Ngày 27/7/1890, Vincent Van Gogh bước vào cánh đồng lúa mì phía sau lâu đài Chateau de Leyrit tại làng Auvers-sur-Oise, cách Paris vài dặm, rồi cầm súng bắn vào ngực mình.
Trước đó, trong suốt 18 tháng, Van Gogh đã bị căn bệnh tâm thần tấn công, bắt đầu từ khi ông cắt lìa tai trái của mình bằng lưỡi dao cạo vào đêm tháng 12/1888, khi còn sống ở Provence.
Sau sự cố đó, căn bệnh đeo bám Van Gogh, khiến ông suy nhược, không tỉnh táo trong liên tiếp nhiều ngày, đôi khi nhiều tuần. Dù vậy, giữa những cơn suy sụp, ông tận dụng thời khắc còn bình tĩnh, sáng suốt để vẽ.
Thật vậy, thời gian ở Auvers – nơi ông chuyển đến vào tháng 5/1890 sau khi rời bệnh viện tâm thần – là thời kỳ sáng tác sung mãn nhất trong sự nghiệp Van Gogh: trong 70 ngày, ông đã hoàn thành 75 bức tranh và hơn 100 bản phác thảo.
Bất chấp những bức kiệt tác nối đuôi nhau ra đời, Van Gogh ngày một thấy cô đơn, lo lắng và tin chắc rằng cuộc đời mình là một thất bại. Cuối cùng, ông cầm lấy khẩu súng ổ quay của chủ nhà trọ ở Auvers vào buổi chiều Chủ nhật đỉnh cao tháng Bảy đó.
Tuy nhiên, do đó chỉ là một khẩu súng lục bỏ túi với hỏa lực hạn chế nên khi ông bóp cò, viên đạn bị xương sườn cản lại, không cho chạm vào tim ông. Van Gogh mơ màng rồi ngã sụp xuống. Tới bóng tối dần buông, ông loạng choạng tỉnh dậy tìm khẩu súng để kết liễu đời. Không thấy súng đấu, ông lê về phòng trọ. Bác sĩ lập tức được mời tới.
Theo – người em trung thành, vội vã tới gặp anh trai vào hôm sau. Đã có lúc, Theo tin rằng Vincent sẽ phục hồi. Tuy nhiên, đêm đó, nghệ sĩ tài hoa đã ra đi ở tuổi 37. “Anh không rời anh ấy cho tới phút cuối”, Theo viết cho vợ. “Những lời cuối cùng anh ấy nói là ‘đây là cách anh muốn ra đi’ rồi ra đi. Anh ấy đã tìm thấy bình yên mà anh không thấy trên trái đất này”.
Triển lãm Verge of Insanity vừa tổ chức tại bảo tàng Van Gogh ở Amsterdam đã cho một cái nhìn cận cảnh về tình trạng bệnh lý của Van Gogh.
Trong nhiều thập kỷ qua, một số nguyên nhân gây ra tình trạng tâm lý của Van Gogh đã được phỏng đoán như động kinh và tâm thần phân liệt do lam dụng rượu, bệnh thái nhân cách, rối loạn nhân cách ranh giới…
Triển lãm lần này trưng bày một khẩu súng ngắn đã bị ăn mòn trầm trọng, được phát hiện ở phía sau lâu đài Auvers vào khoảng những năm 1960. Khi được phát hiện, khẩu súng đã khai hỏa và nằm dưới đất tầm 50 đến 80 năm. Do đó, nhiều khả năng đây là khẩu súng Van Gogh dùng để tự tử. Ngoài ra còn có thư của của bác sĩ điều trị cho Van Gogh ở Arles, trong đó minh họa chính xác phần tai danh họa đã tự cắt bỏ.
Nhưng điểm đáng chú ý trong triển lãm lại là bức tranh chưa hoàn thành có tên Tree Roots (tạm dịch: Những gốc cây). Van Gogh đã vẽ nó vào sáng 27/7, chỉ vài giờ trước khi ông tự tử. Đó là bức tranh cuối cùng của ông. Tree Roots như tiên đoán cho sự phát triển của nghệ thuật hiện đại trừu tượng về sau này.
Thoạt nhìn, những mảng màu dày đặc nhìn như tranh trừu tượng. Làm sao có thể nhìn ra những bụi cây ở giữa những nét vẽ màu xanh da trời, xanh lá và vàng đầy mạnh mẽ trên nền vải? Tuy nhiên, nhìn kỹ lại, sẽ dần thấy rễ và một phần thân cây vùi trong đất vàng cát ở một sườn núi đá vôi. Một mảng trời nhỏ bé có thể nhìn thấy ở góc trái bức tranh. Phần còn lại là một mớ hỗn độn những rễ cây lèo khèo, thân, cành và thảm thực vật.
Theo Martin Bailey – nhà sử học nghệ thuật đồng thời là tác giả cuốn sách sắp xuất bản Studio of the South: Van Gogh in Provence – “Các bộ phân của cây bị cắt ra thành nhiều phần một cách bất thường – điều có thể thấy trong các bản in Nhật Bản mà Van Gogh rất ngưỡng mộ”.
Rõ rằng, Tree Roots là một hình ảnh bất thường. Qua bức tranh này, có thể đoán được tâm trí của Van Gogh khi ông quyết định tự tử?
Chắc chắn, bức tranh đã gây kích động. “Đây là bức tranh mà qua đó mọi người có thể thấy Van Gogh đã bị tra tấn tinh thần như thế nào”, ông Bailey cho biết. Hơn nữa, chủ đề của nó cũng rất đáng để tâm.
Vài năm trước đó, Van Gogh từng nghiên cứu về những rễ cây và coi đó – như trong một bức thư gửi người em Theo – như một cuộc đấu tranh trong đời sống. Một thời gian ngắn trước khi qua đời, Van Gogh viết rằng cuộc đời ông đã “bị tấn công đến tận gốc rễ”. Do đó, phải chăng, Van Gogh vẽ bức tranh như một lời chia tay?
Tuy nhiên, cô Nienke Bakker – người chịu trách nhiệm về bộ sưu tập tranh tại bảo tàng Van Gogh – thận trọng nói rằng: “Có rất nhiều kích động tinh thần trong những tác phẩm cuối cùng của Van Gogh như Wheatfield with Crows hay Wheatfield under Thunderclouds. Rõ ràng, ông đã cố gắng biểu lộ những biến động trong tâm trí. Song Tree Rootsrất mạnh mẽ và tràn đầy sức sống. Nó rất mạo hiểm. Thật khó tin rằng ai đó vẽ bức tranh này vào buổi sáng để rồi kết liễu đời mình vào buổi chiều. Với tôi, khó mà nói rằng Van Gogh vẽ bức tranh như một lời chia tay, như thế là quá lý trí”.
Theo cô Bakker, bệnh tật của Van Gogh đến từ chính sự vĩ đại của ông.”Những gốc cây xương xẩu, méo mó khiến Tree Roots trở thành bức tranh đầy sôi nổi, cảm xúc. Nhưng đó không phải là bức vẽ của một tâm hôm điên loạn. Ông ấy biết rõ mình đang làm gì. Đến cuối đời, Van Gogh vẫn vẽ bất chấp bệnh tật chứ không phải vì bệnh tật. Rất cần phải nhớ là như vậy.”
Nguồn: congluan.vn