Nhìn nhận từ khía cạnh phát triển công nghiệp văn hóa, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, đại diện doanh nghiệp thể hiện sự quan tâm, quán triệt, thực hiện các nội dung liên quan đến phát triển kinh tế tư nhân, góp phần phát triển kinh tế- xã hội đất nước.

Nghị quyết số 68 -NQ/TW về "Phát triển kinh tế tư nhân" vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 4/5/2025. Trong văn bản có nhấn mạnh vai trò của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước, Nghị quyết chỉ rõ: Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng xanh, tuần hoàn, bền vững...

Góp phần lan tỏa giá trị văn hóa, nâng tầm quốc gia

Đề cập về nguồn lực kinh tế tư nhân trong gìn giữ, lan tỏa các giá trị văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng: Trong hành trình phát triển của mỗi quốc gia, văn hóa không chỉ là dòng chảy ngầm chở che bản sắc dân tộc mà còn là nguồn lực cốt lõi, chất keo gắn kết xã hội và là động lực tinh thần để con người vượt qua những thời khắc gian nan.

Tinh hoa Bắc Bộ - show diễn thực cảnh thu hút du khách trong và ngoài nước. Ảnh: NSXCC

Nếu như trong những thập niên trước đây, phát triển văn hóa chủ yếu dựa vào vai trò của Nhà nước - vừa là nhà đầu tư, nhà tổ chức và quản lý, thì nay, bức tranh đã dần chuyển mình. Trong kỷ nguyên số hóa, toàn cầu hóa và đặc biệt là trong thời đại kinh tế sáng tạo lên ngôi, kinh tế tư nhân đã và đang chứng minh vai trò không thể thay thế của mình trong sự nghiệp phát triển văn hóa quốc gia.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn nêu dẫn chứng: Tại Việt Nam, các tập đoàn như Sun Group, Vingroup, FLC, TMS Group… đã đầu tư vào các công trình vừa mang yếu tố du lịch, vừa tôn vinh giá trị văn hóa. Những công trình này không chỉ góp phần bảo tồn di tích, mà còn mở ra mô hình phát triển mới, nơi di sản không bị "bảo tàng hóa" mà được sống trong lòng xã hội hiện đại, thu hút du khách, tạo việc làm và thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương.

Không chỉ dừng lại ở việc tài trợ hay đồng hành, nhiều doanh nghiệp đã tự đứng ra kiến tạo sản phẩm văn hóa, đầu tư bài bản từ khâu nghiên cứu thị trường, xây dựng nội dung, thiết kế sản phẩm đến truyền thông và phân phối. Họ không chỉ mang lại doanh thu cho nền kinh tế mà còn góp phần lan tỏa giá trị văn hóa Việt, nâng tầm vị thế quốc gia trên bản đồ văn hóa thế giới.

nhahatkich-17465869081361682915705.jpg

Một vở diễn của NH Kịch TP. HCM. Ảnh: NHCC

Từ thực tế hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật, ông Hà Quốc Cường (Nhà hát Kịch Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: Với hơn 300 năm hình thành và phát triển, Thành phố Hồ Chí Minh luôn phát huy truyền thống cách mạng kiên cường, đoàn kết, năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế - văn hóa - xã hội. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật ngày càng được Đảng bộ và chính quyền thành phố quan tâm, từ đó đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.

Với quan điểm đẩy mạnh hoạt động xã hội hóa nhằm phát huy các nguồn lực xã hội để phát triển văn học, nghệ thuật của địa phương, Thành phố Hồ Chí Minh tạo điều kiện để các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa hoạt động sáng tạo và có sự quản lý chặt chẽ của Nhà nước. Qua đó, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa đã mang đến cho công chúng những sản phẩm văn hóa, nghệ thuật đáp ứng được nhu cầu giải trí lành mạnh cho người dân, một số chương trình do các doanh nghiệp nghệ thuật thực hiện thu hút công chúng và tạo được ấn tượng tốt... Bên cạnh đó, các đơn vị nghệ thuật công lập đã khẳng định vai trò, chất lượng nghệ thuật khi đầu tư thực hiện chương trình được định hướng gắn với bảo tồn, quảng bá nghệ thuật truyền thống trong môi trường hoạt động du lịch, được công chúng đón nhận.

