Đây là tình huống của chính tôi trong một tiết hướng dẫn trải nghiệm cho học sinh gần đây. Trong tiết học này, có câu hỏi tìm những từ địa phương ở các vùng miền khác nhau để nói về một đồ vật, sự việc. Một học sinh giơ tay và trả lời từ “xương‘’ đồng nghĩa với “gánh‘’. Tôi cho rằng đây là đáp án sai nên không cho điểm.

Học sinh vốn là người miền Trung, đáp lại rằng: Ở vùng Quảng Trị, quê nội của em, người ta thường gọi “gánh" là “xương", thậm chí, em còn dẫn chứng cho tôi nghe ca từ trong bài hát Ai nhớ chăng ai của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ: “Mẹ già tóc bạc như sương, nợ đời uốn còng đôi vai xương đớn đau trăm đường".

Sau khi kiểm chứng những gì học trò nói, tôi lập tức xin lỗi em và được tất cả học sinh đồng tình, hoan hô.

thay-thoi-88617.jpg?width=0&s=QHy2FaDk5OzKnSg2kio-jwThầy giáo Lê Tấn Thời và học trò trong một tiết hướng dẫn các em sử dụng internet an toàn. Ảnh: Tác giả cung cấp

Từ câu chuyện sư phạm trên, tôi chợt liên tưởng đến cuộc trò chuyện giữa nhà văn Sơn Nam và cô Hương, cô giáo dạy môn quốc văn trong tác phẩm Mùa hè năm Petrus của nhà văn Lê Văn Nghĩa.

Trong bài thuyết trình về nhà văn Sơn Nam, Dũng - học sinh lớp 7 ngũ - đã đưa ra những chi tiết không có trong sách giáo khoa về tiểu sử nhà văn. Nào là nhà văn Sơn Nam từng đi tù, thiếu nợ tiền cà phê và thuốc lá, xấu trai, ăn mặc luộm thuộm…

Bạn bè rất ngạc nhiên và cho rằng Dũng suy diễn. Cả cô giáo cũng nghĩ “dễ gì mà gặp được một nhà văn như Sơn Nam!‘’. Cô nhận xét rằng bài thuyết trình đã vô tình xúc phạm đến nhà văn và thế là Dũng không đạt điểm cao cho phần trình bày của mình.

Nghe một người bạn kể lại chuyện này, nhà văn Sơn Nam đã đến gặp cô giáo để “minh oan‘’ cho Dũng. Qua cuộc chuyện trò, cô giáo biết những chi tiết học trò mình đề cập đến là chính xác vì Dũng hầu như gặp nhà văn mỗi ngày khi phụ ba mình sắp chữ ở nhà in.

Nội dung cuộc nói chuyện xoay quanh bài thuyết trình của một em học sinh nhưng mang lại thông điệp thật ý nghĩa, đó là bài học về niềm tin trong môi trường sư phạm.

Thứ nhất, người giáo viên phải biết tạo dựng niềm tin cho học trò bằng vốn kiến thức và năng lực sư phạm. Khi truyền thụ kiến thức phải chính xác và khoa học vì nếu sai, học sinh sẽ hiểu vấn đề sai lệch suốt cuộc đời.

Thứ hai, thông qua nhiều nguồn thông tin khác nhau, học sinh có thể biết được nhiều điều hơn so với những kiến thức trong sách giáo khoa. Nếu thầy cô phủ nhận, vô tình làm mất đi sự suy nghĩ độc lập của các em.

Thứ ba, nếu giáo viên biết mình có những nhận xét chưa chính xác về học trò, trực tiếp hay gián tiếp cần nhận lỗi sai. Ở tình huống trên, cô giáo Hương đã thẳng thắn nhận lỗi trước học sinh. Với cách xử sự như thế, cô giáo càng được học trò nể trọng và tạo được sự tin tưởng hơn từ các em.

Là một giáo viên, những tình huống sư phạm trên đây là bài học quý trong việc dạy học. Với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, trường học không phải là nơi duy nhất học sinh tiếp nhận kiến thức.

Với những học sinh chịu khó nghiên cứu, học hỏi, đôi khi kiến thức còn lớn hơn sự hiểu biết của thầy cô giáo. Điều này đòi hỏi giáo viên phải trau dồi thường xuyên để tự tin khi đứng lớp cũng như có được niềm tin trong mắt học trò.

Ở góc độ khác, nếu các em có những ý kiến, nhận định khác với sách giáo khoa, thầy cô nên cân nhắc trước khi đưa ra lời nhận xét. Nếu cần, có thể yêu cầu các em đưa ra minh chứng để làm sáng tỏ những gì mình nói. Quan trọng hơn nữa là giúp các em nhận biết đâu là thông tin xác thực từ những dữ liệu đã thu thập được.

Khi có được niềm tin giữa thầy và trò, việc tiếp nhận và truyền thụ kiến thức sẽ thuận lợi hơn. Ở góc độ xã hội, học sinh sẽ vận dụng sự hiểu biết của mình để ứng dụng cũng như phát triển những điều mới mẻ trong cuộc sống.

Người thầy không phải lúc nào cũng đúng. Hoạt động học tập của học sinh gắn liền với sự phát triển nhân cách của các em. Người thầy phải biết linh hoạt trong ứng xử sư phạm để giúp các em biết lập luận, giải quyết vấn đề một cách có căn cứ, từ đó lĩnh hội và tích lũy kiến thức trong quá trình học tập.

Người thầy cũng cần biết nhận lỗi khi mình sai để giữ mãi hình ảnh đẹp trong mắt học trò và phụ huynh học sinh.

Mỗi khi giải quyết những tình huống có liên quan đến học sinh hay những thắc mắc của phụ huynh, tôi luôn nghĩ đến câu chuyện trên để hạn chế đến mức thấp nhất những nóng vội và giảm đi cái tôi tiêu cực của mình trong môi trường sư phạm.

Thầy giáo Lê Tấn Thời (Giáo viên Trường THCS Nguyễn Đăng Sơn, Chợ Mới, An Giang)

thay-giao.jpg?width=150Yolo
Thầy giáo bắt gặp cảnh tượng lạnh sống lưng khi trực đêm, có lẽ đến cuối đời không thể quên

Theo Vietnamnet

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022