Ảnh: L.ĐIỀN
Trên nền trời vọng cổ - cải lương Nam Bộ, giữ vị trí xuất sắc nhất như một dạng kỳ tài là thầy đờn Bảy Bá (Huỳnh Trí Bá) - tức soạn giả Viễn Châu (1924 - 2016).
Giới chuyên môn nhận xét ông đạt đến vị trí đỉnh cao về số lượng và chất lượng ca từ. Người đời đã phong tặng ông nhiều danh hiệu "Ông vua ca cổ", "Ông vua tân cổ", "Nhạc sư", "Người tạo danh cho ca sĩ"...
Với niềm yêu mến vọng cổ - cải lương của một người mộ điệu cộng với tinh thần của một nhà khảo cứu nghiêm túc, tác giả Huỳnh Công Tín thực hiện công trình Soạn giả Viễn Châu - tác giả và tác phẩm vọng cổ.
Không có Viễn Châu thì không có Ngọc Giàu, cũng như gần hết các tên tuổi cải lương nổi tiếng của cải lương thời hoàng kim.
NSND Ngọc Giàu
Đọc sách, công chúng sẽ có dịp theo dõi hành trình của nghệ sĩ Bảy Bá từ hồi xuất thân ở Trà Vinh, mê đờn từ nhỏ như lời ông tâm sự: "Từ nhỏ tôi đã mê đờn tranh, tự mày mò học và tìm hiểu thêm những ngón đờn qua dĩa hát nhựa, những đám hát tài tử ở làng quê. Năm 19 tuổi với máu phiêu bạt giang hồ, tôi xách cây đờn lên Sài Gòn".
Chưa đầy 20 tuổi, ông đã tham gia ban cổ nhạc Đài Phát thanh Pháp Á, Sài Gòn. Sự nghiệp cầm ca của Bảy Bá bắt đầu khởi phát. Đến năm 1950, ở tuổi 26, ông được hoan nghênh với vở cải lương Nát cánh hoa rừng, và bút hiệu Viễn Châu đi vào lòng công chúng và giới chuyên môn từ đó.
Con số 2.000 bản vọng cổ đã nói lên phần nào sức sáng tác cũng như nguồn cảm hứng vô biên cuộn chảy không ngừng suốt mấy chục năm trong lòng người nghệ sĩ.
Và điều đó cũng làm nên một "cái duyên" đặc biệt của soạn giả Viễn Châu - cái duyên không bị công chúng - vốn chỉ hay nhớ đến nghệ sĩ ca - diễn trước hết - thờ ơ.
"Có lẽ ông được công chúng biết đến rộng rãi nhờ khối lượng đồ sộ và chất lượng tác phẩm vọng cổ của mình" - tác giả Huỳnh Công Tín ghi nhận.
Tập sách còn giá trị cho giới nghiên cứu loại hình nghệ thuật vọng cổ - cải lương qua hệ thống tác phẩm của Viễn Châu.
Ở đây, Huỳnh Công Tín trình bày các giá trị nội dung và nghệ thuật: về nội dung có các giá trị tâm lý xã hội, giá trị lịch sử, giá trị về các đề tài hài hước...; về nghệ thuật có giá trị nghệ thuật ở thanh âm, từ ngữ, phong cách và âm nhạc. Mỗi vấn đề được dành một chương, bàn khảo kỹ và dẫn chứng công phu.
Viễn Châu là nhạc sĩ và cũng là thi sĩ nên các bài vọng cổ là thơ và nhạc, có chất liệu văn học, mỗi câu hát lời ca, mỗi nhân vật của Viễn Châu đều được anh gởi gắm chút niềm tâm sự, một chút tình - thứ tình cảm lãng mạn trong một tâm hồn đa tình, lãng tử.
Nhà nghiên cứu Nguyễn Phương
Một nội dung độc đáo của tập sách này chính là phần "Từ ngữ, điển tích trong tác phẩm Viễn Châu". Có thể xem đây là một "tiểu từ điển" về tác phẩm Viễn Châu mà tác giả Huỳnh Công Tín đã dày công khảo cứu, hệ thống và cắt nghĩa với mong muốn công chúng có thể thông hiểu hơn và đồng cảm hơn với soạn giả nhờ hiểu được câu chữ cũng như cách dùng từ, dùng điển tích, sử dụng cả lời ăn tiếng nói của dân mình trong tác phẩm.
Nghệ sĩ nhân dân, soạn giả Viễn Châu (1924 - 2016)
Giới chuyên môn ghi nhận Viễn Châu viết trên 50 vở cải lương và 2.000 bài vọng cổ gồm cả cổ nhạc và tân cổ.
Rất nhiều trong số này đã từng được nhiều thế hệ công chúng thuộc nằm lòng từ nhan đề bài hát đến nhiều đoạn trong nội dung, xứng đáng gọi là "tuyệt phẩm" hiểu theo nghĩa tuyệt đại đa số người hâm mộ vọng cổ đều yêu thích: Tình anh bán chiếu, Tu là cội phúc, Trái khổ qua, Ông lão chèo đò, Sầu vương ý nhạc, Võ Đông Sơ - Bạch Thu Hà, Tần Quỳnh khóc bạn, Hán đế biệt Chiêu Quân, Gánh bưởi Biên Hòa, Người đánh đàn trên sông Mỹ Thuận...
Có đến 120 bài vọng cổ như vậy được tuyển chọn vào tập Viễn Châu - 120 bài vọng cổ đặc sắc, được sắp xếp thành các thể loại: Vọng cổ lịch sử, Vọng cổ tâm lý xã hội, Tân cổ giao duyên, Vọng cổ hài.
TTO - Chiều 1-2, khi nghe tin NSND Viễn Châu qua đời, trong niềm thương nhớ bậc tiền bối của làng cổ nhạc VN, từ Mỹ "chàng Điệp" Chí Tâm sáng tác bài vọng cổ Tưởng niệm bác Viễn Châu.