Tôi đã nhắc đến nhiều lần địa vực phân bố khảo cổ về kiếm Đông Sơn lưỡi sắt cán cầm và chốt đốc bằng đồng đúc trang trí rất đẹp, chủ yếu thấy ở vùng núi từ Hòa Bình, Thanh Hóa đến Tây Bắc Nghệ An. Khảo cổ học thường gọi chung là loại hình Đông Sơn Làng Vạc.
1. Chưa thấy thông báo phát hiện nào ở vùng Đông Sơn đồng bằng hay trung du Bắc Bộ và vùng miền núi Tây Bắc nước ta. Tuy nhiên, ở cùng địa vực sơn địa thuộc Vân Nam, Quý Châu (Trung Quốc), lác đác cũng đã thấy những kiếm cùng loại lưỡi sắt cán đồng đúc có hình thuyền ở chốt đốc. Những kiếm này giống nhau đến mức phải mặc nhận có sự liên hệ về dân cư, tộc người đương thời. Và điều đáng chú ý là sự vắng bóng chúng ở khoảng giữa - vùng miền núi Tây Bắc Việt Nam. Mối liên hệ này phải chăng đã thông qua vùng núi Thượng Lào?
Ngay khi phát hiện và khai quật khu mộ Làng Vạc (Nghĩa Đàn, Nghệ An) từ những năm chiến tranh chống Mỹ, vào khoảng năm 1972 - 1973, một số nhà nghiên cứu đã cảm nhận sự gần gũi của di vật Làng Vạc với di vật văn hóa Điền (Vân Nam, Trung Quốc). Khi tôi đang phụ trách Ban Trị sự tạp chí Khảo cổ học, khoảng 1977 - 1979, giáo sư Viện trưởng - Tổng biên tập Phạm Huy Thông đã chuyển tôi bản thảo của hai tác giả là Nguyễn Duy Hinh và Nguyễn Duy Chiếm - hai học giả khảo cổ từng tốt nghiệp chuyên ngành khảo cổ và cổ sử từ Trung Quốc trước đó. Bản thảo đánh máy vài ba chục trang với rất nhiều minh họa về mối liên hệ giữa văn hóa Đông Sơn và văn hóa Điền ở Vân Nam, Trung Quốc.
Chúng tôi đều nhận thấy đó là một công trình nghiên cứu công phu, có chất lượng học thuật cao, trong đó gợi mở mối liên hệ giữa loại hình Đông Sơn Làng Vạc với văn hóa Điền.

Một phần sưu tập kiếm Đông Sơn cán đồng lưỡi sắt tại Bảo tàng Phạm Huy Thông, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đang trong quá trình tu sửa, bảo quản
Những cuộc khai quật Làng Vạc tiếp theo, nhất là cuộc khai quật cùng các chuyên gia khảo cổ Đại học Tokyo 1990 - 1991, đã cho thấy bức tranh toàn diện về khu mộ táng này cũng như mối liên hệ với văn hóa Điền - mà có lẽ đúng hơn là với bộ phận văn hóa Đông Sơn Tây Âu trước và sau khi lệ thuộc khối Điền ở nam Vân Nam (Trung Quốc) và Lào Cai, Yên Bái (Việt Nam).
Theo ghi nhận của tôi và thông báo từ các đồng nghiệp Trung Quốc, cho đến nay đã phát hiện 18 kiếm, dao có phần tay cầm đúc bằng đồng gắn hình thuyền mỏng ở đốc trên toàn bộ lãnh thổ Trung Hoa. Trong đó có 6 chiếc, chủ yếu ở Vân Nam (Trung Quốc), giống hệt với loại kiếm lưỡi sắt chuôi đồng phát hiện nhiều ở Việt Nam, chỉ chiếm 10% số tiêu bản loại kiếm này đã được ghi nhận. Việc đặt tên loại kiếm này là kiếm Đông Sơn là hoàn toàn thỏa đáng, cả về hoa văn, kỹ thuật và ưu thế về số lượng.





