Hàng loạt chương trình nghệ thuật được các nhà hát trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thể thao và Du lịch tổ chức với mục đích quyên góp, ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố bị chịu thiệt hại nặng nề do bão lũ gây ra.

Đồng loạt sáng đèn

Với mục đích tìm kiếm thêm nguồn lực để hỗ trợ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã giao Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp và chỉ đạo 12 đơn vị nghệ thuật của Bộ tổ chức các chương trình nghệ thuật quyên góp kinh phí giúp đỡ đồng bào.

Nhà hát Múa rối Việt Nam tổ chức chương trình nghệ thuật giàu ý nghĩa, mang đậm tính nhân văn với chương trình Trăng trẻ thơ, dành cho các thiếu nhi nhân dịp Tết Trung thu. Chương trình được tổ chức biểu diễn 2 buổi, vào ngày 15-16/9, kết hợp giữa múa rối nước, múa rối cạn, với các tiết mục tái hiện những câu chuyện cổ tích quen thuộc nhưng được làm mới qua những màn trình diễn sáng tạo, để lại ấn tượng đối với các em nhỏ.

Chương trình “Trăng trẻ thơ” diễn ra với nhiều tiết mục đặc sắc. Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc

Phát huy truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách”, Nhà hát Tuổi trẻ triển khai tổ chức chuỗi các hoạt động biểu diễn dành cho thiếu nhi dịp Tết Trung Thu với chủ đề Trung thu cho em, nhằm quyên góp ủng hộ đồng bào, đặc biệt là trẻ em các tỉnh, thành phố phía Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão số 3 gây ra.

Một trong các hoạt động nổi bật là chương trình nghệ thuật mang tên Dạ tiệc đêm rằm, diễn ra vào 20 giờ các ngày 16-17/9 tại Nhà hát Tuổi trẻ, số 11 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Chương trình có độ dài 90 phút, với sự tham gia của các nghệ sỹ nổi tiếng của nhà hát, như: Thanh Bình, Thanh Dương, Thanh Tú, Phan Thắng, Mạnh Hoàng, Anh Quân, Yến My, Thùy Dung, Thu Hà, Vũ Ánh, Đức Anh, Trọng Minh...

Nhà hát Kịch Việt Nam, Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, Nghệ sỹ Nhân dân Tự Long phối hợp cùng nhiều nghệ sỹ chung tay tổ chức chương trình Trung Thu không xa cách, diễn ra vào tối 17/9 tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội). Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc cho biết, các nghệ sỹ tham gia chương trình biểu diễn không nhận thù lao, tiền bán vé từ chương trình, tiền các nhà hảo tâm hỗ trợ sẽ được dành tặng người dân vùng lũ.

Chương trình được tổ chức dưới hình thức trực tiếp tại sân khấu Nhà hát Hồ Gươm và livestream trực tuyến trên kênh cá nhân của các nghệ sỹ Xuân Bắc, Tự Long, Câu chuyện Hà Nội và nhiều kênh khác thuộc Youtube và của YAN… Đây là chương trình biểu diễn tạp kỹ đặc biệt, với những nội dung phong phú. Chương trình có sự tham gia của các nghệ sỹ múa rối, xiếc, ảo thuật, các nghệ sỹ của Câu lạc bộ Sao tuổi thơ…

Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã phát động phong trào Tương thân, tương ái - Chia sẻ yêu thương, ngoài việc mỗi cán bộ, nhân viên ủng hộ 1 ngày lương, ngày 14/9, Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã trích 20 triệu đồng từ tiền thu biểu diễn quyên góp ủng hộ đồng bào lũ lụt. Sắp tới, vào tối 21/9, tại Rạp xiếc Trung ương, Liên đoàn còn tổ chức chương trình từ thiện Nối vòng tay nhân ái - Ước mơ của em.

