Nhà hát trăm tỉ “đắp chiếu”
Mới đây, Thanh tra TP.HCM đã công bố kết luận và được UBND TP đồng thuận về việc xây dựng Trung tâm nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo đã có quá nhiều sai phạm. Trung tâm Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo (được xây dựng trên nền rạp hát Hưng Đạo cũ ở địa chỉ số 136 Trần Hưng Đạo, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TP.HCM) dự kiến bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang quản lý và đưa vào sử dụng từ năm 2015. Tuy nhiên, đơn vị này không chịu nhận vì không thể mơ tới “thánh đường cải lương”, bởi sân khấu đã xây dựng ẩu lại có quá nhiều lỗi trong thiết kế, trang thiết bị không phù hợp với nhu cầu biểu diễn của sân khấu cải lương hiện đại.
Do năng lực chủ đầu tư, đơn vị thiết kế, tư vấn giám sát yếu kém và cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm nên dự án công trình Nhà hát từ 59 tỉ đồng đã đội lên 132 tỉ đồng. Nhà hát xây xong đành phải ngậm ngùi “đắp chiếu” hơn một năm nay.
Nỗi băn khoăn từ nhà hát ngàn tỉ
Ông Trần Vương Thạch- Giám đốc Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM cho biết, theo thông tin từ Sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM, ông được biết Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình (thuộc Sở Văn hoá & Thể thao TP.HCM) – đơn vị đã xây dựng Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang bị lỗi, dẫn đến cảnh “đắp chiếu” không thể sử dụng được, giờ đây lại chính là chủ đầu tư công trình xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch TP.HCM – một công trình có giá trị đầu tư lên tới trên 2.000 tỉ đồng khiến ông vô cùng lo lắng.
“Xây Nhà hát Giao hưởng nhạc vũ kịch nghĩa là để phục vụ cho nghệ thuật âm thanh không cần đến trang thiết bị tăng âm nhưng độ vang phải đủ cho khán phòng”– Ông Trần Vương Thạch nói- “Thậm chí các kiến trúc sư quốc tế nhiều người cũng thất bại chứ không phải ai cũng thành công. Còn các kiến trúc sư âm thanh người Việt thì chắc chắn là chưa ai làm được. Rồi còn vấn đề kỹ thuật ánh sáng, quy mô… Vậy mà chúng tôi, những người sẽ trực tiếp điều hành và sử dụng Nhà hát lại không hề được tham khảo ý kiến, góp ý về thiết kế, về thiết bị, đối tượng phục vụ của Nhà hát, đối tượng nghệ thuật mà Nhà hát phải phục vụ… thì tới đây họ sẽ xây ra cái gì ?”.
“Nếu thực sự trân trọng và muốn nâng tầm âm nhạc dân tộc của chúng ta lên giao lưu và hoà nhập với thế giới, thì phải xây dựng Nhà hát đạt chuẩn quốc tế. Liệu chúng ta có thể xây dựng được một Nhà hát tối thiểu như Nhà hát thành phố hiện hữu, tuy nhỏ nhưng đã tồn tại 100 năm rồi và còn có thể sử dụng thêm 100 năm nữa?”- Ông Trần Vương Thạch băn khoăn.
Nơi cần không có, nơi có lại không dùng
Có một thực tế là, các đoàn nghệ thuật giải trí lớn trên thế giới có tới TP.HCM giao lưu không thể mang hết cả ekip và trang thiết bị, nhóm hát phải chia ra, chỉ sang được một phần, hoặc là phải biến đổi chương trình để phù hợp với điều kiện. Vì thế, công chúng không được thưởng thức hết những giá trị tinh thần cao của thế giới. Những ngôi sao ca nhạc tới từ châu Âu, Mỹ – những nơi công nghệ ca nhạc nghệ thuật giải trí đòi hỏi sự đạt chuẩn, chẳng hạn như ngôi sao ca nhạc Céline Dion thì không đến Việt Nam. Ngay cả các show diễn của nghệ sĩ vĩ cầm châu Á Vanessa Mae đã mang đi khắp nơi nhưng cũng chưa hề ghé Việt Nam một lần. Nhiều đoàn nghệ thuật lớn trên thế giới cũng đã liên lạc với Việt Nam và mong muốn được đến đây để biểu diễn các loại hình nghệ thuật mang tính giải trí cao như Broadway, nhưng vì không có Nhà hát đạt chuẩn nên họ chưa thể đến.
“Nhà hát phục vụ riêng cho thiếu nhi có không?”- Nghệ sĩ, đạo diễn Đức Hải trăn trở – Các sân khấu Phú Nhuận, Trần Cao Vân, sân khấu Idecaf (diễn tại rạp Bến Thành) có kịch mục dành riêng cho trẻ em, nhưng tất cả đều là những sân khấu đi thuê để biểu diễn. Trên toàn quốc chưa có một Nhà hát nào dành riêng cho trẻ em. Trong khi đó, ở Bắc Kinh có tới 7 Nhà hát, Tokyo có 7 Nhà hát dành riêng cho thiếu nhi”.
Thật nghịch lý khi nơi cần thì không có, nơi có lại không dùng. Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, Quan họ Bắc Ninh không thể biểu diễn trong một khán phòng rộng tới 2.000- 3.000 chỗ được, bởi cốt lõi của loại hình nghệ thuật dân gian này là phải giao lưu trực tiếp với người hát. Tương tự như thế, những nhà hát như Cánh Diều của tỉnh Hà Nam, Nón Lá của tỉnh Bạc Liêu dùng để biểu diễn gì cho hết công suất?
Nhạc sĩ Võ Đăng Tín – nguyên Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.HCM khẳng định: “Mơ ước có những Nhà hát đạt chuẩn là mơ ước chung của tất cả các nghệ sĩ và số đông khán giả của các môn nghệ thuật đó, nhưng khó khăn nhiều quá. Không sân khấu, không Nhà hát đạt chuẩn và không có tác phẩm lớn, nghệ sĩ không được đào tạo và có môi trường tiếp cận với hoạt động nghệ thuật thì muốn bảo tồn gìn giữ văn hoá, âm nhạc truyền thống không được, mà muốn xây dựng những tác phẩm đỉnh cao xứng tầm thế giới thì càng khó hơn”.
“Không phải chỉ xây cái vỏ Nhà hát là xong, mà quan trọng là các thiết chế văn hoá, nghệ thuật bên trong Nhà hát được đầu tư như thế nào, quản lý nó hoạt động ra sao ? Xây Nhà hát đạt chuẩn nghĩa là phải nghĩ trước cho cả trăm năm”– Nhạc trưởng Trần Vương Thạch gửi gắm tâm sự.
Hòa Bình
Nguồn: congluan.vn