Chuyện tưởng khó tin, nhưng có thật:Một người buôn đồ cũ ở Pompeii, Italy, đã giữ một bức tranh của Picasso trong phòng khách nhà mình suốt 50 năm mà không hề hay biết đó là một kiệt tác có giá trị rất lớn. Vợ ông thậm chí thường xuyên chê bai bức tranh là "khủng khiếp" và đòi vứt bỏ.
Mãi cho tới gần đây, bức tranh mới được xác thực là của Picasso. Tranh hiện được định giá lên tới 6 triệu euro và có thể tăng lên gấp đôi.
Bức chân dung Dora Maar
Năm 1962, khi dọn dẹp tầng hầm của một biệt thự ở Capri, Luigi Lo Rosso đã tìm thấy một bức tranh bị cuộn tròn, vẽ khuôn mặt một người phụ nữ với diện mạo khá lôi thôi.
Mặc dù chữ ký "Picasso" hiện rõ ở góc trên bên trái bức tranh, nhưng Rosso - khi đó 24 tuổi - chẳng biết đấy là ai. Dù vậy, Rosso vẫn quyết định mang bức tranh về nhà và treo trong phòng khách nhà mình.
Picasso ngồi bên nàng thơ Dora Maar
Trong 50 năm, bức tranh vẫn nằm trong phòng khách gia đình Lo Rosso, trong một chiếc khung rẻ tiền và được đặt biệt danh là "cái đục máng" vì những hình dạng bất đối xứng - vốn đặc trưng cho phong cách của Picasso. Nó thậm chí còn bị chê bai!
Phải rất nhiều năm sau đó, vào những năm 2000, con trai cả của Lo Rosso là Andrea mới chỉ cho cha mẹ mình thấy sự giống nhau rõ rệt giữa bức tranh treo trong phòng khách và các tác phẩm của Picasso. Andrea nhận ra điều này sau khi đọc một bộ bách khoa toàn thư về lịch sử nghệ thuật do dì của mình đưa cho và nghĩ có thể tranh trong phòng khách nhà mình là tranh gốc.
Mặc dù ban đầu ý tưởng này đã bị gạt bỏ, nhưng sự giống nhau giữa bức tranh và các kiệt tác của bậc thầy trường phái Lập thể đã dần khiến các thành viên trong gia đình nghi ngờ. Cuối cùng, họ cũng trả tiền thuê một nhóm chuyên gia, bao gồm một thám tử nghệ thuật nổi tiếng là Maurizio Seracini.
Sau nhiều lần phân tích, tham vấn và so sánh với các tác phẩm khác của Picasso, xác nhận ban đầu đã đến một cách bất ngờ: Bức tranh này có thể là chân dung vẽ Dora Maar - nữ thi sĩ, họa sĩ, nhiếp ảnh gia người Pháp và là người tình, nàng thơ của Picasso trong 9 năm.
Bức tranh đã bị tịch thu ngay sau đó vì bị nghi là đồ đánh cắp nhưng rồi lại được trả lại cho chủ sở hữu.
Nhưng những thăng trầm của gia đình ở Pompeii quanh bức tranh không dừng lại ở đó. Rào cản lớn nhất là việc Quỹ Picasso ở Paris, do các con trai của danh họa điều hành, từ chối xem xét bức tranh.
Vì vậy, nhà Lo Rosso đã chuyển sang Quỹ Arcadia - một tổ chức phi lợi nhuận dành riêng cho việc nâng cao di sản nghệ thuật. Chủ tịch của Quỹ, Luca Gentile Canal Marcante, đã tập hợp một nhóm chuyên gia để thực hiện một loạt phân tích mới.
Bức tranh gốc của Picasso hiện được nhà Lo Rosso cất dưới hầm
Sau nhiều năm điều tra phức tạp, Cinzia Altieri - một nhà nghiên cứu chữ viết, cố vấn tại tòa án ở Milan và là thành viên ủy ban khoa học của Quỹ Arcadia, nơi xử lý các hoạt động định giá, phục chế và xác định tác phẩm nghệ thuật - đã xác nhận rằng chữ ký trên bức tranh là của Picasso.
"Sau khi tất cả các cuộc kiểm tra khác đối với bức tranh được thực hiện, tôi được giao nhiệm vụ nghiên cứu chữ ký" - ông Altieri cho biết - "Tôi đã làm việc trên bức tranh trong nhiều tháng, so sánh nó với một số tác phẩm gốc của ông ấy. Không còn nghi ngờ gì nữa, chữ ký đó là của ông ấy. Không có bằng chứng nào cho thấy chữ ký đó là giả".
Cuối cùng, tính nguyên bản của bức tranh đã được xác nhận vào đầu tháng 9 nhưng tin tức này mới chỉ công bố vài ngày trước.
"Chúng tôi chỉ là một gia đình bình thường, và mục tiêu luôn là xác nhận sự thật" - con trai ông Lo Rosso, người giữ bức tranh hơn 50 năm.
Giá trị tinh thần
Picasso thường xuyên đến đảo Capri ở miền Nam Italy và bức tranh này được cho là vẽ vào khoảng năm 1930 đến 1936. Nó cũng rất giống một tác phẩm khác có tên là Buste de Femme Dora Maar (Tranh bán thân người phụ nữ Dora Maar) của Picasso. Do đó, có giả thuyết là Picasso đã vẽ 2 bức chân dung khác nhau về người phụ nữ này, vào những thời điểm khác nhau.
Luigi Lo Rosso đã mất nhưng con trai ông Andrea, hiện 60 tuổi, vẫn theo đuổi hành trình khám phá bức tranh.
