Sự kiện diễn ra ở Thái Nguyên từ ngày 11 đến 26/6, gây chú ý với những thay đổi trong quy chế. Cụ thể, các đơn vị nghệ thuật tham gia cần có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng. Ngoài ra, nghệ sĩ đóng chính, thứ chính phải là những người được đào tạo chuyên môn, chuyên ngành hoặc đã biểu diễn nghệ thuật kịch nói liên tục từ ba năm trở lên.
Quy chế mới khiến một số đoàn nghệ thuật từ các trường như Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội, Đại học Văn hóa nghệ thuật, Nhà hát Thế giới trẻ thuộc Đại học Sân khấu điện ảnh TP HCM không đủ điều kiện tham gia.
Tác phẩm ''Bến nước thời gian'' của Nhà hát Tuổi trẻ dự Liên hoan. Sự kiện được tổ chức tại Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Thái Nguyên. Ảnh: Nhà hát cung cấp
Đại tá Trần Thanh Bạch, chủ nhiệm khoa Sân khấu - Điện ảnh - Viết văn của Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội nói buồn khi nhận quy chế cách đây hơn một tháng. Trước đó, biết thông tin về Liên hoan, đoàn trường hào hứng đăng ký và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Theo Đại tá, đơn vị đã chọn kịch bản tốt, tìm kiếm êkíp sáng tạo, thiết kế mỹ thuật, khai sàn và tập luyện được khoảng sáu cảnh.
"Đây không chỉ là cơ hội giúp các bạn trẻ được học hỏi mà còn để giảng viên tìm hiểu thực tiễn, từ đó xây dựng hệ thống bài giảng tốt, nâng cao chất lượng đào tạo. Tôi thấy tiếc nhưng quy chế thì phải chấp nhận'', ông Trần Thanh Bạch nói.
Phía Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội không trả lời cụ thể, cho biết tôn trọng mọi quy chế của Liên hoan.
Sáng 13/6, quyền Cục trưởng Nghệ thuật Biểu diễn Trần Ly Ly nói đã lắng nghe những ý kiến trái chiều và gửi văn bản trả lời lên văn phòng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ông Nguyễn Danh Hoàng Việt - người phát ngôn của Bộ - cho biết tiếp nhận thông tin và sẽ phản hồi sớm.
Sự kiện quy tụ 20 đơn vị nghệ thuật kịch nói trong và ngoài công lập như sân khấu Lệ Ngọc, sân khấu Trịnh Kim Chi, gồm 24 vở diễn thuộc nhiều đề tài. Mỗi vở có thời lượng 90-150 phút, không kể thời gian giải lao. Đây phải là các kịch bản được thực hiện mới hoặc những vở được phục dựng với đội ngũ sáng tạo mới từ năm 2017 đến nay, chưa tham gia cuộc thi, liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội chuyên ngành, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và địa phương tổ chức.
Đơn vị tham gia không được sử dụng kịch bản trước năm 2005 và của nước ngoài. Trường hợp tác phẩm sáng tác trước năm 2005 sau khi chỉnh lý phù hợp hiện tại cần có sự đồng ý của tác giả hoặc người đại diện hợp pháp.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ trao huy chương vàng, bạc cho các vở diễn, cá nhân đạt tiêu chí trong quy chế chấm, xét giải. Nghệ sĩ Nhân dân Trần Ngọc Giàu - chủ tịch Hội Sân khấu TP Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ tịch Hội đồng nghệ thuật. Các thành viên còn lại trong ban chấm giải gồm nghệ sĩ Minh Hòa - nguyên Phó giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội, nhạc sĩ Trọng Đài, nghệ sĩ Nguyễn Đạt Tăng, đạo diễn Lê Mạnh Hùng, nhà viết kịch Chu Thơm, giáo sư Lê Thị Hoài Phương.
Phương Linh