Ở Hà Giang thơ mộng xuất hiện một giọng thơ thiếu nhi rất dễ thương và dí dỏm, đó là Nguyễn Quỳnh Mai. Cô gái trẻ này đã được khá nhiều giải thưởng thơ của tỉnh Hà Giang và bài thơ thiếu nhi Mùa Hè lấp lánh được đưa vào sách Tiếng Việt 3, tập 1, bộ Kết nối tri thức với cuộc sống.
Từ quê hương của mình, Nguyễn Quỳnh Mai chia sẻ về những cảm xúc khi đọc và viết - cũng dí dỏm không khác gì thơ của cô.
Ký ức vụn vặt làm nên mùa Hè đẹp
* "Mùa Hè lấp lánh" là một bài thơ xinh xắn, vui tươi. Nó đã được ra đời và đi vào sách giáo khoa như thế nào vậy?
- Ôi, khi được hỏi, tôi nghĩ mất một lúc mà không nhớ nổi mình đã bắt đầu viết Mùa Hè lấp lánh như thế nào, cũng không nhớ chính xác bài thơ ra đời vào năm nào, có lẽ trong giai đoạn 2015 - 2017, nhưng cảm xúc thì nhớ rõ.
Đó là một ngày mùa Hè, với bọn trẻ con hớn hở vì được thức khuya hơn thường lệ, vì ngày mai được nghỉ học. Bởi vì tụi nó dậy muộn mà mặt trời dậy sớm, cho nên mới có chuyện: "Sáng nay em thức dậy/ Trời đã sáng bao giờ", sau đó là những quan sát khi phơi mặt ngoài trời và rong chơi cả ngày dài: "Nắng cho cây chóng lớn/ Cho hoa lá thêm màu/ Cho mình chơi thật lâu/ Ngày Hè dài bất tận…".
Tôi không biết bằng cách nào đó mà ban biên soạn tình cờ bắt gặp bài thơ này, thấy phù hợp và đưa vào sách, còn tôi chỉ biết tin này sau khi bài thơ đã được tuyển chọn.
Nhà thơ Nguyễn Quỳnh Mai
* Có lẽ riêng chị cũng có nhiều kỷ niệm đẹp về những mùa Hè ấu thơ và những ngày ấy cũng có lưu dấu trong bài thơ "Mùa Hè lấp lánh"?
- Tôi đặc biệt nhớ mùa Hè khi còn ở khu tập thể nơi dì tôi sống ở Lâm Thao, Phú Thọ - khi tôi 9 tuổi. Đó là một khu tập thể biệt lập với con đường riêng và hàng cây cổ thụ xanh ngắt, những cây thông rụng đầy lớp lá kim dày như một tấm thảm.
Ở đó tôi có những người bạn mới, rủ nhau đi tìm củi khô trong bãi cỏ hoang rậm rạp, chơi đồ hàng dưới gốc thông suốt cả buổi trưa, tập đi xe đạp, được dì khâu cho búp bê bằng chiếc tất lẻ và vải vụn… Rất nhiều những ký ức vụn vặt như thế làm nên một mùa Hè đẹp.
* Tôi tưởng tượng, nhà thơ Nguyễn Quỳnh Mai vừa gõ bàn phím vừa cười khi sáng tác thơ cho trẻ con, chẳng hạn như lúc tôi đọc bài thơ "Tớ sợ cái đồng hồ"?
- Tôi thường viết tay và không biết chắc có cười khi đang viết không, vì tôi có nhìn thấy mặt mình đâu (cười dí dỏm).
Tự mô tả chính mình ấy ạ? Tôi là đứa đầu óc lửng lơ, chân không chạm đất, thích lang thang một mình, hoặc với bọn trẻ con trên đồi, dọc suối, mang theo sách, giấy, bút, dí mũi xuống mặt đất với cái máy ảnh để chụp một viên sỏi, hoặc chụp một cây nấm, cọng rêu. Tôi ít nói, thích làm việc một mình, thường "vô hình" trong đám đông với một quyển sách trên tay.

Trang sách "Mùa Hè lấp lánh"
* Cùng lúc chị đã xuất bản 3 tập thơ thiếu nhi, phải chăng trước đó là những khoảng thời gian "đắm mình trong ký ức" hoặc sống trong thế giới của con trẻ?
