Bird Studio, công ty Toriyama thành lập năm 1983, thông báo hôm 8/3 Akira Toriyama – cha đẻ bộ truyện tranh huyền thoại 7 Viên Ngọc Rồng (Dragon Ball) - đã qua đời từ 1/3 do tụ máu dưới màng cứng cấp tính, ở tuổi 68.
Di sản của ông vẫn sống và tồn tại ở mọi lĩnh vực giải trí. Sau nhà làm phim Hayao Miyazaki, Toriyama có thể là nghệ sĩ Nhật Bản có ảnh hưởng nhất thời hiện đại, The Washington Post đánh giá. Ông đã đưa manga và anime trở thành xu hướng phổ biến toàn cầu, phá bỏ những bức tường từng ngăn cản phong cách truyền tải của người Nhật.
Akira Toriyama - cha đẻ "7 Viên Ngọc Rồng". Ảnh: Getty.
Phía Bird Studio yêu cầu công chúng làm theo mong muốn được yên nghỉ của cố tác giả bằng tang lễ riêng tư, không nhận vòng hoa, vật phẩm chia buồn. “Chúng tôi vô cùng tiếc nuối khi ông ấy vẫn còn một số tác phẩm đang trong quá trình sáng tạo với sự nhiệt tình cao độ.
Tuy nhiên, ông ấy đã để lại rất nhiều tựa manga và tác phẩm nghệ thuật cho thế giới này. Nhờ sự ủng hộ của rất nhiều người trên khắp thế giới, ông đã có thể tiếp tục hoạt động sáng tạo của mình trong hơn 45 năm qua”.
Tác phẩm nổi tiếng nhất của Toriyama là bộ truyện tranh 7 viên ngọc rồng, xuất bản năm 1984, được lấy cảm hứng từ một trong tứ đại danh tác của Trung Quốc - Tây Du Ký nhưng tập trung vào võ thuật. Sê-ri phim hoạt hình Dragon Ball Z đưa tác phẩm của Toriyama thành công trên toàn cầu.
Thương hiệu Dragon Ball Z trở nên nổi tiếng đến mức nhân vật chính Goku thậm chí thường xuyên là nhân vật được làm bóng bay khổng lồ trong cuộc diễu hành Lễ Tạ ơn Macy’s ở Mỹ.
Từ năm 1996, Cartoon Network giới thiệu Dragon Ball Z tới hàng triệu gia đình ở Mỹ. Đối với nhiều khán giả nước ngoài, đây là lần đầu họ thử phong cách kể chuyện “shounen”. Shounen thể loại truyện tranh Nhật Bản dành cho độc giả nam tuổi teen. Các câu chuyện hướng đến thường về cuộc phiêu liêu của anh hùng, nhấn mạnh sự kiên trì và tình bạn.
Thời điểm đó trên truyền hình Mỹ, hiếm có bộ phim hoạt hình nào kể chuyện qua nhiều tập, nhưng Dragon Ball Z đã khiến khán giả trẻ thích nghi với điều này.
Tác phẩm của Toriyama rất phổ biến ở thị trường Mỹ Latinh, Goku từ lâu đã được coi là anh hùng. Tờ Los Angeles Times từng bàn về sức ảnh hưởng của bộ truyện này với tựa đề “Tôn vinh Goku, biểu tượng Latinh”.
Toriyama qua đời ở tuổi 68, do tụ máu dưới màng cứng cấp tính. Thông tin được gia đình thông báo sáng 8/3, sau một tuần khi ông mất. Ảnh: AI.
Tác giả Toriyama có cách miêu tả con người sắc sảo và đặc biệt. Ông tuân theo các quy tắc cổ điển của phim hoạt hình: cách diễn đạt cường điệu để truyền đạt cảm xúc rõ ràng. Với Toriyama, nét vẽ của ông mạnh mẽ, dễ nhận ra. Phần lớn cách kể chuyện của Toriyama có điểm nhấn khi vẽ tay.
Cử chỉ tay mang tính biểu tượng nhất của nhân vật Goku là khép hai tay, lòng bàn tay hướng ra ngoài và bắn những quả cầu lửa có thể phá hủy ngọn núi.