Bên cạnh các chương trình nghệ thuật nêu trên, một số chương trình nghệ thuật khác cũng được các nhà hát tổ chức nhằm quyên góp ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão lũ ở miền Bắc. Theo đó, Dàn nhạc Giao hưởng Việt Nam cũng sẽ tổ chức biểu diễn hòa nhạc Lalo Stravinsky vào tối 17/9; Nhà hát Chèo Việt Nam biểu diễn chương trình Tâm sự quê vào tối 18/9; Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam biểu diễn đêm nhạc Hà Nội - Những tháng năm vào tối 20/9…

th-17264594168252023696851.jpg

Chương trình Trung thu san sẻ yêu thương dành toàn bộ tiền bán vé ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi con bão số 3. Ảnh: Tuổi Trẻ Online

Đồng lòng hướng về vùng lũ

Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam chia sẻ chương trình nghệ thuật Trăng trẻ thơ năm nay được tổ chức vào dịp Tết Trung Thu, ngoài ý nghĩa dành tặng món quà cho thiếu nhi, đưa các em đến cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc, còn mục đích cao cả hơn, mang tính cộng đồng, chính là xây dựng một chương trình thiện nguyện, quyên góp, ủng hộ người dân phía Bắc sau cơn bão số 3”. Toàn bộ doanh thu của 2 buổi biểu diễn sẽ được Nhà hát Múa rối Việt Nam gửi tới Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.

"So với sự mất mát của đồng bào đang trải qua, thì sự đóng góp của các nghệ sỹ nhà hát và nhà hảo tâm không lớn nhưng thể hiện được truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc ta", Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Tiến Dũng bày tỏ.

Giám đốc Nhà hát Tuổi Trẻ, Nghệ sỹ Ưu tú Sĩ Tiến cho biết, doanh thu từ hoạt động bán vé và số tiền quyên góp từ các nhà hảo tâm trong các đêm diễn của chương trình sẽ được gửi về Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để ủng hộ các địa phương và đồng bào bị ảnh hưởng bởi bão, lũ. Cùng với số tiền quyên góp và tiền trích từ bán vé biểu diễn, các nghệ sỹ Nhà hát Tuổi Trẻ mong muốn đóng góp vào các hoạt động của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhằm góp một phần nhỏ xoa dịu đi những nỗi đau, mất mát thiệt hại của người dân, các gia đình và các em nhỏ ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lụt.

Nghệ sỹ Nhân dân Xuân Bắc, Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam bày tỏ, chương trình nghệ thuật Trung Thu không xa cách được tổ chức với mong muốn đem lời ca, tiếng hát chuyển hóa thành sức mạnh tinh thần, động viên trẻ em vùng lũ nói riêng, trẻ em trên cả nước nói chung. Đồng thời, sử dụng số tiền bán vé được từ chương trình quyên góp, ủng hộ bà con vùng lũ, những người đang phải gánh chịu hậu quả nặng nề của bão số 3 gây ra.

Theo Nghệ sỹ Nhân dân Tống Toàn Thắng, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, trong khi nhân dân cả nước đang vận động, quyên góp hướng về đồng bào bị thiệt hại bởi bão lụt, những người nghệ sỹ lao động nghệ thuật muốn dùng chính công việc chuyên môn của mình để tuyên truyền, lan tỏa tinh thần “tương thân, tương ái”, “lá lành đùm lá rách” tới mọi tầng lớp khán giả, đặc biệt là các khán giả nhỏ tuổi. Hướng các em nhỏ biết yêu thương, sẻ chia với các bạn vùng ảnh hưởng bão lũ...

Các chương trình nghệ thuật được các nhà hát tổ chức với mục đích quyên góp ủng hộ đồng bào các tỉnh, thành phố miền Bắc chịu thiệt hại nặng nề do bão, lũ gây ra vừa là tấm lòng của các nghệ sỹ hướng về đồng bào vùng lũ, vừa nhằm hiện thực hóa chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, về việc tổ chức các chương trình nghệ thuật đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế, thể hiện đạo lý "tương thân tương ái", đoàn kết của dân tộc, kêu gọi nhân dân cả nước đồng lòng hướng về hỗ trợ đồng bào và những địa phương đang gánh chịu hậu quả nặng nề của bão lũ.

Các chương trình nghệ thuật quyên góp ủng hộ đồng bào thêm một lần nữa khẳng định, nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam: Luôn đoàn kết, chung sức chung lòng, giúp đỡ lẫn nhau cùng vượt qua khó khăn.

Tìm giải pháp để sân khấu Việt 'cất cánh'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022