Những ngày qua, Đào, Phở Và Piano trở thành tâm điểm chú ý của những người yêu thích phim ảnh. Đây cũng là minh chứng cho thấy sức hút của các tác phẩm thuộc thể loại lịch sử - chiến tranh đối với khán giả. Tuy nhiên, ngoài dự án của đạo diễn Phi Tiến Sơn, điện ảnh Việt từ trước đến nay vốn cũng không thiếu những bộ phim khai thác đề tài kháng chiến cứu nước có chất lượng tốt, được nhiều người yêu thích.

Những Người Viết Huyền Thoại (2013)

photo-8-170859326058254382018.jpg

Phim lấy bối cảnh cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước thời kỳ những năm 1960. Lúc đó, nhu cầu chi viện xăng dầu vào chiến trường miền nam ngày càng cấp bách, những người bộ đội đã vượt qua muôn vàn gian khổ và hiểm nguy để xây dựng tuyến đường ống dài hơn 5000 km, cùng hệ thống 100 kho chứa chạy suốt từ bắc vào nam. Kịch bản xây dựng nhân vật tướng Dinh dựa trên nguyên mẫu là Thượng tướng Đinh Đức Thiện và đoàn 559 trong công cuộc xây thực hiện nhiệm vụ tưởng như bất khả thi này.

Với bàn tay của đạo diễn trẻ nhưng có kinh nghiệm làm phim chiến tranh Bùi Tuấn Dũng, nhà biên kịch "cứng" tay Nguyễn Anh Dũng, và giám đốc hình ảnh là tay máy kỳ cựu Lý Thái Dũng, Những Người Viết Huyền Thoại được đánh giá là một sản phẩm tốt về cả nội dung và kỹ thuật hình ảnh. Phim có nhiều góc quay vô cùng ấn tượng, như cảnh những chiếc xe nối đuôi nhau vào chiến trường miền nam, máy quay lia từ dưới gầm xe, cảnh truy đuổi và chiến đấu giữa các chiến sĩ ta và địch quay từ trên cao, hay cảnh pháo dồn dập bắn khắp nơi…

Mùi Cỏ Cháy (2012)

photo-7-170859325648014317378.jpg

Mùi Cỏ Cháy là một trong những bộ phim đầu tiên và tái hiện chân thực nhất về 81 ngày đêm chiến đấu của quân đội Việt Nam tại Thành cổ Quảng Trị - nơi được mệnh danh là "cối xay thịt người". Bối cảnh chính là sự kiện Mùa hè đỏ lửa 1972, theo chân bốn chàng sinh viên trường đại học Tổng hợp Hà Nội là: Hoàng, Thành, Thăng, Long. Họ theo lệnh tổng động viên lên đường nhập ngũ năm 1971, được huấn luyện tốc hành và sau cùng đã tham gia chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Tuổi trẻ của họ bị chôn vùi giữa bom đạn, khói lửa chiến tranh. Tại đây, Thành, Thăng, Long đã hi sinh còn Hoàng thì may mắn sống sót trở về. Bộ phim được kể lại từ ký ức của Hoàng, khi ông thăm lại chiến trường xưa. Mùi Cỏ Cháy đã được trao 4 giải Cánh diều vàng và được chọn đại diện cho Việt Nam đi tranh tài tại Oscar 2013.

Đừng đốt (2009)

photo-6-17085932554272010011072.jpg

Bộ phim được chuyển thể từ cuốn nhật ký nổi tiếng của bác sĩ - liệt sĩ Đặng Thùy Trâm. Dù không được quảng bá rầm rộ, bộ phim được giới chuyên môn đánh giá cao khi ra đời năm 2009, cùng lúc nhận hai giải thưởng lớn là Bông Sen Vàng và Cánh Diều Vàng. Phim từng đoạt giải thưởng duy nhất tại Liên hoan phim Fukuoka tại Nhật Bản, đồng thời đại diện Việt Nam đăng ký dự Oscar lần thứ 82.

Áo lụa Hà Đông (2006)

photo-5-17085932535461269657415.jpg

Áo Lụa Hà Đông lấy bối cảnh những năm 1954, khi miền bắc bị đàn áp bởi thực dân Pháp. Đôi vợ chồng Dần và Gù cũng theo dòng người di cư từ vào nam để đi tìm một tương lai tươi sáng hơn. Nhưng do đói khổ, lại vừa đúng lúc Dần hạ sinh đứa con đầu lòng, hai vợ chồng đành phải dừng chân tại Hội An.

