Kịch bản khai thác câu chuyện không phải ca ngợi những chiến công oanh liệt trên chiến trường, hay nỗi niềm của các chiến sĩ cách mạng thời hậu chiến, mà là nỗi lòng của những người cách mạng với vai trò nhà quản lý trong những ngày đầu đất nước thống nhất. Đó là câu chuyện về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi còn là Bí thư Thành ủy TP HCM.
Vượt qua thách thức
Vở diễn kể về giai đoạn sau ngày đất nước thống nhất, thành phố đối mặt muôn vàn khó khăn vì hậu quả chiến tranh cùng những bất cập từ chính sách vĩ mô không phù hợp tình hình thực tiễn TP HCM. Đồng chí Võ Văn Kiệt đã có những quyết sách sau nhiều trăn trở, suy tư với nỗ lực tìm cách "xé rào", "cởi trói" đưa thành phố vượt qua thách thức.
NSƯT Lê Tứ cho biết anh là người được giao thể hiện vai chú Tư, khắc họa hình tượng đồng chí Võ Văn Kiệt với phong cách phóng khoáng, gần gũi nhân dân, coi trọng người tài và sẵn sàng lắng nghe những ý kiến trái chiều vì sự phát triển chung.
Một cảnh trong vở cải lương “Thành phố buổi bình minh”
"Đọc kịch bản và trong những ngày tập dợt, tôi cảm nhận sâu sắc sức lan tỏa của tinh thần học tập theo tấm gương của Bác Hồ, điển hình nhất là từ những việc làm có ích, thắt chặt đoàn kết trong quá trình xây dựng và phát triển TP HCM nói riêng và cả nước nói chung. Trước thách thức đó, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, khi còn là Bí thư Thành ủy TP HCM đã có những quyết định đột phá để tháo gỡ từng nút thắt cho thành phố đi lên" - NSƯT Lê Tứ tâm sự.
Vở "Thành phố buổi bình minh" còn có sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ: NSƯT Lam Tuyền, nghệ sĩ Minh Trường, Thy Phương, Hà Như, Tiến Dũng, Tô Tấn Loan…
Những giá trị nhân văn
Đạo diễn Phan Quốc Kiệt cho hay khi dàn dựng tác phẩm này, anh đã nghiên cứu rất kỹ về giai đoạn lịch sử, đồng thời tìm kiếm thủ pháp dàn dựng phù hợp để đưa vở diễn chạm đến cảm xúc người xem. Vở diễn phải thể hiện rõ sự nhiệt huyết, ý chí khẳng định cái mới của đồng chí Võ Văn Kiệt, đó là chân lý sống, giúp ông vượt qua nhiều lực cản để thực hiện được những thành công lớn trong quá trình tham gia lãnh đạo đất nước ở nhiều cương vị khác nhau.
Những điểm nhấn độc đáo trong vở mang nhiều cảm xúc, đó là đầu những năm 1980, do cơ chế bao cấp khiến kinh tế - xã hội kém phát triển, sản xuất đình đốn, người dân TP HCM thiếu gạo ăn. Nhân vật chú Tư ( trong vở "Thành phố buổi bình minh") biết rõ ở các tỉnh miền Tây không thiếu gạo. Người dân thành phố không đến nỗi không có tiền để mua. Vậy mà mua không được, vì cơ chế lúc đó bắt buộc phải mua theo giá quy định của nhà nước, nên người nông dân không bán, công ty lương thực thì không mua được lúa. Lúa thu hoạch xong nằm chờ ở nhà bà con nông dân. Chưa hết, thành phố lại không được phép đi thu mua lương thực từ các địa phương khác.
Chú Tư tuyên bố: "Không thể để một người dân nào của thành phố thiếu đói" và cũng chính chú Tư đã xin phép cho Công ty Lương thực Miền Nam đứng ra thu mua lúa, mang về xay xát, cung cấp gạo cho người dân có bữa cơm hằng ngày.
"Khi dựng vở diễn này, có thể nói tôi cảm xúc theo từng phân cảnh, vì nhân vật chú Tư là người lãnh đạo rất sát thực tế. Mọi quyết sách của ông đều đi từ thực tiễn. Ông còn là người tập hợp trí thức, quy tụ được nhiều trí thức của chế độ cũ, tin tưởng và giao việc cho họ. Nhân vật chú Tư là người của nhân dân, sống rất có tình, nhân hậu, gần gũi và chan hòa với mọi tầng lớp, chính là hình mẫu học tập theo tấm gương của Bác Hồ kính yêu" - đạo diễn Phan Quốc Kiệt bộc bạch.