Genre: Hài, Trinh thám, Hành độngDirector: Cheng Wei-haoCast: Greg Hsu, Austin Lin, Gingle Wang,… Rating: 8/10*Lưu ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim
Ngay sau thông báo khởi chiếu tại thị trường Việt Nam, Chuyện tôi và ma quỷ trở thành người một nhà đã nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng khán giả. Bên cạnh cái tên Hứa Quang Hán, dự án điện ảnh Đài Loan còn gây chú ý vì đề tài minh hôn lồng ghép hài trinh thám mới lạ.
Phim được chấp bút bởi biên kịch kiêm đạo diễn Trịnh Vĩnh Hào (Cheng Wei-hao), người từng giành giải Đạo diễn mới xuất sắc tại Liên hoan phim Nam Đài Loan với tác phẩm đầu tay You Are Not Alone (2008). Sau đó, The Death of a Security Guard (2015) cũng giúp anh nhận về giải thưởng Phim ngắn hay nhất tại giải Kim Mã lần thứ 52. Ở mặt trận thương mại, đạo diễn họ Trịnh còn nổi tiếng với The Tag-Along - tác phẩm ăn khách nhất thập kỷ tại Đài Loan thuộc đề tài kinh dị.
Câu chuyện minh hôn tréo ngoe
Chuyện tôi và ma quỷ trở thành người một nhà (tựa gốc: Marry my dead body) xoay quanh chàng trai trẻ Ngô Minh Hàn (Hứa Quang Hán), làm việc tại Cục Cảnh sát. Trong một lần truy bắt tội phạm, anh tình cờ nhặt được phong bao đỏ mà không ngờ, đó là món đồ mà người bà chuẩn bị cho cháu trai mới mất của mình. Chàng trai xấu số tên Mao Mao (Lâm Bách Hồng), là người đồng tính. Cậu qua đời vì bị xe tông, không rõ hung thủ.
Vì là người đầu tiên nhặt lên chiếc phong bao, Minh Hàn bị ép kết hôn với Mao Mao. Tất nhiên, “trai thẳng” Minh Hàn kiên quyết không đồng ý và coi đây là một tục lệ nhảm nhí. Thế rồi, những sự cố xui xẻo liên tục ập tới buộc anh phải thay đổi quyết định. Để Mao Mao sớm siêu thoát, Minh Hàn phải giúp cậu thực hiện những nguyện vọng, trong đó có việc tìm ra kẻ đã hại chết mình.
Một bên là trai thẳng “cục súc”, từng kỳ thị gay. Một bên là linh hồn đồng tính hay bày trò nghịch ngợm.
Cả hai, cứ như vậy mà thành một đôi. Trên chặng đường song hành ngắn ngủi, họ tạo ra nhiều tình huống dở khóc dở cười, nhưng cũng vì vậy mà đong đầy cảm xúc.
Phim khai thác những chủ đề nhạy cảm như đồng tính hay tục minh hôn. |
Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà có kịch bản chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên từng đoạt giải nhất Dã Thảo Kế Hoa – giải kịch bản sáng tạo hay nhất dành cho các biên kịch trẻ. Câu chuyện trong phim vừa mang nét mới lạ, vừa là sự cân bằng hài hòa giữa các yếu tố hành động, trinh thám, kinh dị và hài hước.
Ngay từ những phút ban đầu, nhân vật chính được “định hình” tính cách khá rõ ràng. Ngô Minh Hàn hiện lên là một chàng cảnh sát tràn đầy nhiệt huyết, không ngừng chứng tỏ năng lực để tìm được chỗ đứng trong ngành. Với tính cách cứng rắn, lại là “trai thẳng”, anh cũng mang cái nhìn không mấy thiện cảm về cộng đồng LGBTQ+.