Từ đó, họ gắn bó với mảnh đất này như quê hương thứ hai. Cuộc sống đáng lẽ cứ trôi đi bình yên như thế đến khi đứa con gái đầu lòng lớn lên, cần một chiếc áo dài để đến trường như các bạn. Không còn lựa chọn nào khác, cô phải nhận đi làm vú nuôi cho một ông già ốm yếu, bán chính dòng sữa của con để kiếm tiền trang trải cho gia đình. Gần 2 thập kỷ trôi qua, Áo lụa Hà Đông vẫn được những người yêu điện ảnh Việt Nam nhắc đến và yêu mến với ngôn ngữ điện ảnh và cách kể chuyện xuất sắc.

Hà Nội Mùa Đông Năm 46 (1997)

photo-4-17085932516162104099397.jpg

Đạo diễn Đặng Nhật Minh làm bộ phim về chân dung chủ tịch Hồ Chí Minh qua các sự kiện chính trị - xã hội nóng hổi mùa đông năm 1946 và nhất là cuộc đấu tranh ngoại giao vì hòa bình trong giai đoạn này. Đây cũng là dự án điện ảnh thứ 2 NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ. Bộ phim sau đó đã gây được tiếng vang lớn tại nhiều Liên hoan phim trong nước và quốc tế.

Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười (1984)

photo-3-1708593249411281032164.jpg

Bao Giờ Cho Đến Tháng Mười do đạo diễn Đặng Nhật Minh chỉ đạo thực hiện, ra mắt lần đầu năm 1984. Bộ phim được đánh giá là một trong những tác phẩm kinh điển của nền điện ảnh Việt Nam. Đặc biệt, dự án từng được kênh truyền hình CNN tôn vinh là một trong 18 phim châu Á hay nhất mọi thời đại, sánh vai In The Mood For Love (Tâm trạng khi yêu) hay The Ballad of Narayama (Bài Ca Núi Narayama).

Bộ phim kể câu chuyện giản dị xoay quanh một bi kịch của những người dân Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh. Duyên (Lê Vân đóng) cất công lặn lội đi thăm chồng ở biên giới Tây Nam thì nhận được tin chồng chị đã hy sinh ngoài mặt trận. Khi trở về, cô giấu tin buồn vì sợ người cha đang ốm nặng suy sụp. Tuy nhiên, rắc rối đến với Duyên khi cô bị dân làng nghi ngờ có tình cảm ngoài luồng với người đàn ông khác khi chồng vắng nhà. Bằng sự dẫn dắt, gợi mở tinh tế, câu chuyện này chạm được cảm xúc công chúng và được nhiều thế hệ khán giả yêu mến, đón nhận.

Em Bé Hà Nội (1974)

photo-2-17085932485201036376310.jpg

Em bé Hà Nội do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất năm 1974, NSND Hải Ninh làm đạo diễn. Bộ phim khắc họa cuộc sống của những người dân Hà Nội năm 1972, khi quân đội Mỹ tiến hành Chiến dịch Linebacker II, ném bom miền đánh phá miền bắc. Sau Giáng Sinh và đợt dội bom B52 của quân giặc, em bé 10 tuổi Ngọc Hà phải kiếm bố mẹ và em gái bị mất tích trong sự hoang tàn của thành phố. Cô bé đã được những người lính tốt bụng giúp đỡ và dần dần được hội ngộ em gái của mình.

Vĩ tuyến 17 ngày và đêm (1972)

photo-1-17085932457281694415203.jpg

Vĩ Tuyến 17, Ngày Và Đêm là một bộ phim khác của đạo diễn Hải Ninh, ra mắt khán giả lần đầu năm 1972. Kịch bản kể về cuộc đối đầu giữa nhân dân làng cát của một xã ven biển Gio Linh, do chị Dịu (Trà Giang) lãnh đạo, chống lại quân đội Việt Nam Cộng Hòa, do tên chỉ huy Trần Sùng (Lâm Tới) cầm đầu, ở bờ Nam của sông Bến Hải, ngay giới tuyến tạm thời chia cắt hai miền đất nước.

Tác phẩm được nhiều khán giả yêu thích với phần hình ảnh ấn tượng với hàng loạt đại cảnh hoành tráng. Đồng thời, nội dung phim được đánh giá vô cùng tinh tế khi xây dựng số phận của những con người nhỏ bé giữa chiến tranh, ở cả hai phía chính diện và phản diện.

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022