Nhạc phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối":

Từ góc độ của khán giả đối với nghệ thuật điện ảnh - một trong những ngành công nghiệp văn hóa, ông Trần Sơn, Giám đốc Công ty Cổ phần kỹ thuật Bảo Sơn (quận Tân Phú, Thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ: Gần đây, bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" đã tạo được tiếng vang, thu hút đông đảo người xem, phần nào thể hiện sự tham gia tích cực của các thành phần kinh tế, nhà đầu tư trong lĩnh vực điện ảnh, điều này rất cần được phát huy trong thời gian tới.

Chung tay xây dựng, phát triển

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Hoài Sơn, Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội cho rằng: Trong kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc, vai trò của kinh tế tư nhân trong phát triển văn hóa càng trở nên nổi bật và cần thiết hơn bao giờ hết. Họ là những người dám nghĩ, dám làm, dám thử nghiệm và mở đường; là lực lượng tiên phong đưa văn hóa Việt ra thế giới bằng những bước đi táo bạo, sáng tạo và linh hoạt.

bieudien-17465871222051747595272.jpg

Dàn nghệ sĩ "Anh trai say hi" biểu diễn trong Chương trình Nghệ thuật đặc biệt “Mùa Xuân thống nhất” chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước

Để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực chiến lược cho phát triển văn hóa, có một hệ sinh thái thuận lợi như chính sách ưu đãi rõ ràng, hành lang pháp lý minh bạch, cơ chế khuyến khích đổi mới và sự đồng hành chặt chẽ từ Nhà nước là rất cần thiết. Thay đổi tư duy từ "xin - cho" sang "hợp tác- cùng phát triển", từ "hành chính hóa" sang "tạo điều kiện và hỗ trợ". Hơn bao giờ hết, đây là thời điểm vàng để Nhà nước, doanh nghiệp cùng chung tay dựng xây tương lai văn hóa Việt – một tương lai vừa đậm đà bản sắc, vừa rực rỡ ánh sáng sáng tạo toàn cầu.

Quan tâm giải pháp phát triển thị trường, tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm công nghiệp văn hóa, Phó Giáo sư, Tiến Lê Quý Đức (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) cho rằng: việc có cơ chế khuyến khích đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật và công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ văn hóa sẽ tạo nhiều thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp văn hóa, văn nghệ, du lịch thu hút các nguồn lực xã hội, thúc đẩy các doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân phát triển nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa.

vnapotalnguoidanthudodoveditichkhuvuichoitrongkynghi304-158008226-1746587227687196896088.jpeg

Người dân và du khách xếp hàng vào thăm Di tích Nhà tù Hỏa Lò. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Cùng với đó, các cấp, ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, doanh nhân và nhà sáng tạo, sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đặc biệt là cần quan tâm đến quyền sở hữu tư nhân để các nhà đầu tư yên tâm "rót" vốn vào sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa có tính đặc thù; đồng thời nâng cao ý thức thực thi các quy định pháp luật về quyền tác giả và các quyền liên quan trong toàn xã hội. Đây là vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa sống còn đối với người sáng tạo và kinh doanh ngành công nghiệp văn hóa.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Kỳ (Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel) cho rằng: việc Nhà nước và doanh nghiệp hợp tác chặt chẽ với nhau sẽ giúp tận dụng tốt hơn các nguồn lực xã hội, đồng thời nâng cao hiệu quả triển khai các dự án phát triển kinh tế, trong đó có kinh tế du lịch với các dự án phát triển sản phẩm du lịch văn hóa - một trong các ngành công nghiệp văn hóa chủ lực của đất nước. Việc đẩy mạnh mô hình hợp tác công - tư hiệu quả chắc chắn sẽ giúp tăng cường đầu tư vào hạ tầng du lịch, nâng cao chất lượng dịch vụ và tạo nhiều giá trị gia tăng hơn nữa.

vnapotaldongdaonguoidandencacdiemditichkhuvuichoiothudo8008230-1746587278684529947047.jpeg

Đông đảo người dân vào tham quan Bảo tàng Quân sự Việt Nam dịp nghỉ lễ 30/4-1/5. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Doanh nghiệp cần chủ động tích cực đổi mới, ứng dụng công nghệ trong quản trị kinh doanh, cải thiện hiệu quả vận hành, tối ưu hóa chi phí, qua đó gia tăng sự tín nhiệm từ các đối tác và khách hàng, đồng thời có những sản phẩm tốt nhất đưa ra thị trường- ông Nguyễn Quốc Kỳ bày tỏ.

XEM THÊM CÁC TIN TỨC VĂN HOÁ TẠI ĐÂY

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022