đúng mức đánh giá.

photo-1-1708594227853999361857.jpg

Trao đổi về việc Mai gắn nhãn 18+, nhà phê bình Nguyễn Phong Việt cho biết việc dán nhãn cho phim cần thiết, giúp khán giả biết phim có phù hợp với họ hay không. Điều này cũng giúp hội đồng kiểm duyệt phim cân nhắc bộ phim khi ra rạp.

"Trước đây, khi chưa có cơ chế gắn nhãn phim, khi ra rạp, các tác phẩm hay bị cấm hoặc có sự thay đổi không đúng với ý của nhà sáng tạo. Từ phía nhà sản xuấ, đạo diễn khi làm phim họ muốn có dấu ấn cá nhân, giữ nguyên sự sáng tạo và phim phải dán nhãn phù hợp cho khán giả ra rạp", nhà phê bình Nguyễn Phong Việt nói.

Chuyên gia cho biết việc dán nhãn phù hợp với xu hướng phát triển ngành làm phim, từ phim bạo lực, tình dục hay chủ đề kinh dị. Nhưng dù dán nhãn đến đâu, kiểm duyệt đến đâu, câu chuyện cuối cùng là khâu kiểm duyệt của rạp phim.

"Ở Việt Nam chưa có cơ chế kiểm duyệt chăt chẽ. Câu chuyện là sau khi nhà sản xuất gắn nhãn 18+ cho bộ phim, rạp phim phải có cơ chế kiểm duyệt đúng với khán giả phù hợp độ tuổi mà bộ phim hướng đến", nhà phê bình Phong Việt trả lời Tiền Phong .

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022