- Nói đắm mình trong ký ức thì ghê quá, tôi vẫn sống trong thực tại chứ (cười). Thực ra, tôi viết rất nhiều, như một thói quen và sở thích, số đã xuất bản chỉ là một phần. Chắc đâu đó trong tôi phần trẻ con còn quá nhiều, nên tôi vẫn thích chơi với thiên nhiên, thơ thẩn trong thế giới riêng của mình như một đứa trẻ.
Cứ viết thôi, có khi chẳng để làm gì
* Chị đến với văn chương như thế nào và vì sao chọn sáng tác mảng thơ thiếu nhi?
- Tôi thích đọc từ bé, cái này có lẽ không liên quan trực tiếp đến việc tôi viết, nhưng tôi luôn cảm thấy ngôn từ như những hạt mầm được gieo vào lòng tôi từ rất lâu, trước khi đặt bút.
Trước khi viết cho trẻ con, tôi có làm trang web Ca dao mẹ - một dự án nhỏ, thu thập các bài ca dao, dân ca, thành ngữ, tục ngữ kèm theo chú giải chi tiết, và cũng tham gia nhóm dịch truyện và thơ cho trẻ mầm non, tiểu học từ tiếng Anh sang tiếng Việt…
Tất cả những trải nghiệm đó, cộng với việc lớn lên cùng 2 đứa trẻ bên cạnh, khiến tôi bắt đầu quan sát và viết về thế giới dưới góc nhìn của trẻ con. Khi đã viết, đặc biệt là thơ, thì ngôn từ cứ thế chọn nhau, tôi chỉ việc ghi lại.

3 tập thơ xuất bản năm 2018
* Điều gì khiến chị chăm chỉ viết rất nhiều bài điểm sách trên trang cá nhân của mình?
- Như đã nói ở trên, vì tôi thích đọc, nên nghĩ nếu chỉ đọc mà không nhìn lại những dòng cảm xúc, suy nghĩ từng đến rồi đi thì thật lãng phí. Có đôi khi nhớ lại cuốn sách đã từng đọc, tôi thấy tiếc nuối vì mình đã bỏ qua mất điều gì đó mà không nhớ nổi, nên bây giờ tôi cố gắng viết đều. Những cuốn tôi thích, chắc chắn tôi sẽ viết.
Những bài viết đó - trên trang cá nhân - không hẳn là điểm sách, nó giống như ghi chép cảm xúc cá nhân nhiều hơn. Đôi khi có ai đó đọc những gì tôi viết và chia sẻ về suy nghĩ, tình cảm của họ, thì đó là một niềm vui nhỏ. Nhưng tôi viết trước tiên là cho chính mình, nên dù không có ai đọc thì vẫn viết, chẳng ảnh hưởng gì đến động lực viết.
* Đọc sách, viết điểm sách có phải là lúc tĩnh lặng và riêng tư nhất của chị không?
- Tôi viết và đọc đủ thứ. Có thể tạm gọi cái mà tôi viết hàng ngày là nhật ký, chỉ khác là tôi không kể lại những sự việc trong ngày, mà chỉ viết ra thứ tôi đang cảm thấy, đang nhìn thấy, đang suy nghĩ tại thời điểm đó. Có thể nó có ý nghĩa lớp lang, có thể nó vụn vặt và lủng củng không đầu không cuối, tôi không để tâm việc đó.
Có khi tôi viết chỉ vì thích cảm giác viết tay, thích nhìn ngòi bút chạy trên mặt giấy, thấy mực lên màu trên giấy. Hầu như tôi không đọc lại những trang viết ấy. Tôi có đến mười mấy cuốn sổ dày đặc chữ, như chẳng để làm gì cả.
"Việc lớn lên cùng 2 đứa trẻ bên cạnh, khiến tôi bắt đầu quan sát và viết về thế giới dưới góc nhìn của trẻ con. Khi đã viết, đặc biệt là thơ, thì ngôn từ cứ thế chọn nhau, tôi chỉ việc ghi lại" - Nguyễn Quỳnh Mai.
Chữ nghĩa là niềm an ủi
* Chị đọc sách cùng con như thế nào?