Chưởng ma thuật này sau đó đã truyền cảm hứng cho trò chơi điện tử đối kháng. Ngày nay, phong cách chiến đấu của Toriyama hiện diện khắp nơi trong các thể loại phim, truyện hành động. Động tác này còn truyền cảm hứng cho các trận đấu quyền anh của Creed 3 (Tay đấm huyền thoại).
Ảnh hưởng của Dragon Ball tới thể thao
Các vận động viên thường lấy Dragon Ball làm nguồn cảm hứng vì Toriyama tập trung kể những câu chuyện về lòng quyết tâm và lòng dũng cảm.
Nhiều đội thể thao, vận động viên và người hâm mộ chia sẻ tình yêu và sự tôn trọng đối với Dragon Ball. Trong bóng đá, không ít cầu thủ ăn mừng sau khi ghi bàn thắng bằng động tác tuyệt chiêu Kamehameha.
Tài năng trẻ của Liverpool Harvey Elliot đã ăn mừng không thể quên sau khi ghi bàn thắng ấn định chiến thắng 2-1 trước Crystal Palace vào 9/12/2023. Elliot đã chuyển hướng Goku và thực hiện tư thế Kamehameha thương hiệu.
Trong Dragon Ball, chiêu thức mạnh mẽ này Goku giúp anh ta thu thập năng lượng trước khi giải phóng thành chùm tia sóng cực mạnh.
Những động tác trong Dragon Ball trở thành màn ăn mừng của các cầu thủ. Ảnh: Sporf.
Tifo - nghệ thuật cổ động trên khán đài, hàng nghìn người góp sức tạo thành bức tranh cổ động khổng lồ - nhiều lần thực hiện về Dragon Ball với nhân vật Goku, Vegeta… Một số câu lạc bộ thực hiện làm màn chào sân ấn tượng gồm Paris Saint-Germain, Wydad Red Castle, Deportivo Saprissa…
Nghệ thuật Tifo trên khán đài có hình ảnh của Dragon Ball.
Tác giả Naruto: “Truyện tranh của Akira Toriyama của trở thành một phần cuộc sống của tôi”
Từ những tác giả manga và anime cùng thời cho đến những người được ông truyền cảm hứng đều lời tri ân gửi đến cha đẻ 7 Viên Ngọc Rồng.
Masashi Kishimoto – tác giả Naruto cho rằng sự ra đi của Akira Toriyama là nỗi mất mát quá lớn. Suốt hành trình niên thiếu, truyện tranh của Toriyama luôn đồng hành và trở thành một phần cuộc sống của anh. Chính nhờ tài năng của cố tác giả đã khiến Masashi Kishimoto có niềm đam mê với manga.
“Ông ấy là ngôi sao dẫn đường cho tôi. Hay tin qua đời, tôi sốc và thấy mất mát. Tôi không biết phải đối phó với cái lỗ hổng này trong tim như thế nào. Bây giờ tôi thậm chí không thể đọc Dragon Ball, bộ truyện tranh yêu dấu của tôi” - Masashi Kishimoto nói.
Câu chuyện về Goku và những người bạn của Akira Toriyama trở thành một trong những tác phẩm vĩ đại nhất mọi thời đại.
Là một trong những người chịu ảnh hưởng từ cố tác giả, Oda Eiichirō – tác giả One Piece – chia sẻ: “Chú là người đưa thời kỳ nhiều người nghĩ ‘đọc truyện tranh thật là đần’ trở thành kỷ nguyên mà bất kể lứa tuổi nào cũng say mê đọc manga.
Chú là người cho thấy rằng manga có thể làm được những điều như vậy. Giấc mơ ấy chính chú là người chỉ cho cháu thấy được…
Chúng tôi bày tỏ sự kính trọng và biết ơn đối với thế giới sáng tạo phong phú tuyệt vời mà Toriyama sensei đã để lại. Cầu nguyện cho sự yên nghỉ của ông từ tận đáy lòng. Hy vọng nơi thiên đường là thế giới dễ chịu như chú đã tưởng tượng”.
Tác giả của Slam Dunk, Takehiko Inoue viết: "Tôi không thể chấp nhận điều này”. Trên Weibo, diễn viên Thành Long chia buồn trước sự ra đi của Toriyama: "Akira Toriyama, cảm ơn thầy đã tạo ra rất nhiều tác phẩm kinh điển, chúng sẽ mãi trường tồn. Tạm biệt”.
Theo Tiền Phong