Tối 28/9, trong làn mưa lất phất, khoảng 250 khán giả có mặt ở biệt điện Trần Lệ Xuân (Đà Lạt, Lâm Đồng) để xem show thực cảnh đầu tiên về "thành phố sương mù". 19h, chương trình mở màn với lời dẫn dắt của MC - biên kịch Trác Thúy Miêu. Giữa khói trắng, nhân vật bác sĩ người Pháp Alexandre Yersin (Minh Phúc đóng) xuất hiện với trang phục kaki bạc màu, súng khoác sau lưng.
Nhân vật Yersin (ngồi) trong cảnh khám phá vùng đất xưa, đặt nền móng để xây dựng Đà Lạt. Show được công diễn mỗi tuần ba suất, bắt đầu từ cuối tháng 9. Ảnh: Huy Võ
Đạo diễn Vũ Trần chọn một số lát cắt về cuộc đời Yersin, dàn dựng theo phong cách ước lệ của sân khấu. Suốt hành trình khám phá, nhân vật choáng ngợp trước cảnh đẹp, so sánh vùng đất như một hòn đảo giữa biển sương mù. Ông viết vào nhật ký: "Dãy núi Langbiang nhô lên ở phía chân trời tây bắc của cao nguyên, nổi bật trên một hậu cảnh mỹ lệ".
Nhiều phân đoạn khắc họa những hiểm nguy ông đối mặt trên con đường chinh phục Đà Lạt. Ông vượt những con sông sâu, băng qua rừng trong sự rình rập của thú dữ. Có lúc, nhà thám hiểm gặp cướp, bị đâm trọng thương, phải ngưng chuyến đi để chữa trị. Với tinh thần ham hiểu biết, ông tiếp tục cuộc phiêu lưu "đến người bản địa cũng e ngại".
Chân dung Yersi những ngày cuối đời ở xóm Cồn (Nha Trang) được khắc họa một cách gần gũi. Ở tuổi ngoài 70, "ông Năm" (tên thân thuộc của bác sĩ) tiếp tục chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, kể cho trẻ em trong xóm nghe về chuyến đi thời trẻ. Tình yêu Việt Nam của nhân vật gây xúc động qua chi tiết ông để lại di nguyện muốn được chôn ở Suối Dầu. Trong đám tang, dòng người đến đưa tiễn ông nối dài nhiều cây số.
Alexandre Yersin (1863-1943) là bác sĩ, nhà vi khuẩn học và nhà thám hiểm. Cuối thế kỷ 19, toàn quyền pháp Paul Doumer muốn xây dựng một nơi nghỉ dưỡng, Yersin đề xuất cao nguyên Lang Biang - tiền thân của Đà Lạt sau này. Ông còn nổi tiếng với công phát hiện ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis). Ngoài y học, ông góp công lớn vào phát triển nông nghiệp, chăn nuôi, thám hiểm, khí tượng. Tên ông được lấy đặt cho con đường ở Hà Nội, Sài Gòn, Nha Trang. Năm 1891, ông đến Nha Trang sinh sống, làm việc ở đây cho đến ngày mất.
Ngoài Yersin, nhiều câu chuyện được tái hiện xuyên suốt hơn 100 năm Đà Lạt hình thành và phát triển. Chuyện tình vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu mang âm hưởng lãng mạn qua cảnh họ lần đầu gặp gỡ ở khách sạn Langbian Palace.
Cảnh con người thuần hóa voi dữ ở cao nguyên Lang Biang thuở sơ khai trong show. Ảnh: Huy Võ
Giai thoại về "đồi thông hai mộ" và hồ Than Thở gợi màu sắc kỳ bí. Hai diễn viên múa đóng vai Hoàng Tùng và Mai Nương - cặp tình nhân vào thế kỷ 18. Khi chàng trai đi đánh giặc, ở nhà nghe tin người yêu tử trận, cô gái chọn cái chết để tưởng nhớ anh. Nhưng chàng vẫn sống, lúc trở về thì hay nàng qua đời. Đau đớn, Hoàng Tùng nhảy xuống hồ, mong cả hai ở mãi bên nhau. Từ đó, rừng thông cạnh hồ luôn rì rầm khúc nhạc bi ai.
Đạo diễn chọn chuyện tình của Lê Uyên Phương - danh ca Lê Uyên và nhạc sĩ Lê Minh Lập - làm lát cắt tiêu biểu cho âm nhạc những năm 1970 ở Đà Lạt. Không khí khu chợ Hòa Bình xưa sống dậy qua nhân vật cụ già mặc vest trắng, đạp xe bán lạc rang - hình ảnh quen thuộc với người dân thập niên 1980.
Theo đuổi hình thức show thực cảnh, êkíp tận dụng không gian ngoài trời của khu biệt điện để mô phỏng đất Lâm Đồng thuở sơ khai. Bộ phận cảnh trí dựng lên một ngọn đồi mini, với hình ảnh hai cụm núi - gắn liền chuyện tình Lang và Biang. Một phần tòa nhà được cải tạo để thiết kế thành ban công, nơi hẹn hò năm xưa của vua Bảo Đại, Nam Phương hoàng hậu. Giám đốc sản xuất Trọng Khương cho biết địa điểm đặt sân khấu vốn là một hồ bơi nước nóng, êkíp mất gần nửa năm để dàn dựng lại. Hơn 50 diễn viên tập luyện suốt ba tháng cho các tiết mục.
Khán giả xem show "Những đường chim bay" ở Đà Lạt hôm 28/9. Ảnh: Huy Võ
Khán giả Đặng Thị Ngọc Hà (61 tuổi) cho biết nhiều tình tiết của chương trình khiến bà xúc động. Năm 18 tuổi, bà cùng gia đình lên Đà Lạt sinh sống, từ đó gắn bó với khu chợ Hòa Bình. Hình ảnh cụ già bán lạc rang từng in đậm trong ký ức bà, từ dáng ông lái chiếc xe cũ đến vị đậu ngọt bùi. "Tôi thích cảnh bán hàng rong ở chợ, diễn viên tương tác với người xem bằng cách xuống tận hàng ghế tặng khoai, sắn", bà Ngọc Hà nói. Tuy nhiên, nhiều khán giả nhận xét phần chuyển cảnh giữa các tiết mục còn đột ngột, một số câu chuyện chưa được kết nối mượt mà.
Trác Thúy Miêu cho biết êkíp ấp ủ ý tưởng làm show ba năm trước. Ban đầu, khi viết kịch bản, chị áp lực vì thời lượng chỉ khoảng 60 phút, khó tái hiện được bề dày lịch sử Đà Lạt. Do đó, chị chọn những chuyện tiêu biểu, gắn với ký ức người ở đây qua các thế hệ. "Êkíp mong chương trình trở thành một trong những lựa chọn của du khách về đêm, phần nào giúp họ hiểu thêm về thành phố", biên kịch nói.
Mai Nhật