Bức “Buste de Femme Dora Maar” của Picasso
"Cha tôi đến từ Capri và thường thu thập đồ bỏ đi để bán với giá gần như cho" - Andrea chia sẻ - "Cha đã tìm thấy bức tranh này trước khi tôi chào đời và không biết Picasso là ai. Cha tôi không phải là người am tường nghệ thuật. Khi đọc về các tác phẩm của Picasso trong bách khoa toàn thư, tôi thường nhìn lên bức tranh và so sánh với chữ ký của Picasso. Tôi cứ nói với cha rằng nó rất giống, nhưng cha không hiểu. Nhưng khi lớn lên, tôi cứ thắc mắc mãi".
Andrea nói thêm rằng, có những lúc gia đình đã cân nhắc đến việc vứt bỏ bức tranh: "Mẹ tôi không muốn giữ nó. Bà luôn nói rằng trông nó thật khủng khiếp".
Ông đã liên hệ với Quỹ Picasso ở Málaga nhiều lần, nhưng quỹ này không quan tâm đến việc xem xét những tuyên bố của ông vì tin rằng chúng là sai sự thật. Thực tế, Picasso, người mất năm 1973, đã sáng tác hơn 14.000 tác phẩm và Quỹ Picasso nhận được hàng trăm tin nhắn mỗi ngày từ những người tuyên bố sở hữu một tác phẩm gốc.
Về bức "chị em" Buste de femme Dora Maar, nó được vẽ vào năm 1938 và bị đánh cắp khỏi du thuyền của một giáo sĩ Saudi Arabia vào năm 1999. Phải 20 năm sau, bức tranh mới được tìm lại.
Vợ ông Luigi Lo Rosso ngồi dưới bức tranh của Picasso trong phòng khách nhà mình
Chủ tịch Quỹ Arcadia, Luca Marcante, tin rằng có thể có 2 phiên bản của tác phẩm. "Cả hai đều có thể là bản gốc" - ông nói với báo giới - "Có lẽ chúng là 2 bức chân dung, không hoàn toàn giống nhau, về cùng một chủ đề do Picasso vẽ vào 2 thời điểm khác nhau. Có một điều chắc chắn: Bức được tìm thấy ở Capri và hiện được lưu giữ trong một hầm chứa ở Milan là tranh gốc". Marcante cũng cho biết sẽ trình bằng chứng cho Quỹ Picasso.
"Tôi tò mò muốn biết họ nói gì" - Andrea Lo Rosso nói - "Chúng tôi chỉ là một gia đình bình thường, và mục tiêu luôn là xác nhận sự thật".
Bức tranh của nhà Lo Rosso hiện được định giá 6 triệu euro. Nếu tác phẩm được Quỹ Picasso công nhận, giá trị của nó có thể tăng lên tới 12 triệu euro. Tuy nhiên, gia đình Lo Rosso "không quan tâm đến việc kiếm tiền từ nó".
"Bức tranh đó là một phần của gia đình Lo Rosso ở Pompeii và không để bán. Chúng tôi chỉ muốn định giá, nhưng chúng tôi không bán nó, vì đó là di chúc của cha tôi - người đã không còn ở bên chúng tôi nữa" - Andrea nói, cho biết thêm là ông "hài lòng và hạnh phúc" với sự công nhận gần đây.
Về Picasso và Dora Maar
Dora Maar lần đầu nhìn thấy danh họa Pablo Picasso vào cuối năm 1935, khi bà đang chụp ảnh quảng cáo trên phim trường bộ phim The Crime of Monsieur Lange của Jean Renoir. Bà nhanh chóng bị ông cuốn hút nhưng họ không chính thức gặp mặt.
Vài ngày sau, Maar được giới thiệu với Picasso thông qua người quen chung của họ là Paul Eluard tại Cafe des Deux Magots. Câu chuyện về cuộc gặp gỡ này của họ được kể lại bởi nhà văn Jean-Paul Crespelle là "khuôn mặt nghiêm túc của người phụ nữ trẻ, sáng bừng lên bởi đôi mắt xanh nhạt trông càng nhợt nhạt hơn vì đôi lông mày rậm của cô; một khuôn mặt nhạy cảm, bồn chồn, với ánh sáng và bóng tối xen kẽ trên đó. Cô liên tục xoay một con dao nhỏ nhọn giữa các ngón tay đặt trên bàn gỗ. Đôi khi cô ấy trượt và một giọt máu xuất hiện giữa những bông hồng thêu trên đôi găng tay đen của cô ấy... Picasso đã yêu cầu Dora đưa cho ông đôi găng tay và khóa chúng trong tủ trưng bày để giữ làm kỷ vật của mình".
Bị cuốn hút bởi Maar, ông đã coi bà là nguồn cảm hứng cho nhiều tác phẩm của mình. Mối quan hệ của họ kéo dài gần 9 năm. Nhưng không chỉ là nàng thơ, người mẫu vẽ, Maar cũng có nhiều đóng góp khác cho sự phát triển nghệ thuật của Picasso.
Bà đã chụp các giai đoạn sáng tác Guernica - một trong những kiệt tác nổi tiếng nhất của Picasso, từ tháng 5 tới tháng 6/1937. Picasso đã sử dụng những bức ảnh này trong quá trình sáng tạo của mình. Maar cũng dạy Picasso các kỹ năng nhiếp ảnh và giới thiệu cho ông phương pháp kết hợp nhiếp ảnh và in ấn, còn được gọi là kỹ thuật cliché verre.