Theo Sina, dù Covid-19 làm kinh tế thế giới tổn thất nặng nề, thị trường nghệ thuật châu Á vẫn có những đột phá. Năm ngoái, các nhà sưu tầm ở châu Á hoạt động sôi nổi hơn so với giới sưu tầm phương Tây. Lần đầu, người mua ở châu Á ra giá cao hơn người Mỹ. Ông Trình Thọ Khang, CEO hãng đấu giá Sotheby's khu vực châu Á nhận định tiềm năng thị trường này lớn, tác phẩm và nghệ sĩ trong khu vực ngày càng có vị thế cao trên thế giới.
Cuối năm 2020, tác phẩm Thập diện linh bích đồ quyển được mua với giá 510 triệu nhân dân tệ (78,2 triệu USD) tại phiên đấu giá của Poly Auction tổ chức ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Bức họa lập kỷ lục tác phẩm cổ đại đắt nhất Trung Quốc đồng thời là tác phẩm nghệ thuật được đấu giá cao thứ hai toàn thế giới năm 2020.
Bức "Thập diện linh bích đồ quyển". Ảnh: Christie's.
Bức Thập diện linh bích đồ quyển - cao 55,5 m, dài 11,5 m - được sáng tác khoản năm 1610 bởi Ngô Bân - họa sĩ cung đình đời Minh. Theo Sina, nội dung tranh đơn giản, chỉ vẽ hòn đá hình dạng kỳ lạ của Mễ Vạn Chung - một cư sĩ mê đá đời Minh. Tuy nhiên, cách vẽ chưa từng có bấy giờ. Ngô Bân vẽ hòn đá ở 10 góc, tạo nên 10 bức tranh của tác phẩm. Giới chuyên môn nhận định hơn 78 triệu USD cho bộ tranh là xứng đáng. Trước đó, Thập diện linh bích đồ quyển được bán với giá 1,21 triệu USD cho một nhà sưu tầm người Mỹ vào thập niên 1980 - lập kỷ lục tranh Trung Quốc bấy giờ. Một số tác phẩm khác của Ngô Bân cũng được bán với giá trên 10 triệu USD.
Không chỉ thư họa cổ đại, tranh của các một số tác giả đương đại Trung Quốc cũng đắt đỏ. Năm 2011, bức Tùng bách cao lập đồ - Triện thư tứ ngôn liên của Tề Bạch Thạch được bán với giá 420 triệu nhân dân tệ (64,4 triệu USD). Cùng năm, bức Cửu Châu vô sự lạc canh vân của Từ Bi Hồng được bán ở mức 266,8 triệu nhân dân tệ (40,9 triệu USD). Năm 2019, tranh Sư Tử Lâm của Ngô Quán Trung có giá hơn 143 triệu nhân dân tệ (21,9 triệu USD).
Tại Hàn Quốc, bức tranh lập kỷ lục đấu giá là Vũ trụ của họa sĩ bậc thầy Kim Hwan-gi, được gõ búa ở Hong Kong năm 2019 với giá hơn 100 triệu HKD (12,8 triệu USD). Trước đó, năm 2016, bức Vô đề của ông về tay một nhà sưu tầm với mức 33 triệu HKD (4,2 triệu USD).
Tại Đông Nam Á, từ thập niên 2010 đã có những bức tranh triệu USD. Năm 2010, tác phẩm Bali Life của họa sĩ người Indonesia gốc Hoa Lee Man Fong (1913-1988) được Sotheby's đấu giá 25,3 triệu HKD (3,2 triệu USD) - lập kỷ lục tranh của họa sĩ Đông Nam Á bấy giờ.
Tác phẩm "Bali Life". Ảnh: Sotheby's.
Theo ShangHai Securities News, tranh của các danh họa đắt đỏ do giá trị lịch sử. Các tác phẩm thể hiện trạng thái tinh thần và xã hội ở một giai đoạn, truyền tải tình cảm, suy nghĩ, trình độ nghệ thuật của họa sĩ. Tranh quý còn là món hàng đầu tư vì chúng hiếm, ít xuất hiện trên thị trường, khả năng tăng giá cao. Đối với một số người giàu, tranh của danh họa nổi tiếng còn là món "trang sức" thể hiện đẳng cấp.
Tại Trung Quốc, từ thập niên 2000, nhiều người lo ngại thị trường nghệ thuật là "cơn sốt ảo" và sẽ vỡ vụn như bong bóng xà phòng. Một số chuyên gia cảnh báo tranh đắt đỏ như hiện tượng "Bong bóng hoa tulip" ở Hà Lan thế kỷ 17, khi giá hoa tulip được thổi bùng sau đó rớt giá khiến người mua, người bán cũng như người môi giới mất trắng. Tuy nhiên, các kỷ lục đấu giá tranh liên tục được thiết lập. Năm 2017, các tác phẩm nghệ thuật được đấu giá đạt 14,9 tỷ USD trên toàn cầu.
Những tác phẩm được đấu giá hàng chục triệu USD chỉ là một góc của thế giới hội họa. Vì các bức nổi tiếng bậc nhất thế giới, đặc biệt là tranh sáng tác trước thế kỷ 19, hầu hết nằm trong bảo tàng, khó có khả năng xuất hiện trên thị trường. Giá trị những tác phẩm đó được cho là khó có thể định giá. Chẳng hạn, bức Mona Lisa được bảo hiểm 100 triệu USD vào năm 1962, đến nay, số tiền tương ứng vượt 700 triệu USD, theo Culture Trip. Chân dung Mona Lisa treo ở bảo tàng Louvre (Pháp), được bảo vệ bởi kính chống đạn.
Nghinh Xuân