Em đi trên khoảnh đất giồng

Nghe người ta biểu em chưa chồng phải hôn?

Ta hãy "cà kê dê ngỗng", bàn phiếm đôi chút với từ "giồng", nếu không thấu hiểu e cũng khó thấy sức hấp dẫn của một vùng đất. Trong "Phương ngữ Nam Bộ", nhà nghiên cứu Bùi Thanh Kiên giải thích "giồng" là: "Dải đất cao chạy dài song song với đám ruộng thấp. Nơi đây người ta cất nhà cửa, trồng cây ăn trái và trồng hoa màu phụ. Đất giồng cao ráo, ít nước trong mùa khô, nhưng khi đào giếng thì nước rất ngọt".

20220512193008-30c1wm-16761319298851892060363.jpg

Từ giồng đến rẫy (Ảnh minh họa từ Internet)

Trước đây, nhà nho Nguyễn Liên Phong nhận xét:

Tốt thay nhà ở theo giồng

Hết giồng tới ruộng, ruộng giồng cao lương.

Giồng đóng góp vai trò gì cho lưu dân khi đến miền Nam định cư, lập nghiệp? Là từ lúc đứng chân trên giồng, lưu dân tiếp tục tiến xuống phá hoang, lấn biển cũng là lúc mở mang thêm các ngành nghề khác. Tuy nhiên, khi về làm dâu nơi này, các cô nàng từng than thở, thở than: "Lấy chồng đất giồng gánh nước phồng vai". Nếu có câu ca dao:

Mẹ mong gả thiếp về vườn

Ăn bông bí luộc dưa hường nấu canh.

Thì cũng có dị bản, ta chấp nhận như một lẽ tự nhiên:

Mẹ mong gả thiếp về giồng

Ăn bông bí luộc, dưa hồng nấu canh.

Có ý kiến cho rằng "giồng" là một cách phát âm "vồng", hàm nghĩa: "Luống đất đắp thành dãy dài, giữa cao khum lên: Đánh vồng khoai" ("Việt Nam tự điển" - 1931). Trong khi đó, trong Nam lại dùng "vồng" để chỉ đến vật gì đó: "Rơi xuống rồi lại tưng lên; gồ ghề làm cho xe chạy không êm". Ở trong Nam có câu hát:

Gió đưa gió đẩy về rẫy ăn còng,

Về bưng ăn ốc, về giồng ăn dưa.

Với từ "rẫy", thú thiệt phân vân quá, vì ta đã biết rẫy còn có nghĩa là bỏ: ruồng rẫy; rồi sực nhớ câu hát trong nhạc Phan Huỳnh Điểu phổ thơ Anh Ngọc: "Buổi sáng em làm rẫy/ Thấy bóng cây kơ nia". Muốn có rẫy, có đất trồng tỉa thì người ta phải phát, đốt rừng - thường là ở vùng rừng núi, vì thế mới có các từ đất rẫy, phát rẫy, đốt rẫy, làm rẫy… Thế thì nơi ấy làm gì có còng? Ai cũng thừa biết còng vốn là động vật nhỏ, hình dáng như cua, thường sống ngoài bờ biển, khu rừng ngập mặn kia mà? Thiệt vô lý!

Thật ra, trong ngữ cảnh "về rẫy ăn còng" thì rẫy là những ruộng nước mặn và lợ. Còng làm hang trên đất rẫy, có còng lửa, còng gió. Muốn bắt còng, người ta chờ nước ròng cho rẫy cạn nước, lấy mũi chân ấn sâu phần dưới hang, lập tức chúng chui lên. Còng di chuyển nhanh nhưng lỏng khỏng. Vì thế, khi các cô cậu học trò viết láu chữ nguệch ngoạc, chữ xiên chữ xẹo, thầy cô chê "chữ viết như còng quều" - khác với ngoài Bắc, ngoài Trung gọi là "chữ viết như gà bươi/ chữ viết như mèo quào"...

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022