Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ phối hợp tổ chức trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Cộng hòa Liên bang Đức. Hoạt động là sự hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long, Bảo tàng Hà Nội và Viện khảo cổ học Việt Nam theo tinh thần Bản ghi nhớ đã được ký giữa Bộ VH-TT&DL Việt Nam và Đại sứ quán Đức ngày 28/2/2012 tại Hà Nội.
Những hiện vật tiêu biểu phản ảnh nền văn hóa đa dạng từ bắc đến nam của Việt Nam, cùng những di vật mới được khai quật tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội) sẽ được lựa chọn trưng bày.
Tám đơn vị quản lý hiện vật (trong đó còn có Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và Bảo tàng Hà Nội) đã cơ bản thống nhất danh mục hiện vật dự kiến tham gia trưng bày. Sự kiện này được tổ chức nhân kỷ niệm 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 25 năm hợp tác văn hóa giữa Việt Nam và Đức.
Nhận định về cuộc trưng bày “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức, bà Sabine Von Scholemer – Bộ trưởng Kinh tế và Nghệ thuật bang Sachsen, Đức cho rằng, triển lãm là mắt xích quan trọng trong quan hệ hai nước đồng thời tạo hiệu quả cho xúc tiến, phát triển du lịch.
“Đây là một dự án có ý nghĩa quan trọng đối với CHLB Đức, bởi đây là lần đầu tiên người dân Đức có cơ hội làm quen với văn hóa khảo cổ học Việt Nam. Qua đó cũng mở ra cơ hội cho hơn 100 nghìn người Việt Nam đang sinh sống tại Đức được chiêm ngưỡng, cảm nhận nét văn hóa quê hương”, bà Sabine Von Scholemer nhấn mạnh.
Theo đánh giá của Bộ VHTTDL, dự án sẽ góp phần tăng cường giới thiệu, quảng bá về lịch sử, văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế. Được biết, Bộ đã giao Cục Hợp tác quốc tế, Cục Di sản văn hóa, Bảo tàng Lịch sử quốc gia Việt Nam… hỗ trợ CHLB Đức thực hiện hoạt động này.
Giang Phan (T/h)
Nguồn: congluan.vn