Ảnh studio một đốc tay cầm kiếm Đông Sơn có phần hình thuyền đúc liền lớn nhất. Đáng lưu ý là dấu in của kỹ thuật đan bện khi tạo khuôn lõi bằng chất hữu cơ trước lúc bọc đất tạo khuôn bên ngoài
2. Một điểm đáng ghi nhận là sự xuất hiện khá tập trung một loại hình mộ táng gần gũi với phong cách Đông Sơn ở Làng Vạc (mộ kè đá, đầu người chết đặt trong hay trên trống đồng hay nồi, chậu đồng Đông Sơn). Trong đó, chủ nhân thường mang theo những thanh kiếm có tay cầm đúc bằng đồng khá gần gũi với phong cách kiếm Đông Sơn tại khu mộ Khả Lạc (Kele, Quý Châu, Trung Quốc). Khu mộ táng Khả Lạc được tôi, cũng như một số nhà nghiên cứu khác, coi như ranh giới giữa tàn dư của một bộ phận quý tộc Đông Sơn trong khối văn hóa Thục chống lại quý tộc nước Tần.
Năm 2008, tham dự Hội nghị quốc tế về Văn hóa Hán với trọng tâm là nước Nam Việt cổ, họp tại Quảng Châu (Trung Quốc), sau khi nghe nghiên cứu sinh Dương Dũng (Yang Yong) trình bày về khai quật khu mộ táng Khả Lạc, tôi đã gặp trực tiếp để trao đổi về các thanh kiếm lưỡi sắt chuôi đồng có gắn hình thuyền, khai quật được tại Khả Lạc. Quả thực, không chỉ bộ kiếm 12 chiếc lưỡi sắt chuôi đồng có gắn hình thuyền mỏng ở đốc trong các mộ, mà từ kiểu mộ chôn kè đá, chụp trống, nồi, chậu đồng lên đầu người chết, vòng tay móc nhạc chuông… cũng như rất nhiều đồ đồng khai quật được trong các mộ mang phong cách khá gần gũi với nhóm Đông Sơn Làng Vạc ở Việt Nam.

Hiện trạng một ngôi mộ (ký hiệu M341) khai quật tại Khả Lạc năm 2000, trên đầu có gài trâm, đeo khuyên tai bốn mấu, rất giống khuyên tai em bé mang theo trong mộ thạp Hợp Minh (Yên Bái). Hai tay đeo chuỗi vòng gắn lục lạc. Tay phải cầm qua, tay trái cầm đầu bao kiếm, loại kiếm có tay cầm đồng đúc liền khối với hình thuyền mỏng ở đốc.

Hình giữa là đặc tả ba thanh kiếm trong các mộ 365, 311 và 308.

Đặc tả ảnh chụp X-quang thanh kiếm trong mộ 324
Một seminar quốc tế do tôi tổ chức tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tại Hà Nội năm 2010 đã cung cấp tương đối hệ thống các bằng chứng về mối liên hệ này, đặc biệt là từ những thanh kiếm lưỡi sắt chuôi đồng tìm được nhiều trong văn hóa Khả Lạc (Trung Quốc) và trong văn hóa Đông Sơn loại hình Làng Vạc ở nước ta.
Bằng chứng phân bố rộng rãi của kiếm Đông Sơn đi cùng với những hiện tượng Đông Sơn khác như trống đồng, táng thức kè đá che đậy mộ, kê đầu người chết trong những đồ đồng Đông Sơn, sử dụng vòng đeo chân, tay có mang nhạc chuông nhỏ… cho thấy ảnh hưởng và phân bố của văn hóa Đông Sơn rộng hơn nữa về phía Bắc, là nòng cốt cho nhà nước Văn Lang, Âu Lạc và góp phần tham gia trong quá trình hình thành những tiểu quốc "Tây Nam Di" như Điền, Dạ Lang..." - TS Nguyễn Việt.
(Còn tiếp)