- Bắt đầu bằng việc mở sách ra và đọc thành tiếng ạ, tôi đoán thế? Đọc là một sở thích dễ thực hiện, khi có con thì tôi mở rộng danh mục đọc của mình thêm phần sách tranh, rồi tôi bắt đầu đọc cho con bất cứ lúc nào: trước giờ đi ngủ (thật là truyền thống), khi đang chơi, trong công viên, trong bệnh viện, ở quán cà phê, ngồi chờ xe… lúc nào cũng được. Tôi thích những cuốn sách hay và đẹp, (tôi thích cái đẹp, nên chọn sách rất kỹ).

Hàng ngày, Nguyễn Quỳnh Mai thích lang thang, chụp hình
Lúc con biết chữ rồi thì chúng tôi thường có một cuốn sách đọc chung, cứ mỗi người thay nhau đọc vài trang hoặc một chương, đọc kiểu này rất tiện để giải thích những đoạn khó, từ mới. Tôi thường xúi các con đọc những cuốn sách tôi thích, đọc rồi sẽ có nhiều chuyện để nói với nhau, về câu chuyện, nhân vật, tại sao thích hoặc không thích, chi tiết nào hay, đoạn nào đẹp, thấy nhân vật giống ai…
Khi con lớn rồi và sở thích khác nhau thì sách ai nấy đọc, việc ai nấy làm, có khi buổi tối mỗi người tự ôm cuốn sách của mình, đọc cạnh nhau trong im lặng. Thi thoảng mấy bạn cao hứng vẫn đọc to một đoạn mình đang đọc lên để khoe với mọi người.
Hồi năm ngoái, tôi xếp cho mỗi bạn nhỏ một giá khuyên đọc, gồm những cuốn sách hay, phù hợp với độ tuổi, mục tiêu đọc năm 2024 là đọc được chồng sách cao hơn đầu mình, kết quả rất tốt. Năm nay, tôi lại dỡ hết giá sách và xếp giá khuyên đọc mới, mục tiêu đọc năm 2025 của mấy mẹ con là 100 cuốn sách. Con đọc xong cũng giới thiệu cho tôi những cuốn con thích mà tôi chưa đọc.

* Văn chương giúp chị thay đổi những điều gì trong cuộc sống?
- Nếu không có văn chương thì tôi khó tưởng tượng được cuộc sống của mình sẽ như thế nào. Số sách tôi đã đọc chưa gọi là nhiều lắm đâu, còn rất nhiều cuốn muốn đọc, mà tôi chưa đọc tới. Chữ nghĩa luôn là một niềm an ủi. Tôi nói chuyện với giấy mực còn nhiều hơn là nói chuyện với người khác. Đọc và viết là một phần tự nhiên trong cuộc sống của tôi.
* Chị sẽ đi tiếp con đường sáng tác của mình với những kế hoạch cụ thể hơn chứ?
- Tôi không nghĩ mình có cái gọi là "con đường sáng tác". Tôi viết hàng ngày, từ những thứ chẳng để làm gì, ghi chép lặt vặt, về mọi thứ xung quanh, sách đã đọc, thế giới như tôi nhìn thấy, một niềm vui bất ngờ hoặc nỗi buồn, những cảm xúc thoáng qua, những chuyện trẻ con, vì nhỡ đâu một ngày em bé lớn lên sẽ không còn nhớ nữa.
Bọn trẻ con nhanh quên quá, có những chuyện xảy ra hồi bé mà giờ tôi nhắc lại chúng đã quên rồi, còn tôi thì cảm thấy một chút tan vỡ như kiểu đã từng yêu nhau say đắm mà người ta quên hết sạch. Thế nên về cơ bản, tôi viết bằng cảm xúc, chứ chẳng có kế hoạch gì. Sẽ vẫn như vậy, tôi viết tự do và chơi với những thứ có thể nuôi dưỡng ngòi bút của mình.
* Cảm ơn chị đã chia sẻ!
Vài nét về nhà thơ Nguyễn Quỳnh Mai
Sinh ngày 4/1/1988 tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, hiện sống tại quê nhà.
Hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hà Giang.
Từ năm 2017 đến nay: viết tự do và dịch thơ, truyện cho trẻ em.
Năm 2018 xuất bản 3 tập thơ: Khu rừng trong thành phố, Chốn thần tiên, Tớ sợ cái đồng hồ.
Năm 2021 đoạt giải B Giải thưởng văn học nghệ thuật Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang (giai đoạn 2015 - 2020)
Năm 2023 đoạt giải B Cuộc thi Sáng tác thơ cho trẻ em Hà Giang lần thứ I, năm 2022.