Nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn đã từng nói về chủ đề của cuốn sách: “Tôi đã chọn chủ đề ‘Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX’, Hà Nội mà tôi đi điều tra tìm hiểu đây là Hà Nội của thời Tự Đức để lại (những năm thập niên 90 của thế kỉ XIX) và Hà Nội của thời thực dân Pháp thống trị một nửa thế kỷ (cụ thể là từ năm 1895 đến năm 1945), thời kỳ mà Hà Nội chịu sự đổi lốt, quá trình không khỏi có những sự việc đau khổ, mất mát, song theo tôi nghĩ, nó còn có một mặt khác, đó là giai đoạn đầy thử thách đối với người Hà Nội, với dân tộc ta vốn vẫn có tinh thần bất khuất bền bỉ, tinh thần quật cười của một dân tộc liên tục phải đấu tranh với những sức mạnh gian tà hung bạo lớn hơn ta gấp bội; cha ông ta thưở trước đã từng “dựng nước giữ nước” gian lao, ta kế tục cái truyền thống đó thế nào để vẫn tự hào mình là người Việt Nam, là người thủ đô Hà Nội.”
Từ một ý tưởng giản dị “ghi lại quang cảnh phố xá cũ của Hà Nội còn sót lại, nhắc đến những điều còn ghi nhớ, với mục đích “chụp ảnh” lại những cái đang phai mờ, đang mất đi, hình ảnh dáng dấp đặc điểm của mỗi phố phường Hà Nội mang những tên gọi độc đáo”, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Uẩn bắt tay vào đọc tài liệu viết trong các thư viện, đi điều tra thực địa, phỏng vấn hàng trăm người để sưu tầm tư liệu.“Tôi đã đọc liên tục, mê mải. Vừa đọc vừa ghi. Có những sự việc đã được biết, đọc lại để xác minh cũng không thừa; có những sự kiện đến nay tôi mới phát hiện thấy. Thời gian 1977-1979 tình hình trong nước có vẻ gay go, Trung Quốc đe dọa xâm lược và đã đem quân đánh vào toàn tuyến biên giới phía Bắc, nhiều sách hiếm quý phải đưa đi sơ tán khỏi thư viện, báo chí cũ phục vụ độc giả chỉ có microfilm.”
Ông đã kể lại câu chuyện tìm kiếm tài liệu của mình: “Đi săn tài liệu thật giống như anh chàng đi săn con chim, đi câu con cá, có phải đúng cái ngày ‘gặp gái’, cũng như có ngày gặp may không. Công phu chuẩn bị bản đồ, giấy tờ, tư liệu, đạp xe đường dài, đến nơi lại không gặp người định gặp. Đi các làng ngoại thành mới mất công chứ: họ đi họp, đi chơi vắng nhà. Bực mình nhất là gặp những người mình đặt nhiều hy vọng, mà khi gặp thì có người không chịu nói: ‘Bây giờ chuyện bát gạo mớ rau no cái bụng đã, rỗi hơi đâu mà nhắc lại chuyện đời xưa!’ Có người lại quá cảnh giác: ‘Thời buổi này tin ai được. Dò la chuyện ông cha nhà người ta để làm gì?’
Hai tập Hà Nội nửa đầu thế kỉ XX được chia làm 6 quyển, dựa trên các khu vực của thành phố. Mỗi quyển có một bài mở đầu nêu những đặc điểm riêng của khu vực nói trong tập đó, rồi lại chia tiếp thành các phần, chương theo đặc điểm địa lý và dân cư. Sách có phụ lục Về tên phố của Hà Nội, Danh sách Toàn quyền Đông Dương từ 1884 đến 1945 và Những đơn vị hành chính của Hà Nội từ sau 1945, bản đồ và các chỉ dẫn khác phục vụ cho việc tra cứu. Và Bộ sách được trao tặng Giải thưởng Thăng Long năm 1996.
Nguồn: congluan.vn