Ngày 10/4, lễ kỷ niệm 45 năm thành lập Nhà hát Tuổi trẻ diễn ra tại Nhà hát Lớn với sự tham gia của đông đảo nghệ sĩ. Xuất hiện tại sự kiện, NSƯT Đức Trung, 84 tuổi, được nhiều đồng nghiệp gọi là bố. Ông là một trong những người đặt viên gạch đầu tiên cho nhà hát. Năm 1979, khi đang hoạt động tại Đoàn nghệ thuật Tổng cục Chính trị, ông được nghệ sĩ Hà Nhân, Phạm Thị Thành mời về cùng gây dựng đơn vị.

Nghệ sĩ cho biết gắn bó với nhà hát từ thuở sơ khai đến thời hoàng kim, từ xã hội bao cấp sang kinh tế thị trường, nụ cười nhiều mà nước mắt cũng không ít. Điều nghệ sĩ luôn tâm niệm là phải lăn xả hết mình trong từng vai diễn. Thời kỳ đầu thiếu nhân sự, ông thường xuyên đóng cặp với bạn diễn kém mình hơn 20 tuổi, như cùng Lê Khanh hóa thân hoàng tử và thôn nữ.

Đức Trung sau đó góp mặt trong nhiều vở diễn như Bến bờ xa lắc, Con hươu xanh, Otenlo, Sống mãi tuổi 17, Mùa hạ cuối cùng. Ông cũng đạo diễn loạt tác phẩm như Đứa con tôi, Tôi đi tìm tôi, 15 ngày kháng án, Kẻ sát nhân.

"Tôi cống hiến ở nhà hát 40 năm, chưa kể khi đã nghỉ hưu rồi vẫn còn được cộng tác làm việc thêm một thời gian nữa. Tôi tự hào vì là một phần của Tuổi trẻ, và nhìn thấy nhà hát vẫn ngày một trưởng thành", ông nói.

tuoi-tre-1-8892-1681121501.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=Ce2tiZO_z6Bf_c4W22lSOA

Nghệ sĩ Đức Trung tại sự kiện ngày 10/4. Ảnh: Hiểu Nhân

Nhiều nghệ sĩ gắn bó cả sự nghiệp với nhà hát. Nghệ sĩ Phạm Thị Thành - nguyên giám đốc - cho biết ban đầu, nhiều cái tên được cân nhắc để đặt như Thanh thiếu nhi Việt Nam, Khán giả trẻ, Trẻ. Cuối cùng, mọi người nhất trí chọn là Nhà hát Tuổi trẻ, ra đời vào ngày 10/4/1978. Theo bà, khi mới thành lập, nhà hát may mắn được hỗ trợ nguồn diễn viên. Nhiều nghệ sĩ có tên tuổi, kinh nghiệm như Đức Trung, Tuệ Minh, Phương Nhi, Tú Mai... từ các đơn vị khác sang đầu quân.

Nghệ sĩ Lan Hương - đóng Em bé Hà Nội - nhớ thời kỳ đầu, nhà hát phải mượn địa điểm để diễn. Nhiều khi khán giả không có tiền mua vé, đong gạo, lạc đến trả để được vào xem. Một số chương trình biểu diễn cho thương binh, hội trường đã kín chỗ ngồi nhưng nhiều người vẫn xếp hàng vào xem. Họ chấp nhận đứng ở lối đi, miễn được thưởng thức vở kịch. "Làm nghệ sĩ, hạnh phúc không gì bằng là có nhiều khán giả. Những kỷ niệm đó đối với tôi là vô giá trong chặng đường hoạt động sân khấu", chị nói.

Ngọc Huyền cho biết năm 1978, chị là một trong số hơn 2.000 thanh thiếu niên miền Bắc dự tuyển sinh đầu tiên vào nhà hát. Kết quả, chị nằm trong nhóm 41 người được chọn, cùng lứa Lan Hương, Lê Khanh, Chí Trung. Ngọc Huyền được đào tạo bài bản từ diễn xuất đến thanh nhạc. Tên tuổi chị ghi dấu qua loạt tác phẩm Đứa con tôi, Romeo và Juliet, Mùa hạ cuối cùng, Lời thề thứ 9, Đỉnh cao mơ ước. Ở tuổi 61, chị vẫn hóa thân học sinh đeo khăn quàng đỏ trong hài kịch Đời cười tuyển chọn.

tuoi-tre-9721-1681121501.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=sLWSZ-n5yqD78V_ynSpZWQ

Các thế hệ nghệ sĩ tại Nhà hát Tuổi trẻ. Ảnh: Hiểu Nhân

Nguyệt Hằng là lớp diễn viên khóa hai của Nhà hát Tuổi trẻ, gia nhập từ năm 18 tuổi. Thuở ấy, nhìn các thế hệ nghệ sĩ nổi tiếng đi trước, chị không tin có ngày được đứng chung sân khấu với họ. Chập chững từ những vai phụ, gần 30 năm qua, chị đóng hàng chục vai diễn khác nhau, từ hài kịch, bi kịch đến kịch thiếu nhi. Chỉ cần được trao cơ hội, chị cho biết sẵn sàng hóa thân hết mình.

Nhà hát còn là nơi xe duyên cho chị và ông xã - diễn viên Anh Tuấn. Cả hai là bạn học cùng lớp. Thời mới 18 tuổi, Anh Tuấn nghịch ngợm, ham chơi trong khi Nguyệt Hằng dịu dàng, chững chạc, là cán bộ lớp. Hay bị Nguyệt Hằng săm soi chuyện đi muộn, ngủ trong giờ học, Anh Tuấn ghét ra mặt, thường xuyên nói xấu cô. Đến năm học thứ ba, nhiều bạn bè ngỡ ngàng vì hai người yêu nhau. Cả hai kết hôn năm 1996, đến nay có bốn con, ba gái và một trai.

Nguyệt Hằng khóc nói: "Nhà hát Tuổi trẻ tựa gia đình thứ hai của tôi. Tôi chưa từng nghĩ đến một con đường nào khác hoặc đi nơi nào khác. Nơi đây gắn trọn tuổi thanh xuân, nâng đỡ tôi cả trong nghề nghiệp và hạnh phúc riêng tư".

ngoc-huyen-6204-1681121501.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2HTAn6qDmC9vuzvJqC9tFg

Nghệ sĩ Ngọc Huyền tại sự kiện kỷ niệm. Ảnh: Hiểu Nhân

Trước đó, nhà hát tổ chức biểu diễn nhiều tác phẩm nhân dịp kỷ niệm như: Nhạc kịch Trại hoa vàng, Sống mãi tuổi 17, Đời cười tuyển chọn tại Nhà hát Lớn.

Nhà hát Tuổi trẻ thành lập vào tháng 4/1978, trực thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, là một trong những đơn vị góp phần hình thành diện mạo sân khấu phía Bắc. Nhà hát biểu diễn nhiều bộ môn như kịch nói, ca, múa, nhạc nhẹ, nhạc dân tộc, kịch câm. Năm 2012, nghệ sĩ Trương Nhuận kế nhiệm NSND Lê Hùng làm giám đốc nhà hát. Tiếp đó, Chí Trung được bổ nhiệm quyền giám đốc, nhiệm kỳ 2017-2022. Hiện nghệ sĩ Nguyễn Sĩ Tiến giữ chức này.

Hiểu Nhân

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022