Vậy nên, chuyện minh hôn (kết hôn với người đã khuất) trong suy nghĩ của Minh Hàn chỉ là một điều cổ hủ, phi lý. Và nó càng kỳ dị hơn khi đối tượng mà anh bị ép lên xe hoa lại là linh hồn của một chàng trai đồng tính.
Biên kịch đã khá tinh ý trong việc xây dựng câu chuyện đầy oan trái nhưng lại được móc nối tài tình. Truy bắt tội phạm là cái cớ không thể hoàn hảo hơn cho mối lương duyên giữa Minh Hàn và Mao Mao. Một cách đơn giản mà hiệu quả, nó câu kéo được sự chú ý của khán giả và khơi mào cho hàng loạt rắc rối đang chờ đón bộ đôi ở phía trước.
Thủ thuật kể chuyện tài tình, nhạy cảm nhưng văn minh
Dưới lăng kính hài hước của Trịnh Vĩnh Hào, Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà không chỉ mang tới tiếng cười mà còn là cú huých xô ngã những định kiến về giới.
Lựa chọn hai chủ đề nhạy cảm là “minh hôn” và “đồng tính”, phim rất dễ bị quay lưng nếu biên kịch khai thác câu chuyện sai cách. Chưa kể, màu sắc hài hước trong kịch bản có thể gây hiểu lầm, tạo cảm giác châm biếm phiến diện.
Các yếu tố hài hước được lồng ghép dày đặc trong phim. |
Nhưng thật may, đạo diễn đã biết cách lợi dụng nó, biến tác phẩm của mình thành lăng kính nhìn vào khía cạnh gai góc của cuộc sống một cách nhẹ nhàng, tình cảm. Góc nhìn trung lập, không hằng định tạo cho người xem cảm giác tiếp cận thoải mái, văn minh, không bị “ngộp” bởi tính giáo điều.
Kể câu chuyện hôn nhân oan trái giữa hai chàng trai, thế nhưng đề tài đồng tính lại ít được khai thác. Nó chỉ xuất hiện trong một vài chi tiết hài được nhấn nhá khá duyên xuyên suốt bộ phim.
Ngược lại, “trai thẳng” Minh Hàn và “trai cong” Mao Mao lại vừa vặn là mảnh ghép còn thiếu trong hành trình hoàn thiện nhận thức, tính cách của nhau.
Sự xuất hiện của Minh Hàn giúp Mao Mao tìm thấy ánh sáng sau cái chết oan ức. Cậu biết cách để tâm, lo lắng cho cảm xúc của người khác, hay như việc hóa giải khúc mắc trong mối mâu thuẫn khó nói với cha, đáp lại tình cảm vô bờ bến của bà.
Trong khi đó, Mao Mao “tạt ngang” cuộc đời Minh Hàn và để lại trong cậu một khoảng lặng chưa từng có trước đây. Nét cứng rắn của chàng cảnh sát dần nhường chỗ cho sự dịu dàng, thấu hiểu. Vẫn là một Minh Hàn đi bắt tội phạm, nhưng còn có thêm một Minh Hàn đầy cảm xúc, biết cách quan tâm, biết cách đồng cảm.
Cách thức xây dựng tuyến nhân vật trong phim không quá đặc biệt nhưng tròn trịa. Tình tiết hay từng vấn đề cũng được đặt ra nhẹ nhàng, không sắp đặt, không phán xét đúng, sai. Mọi thứ đều do người xem trực tiếp cảm nhận.
Từ “thằng gay chết tiệt” hay “đồ trai thẳng ngu ngốc”, Minh Hàn và Mao Mao gặp nhau, vượt qua mâu thuẫn để song hành trên chặng đường ngắn ngủi. Không đơn thuần là mối quan hệ cộng tác, họ là bạn, là người cùng một nhà.
Và đó có lẽ cũng là lý do cho tựa đề đặc biệt của bộ phim.
Hứa Quang Hán trưởng thành trong diễn xuất. |
Dĩ nhiên, vì thuộc đề tài hài hước, trinh thám, phim tập trung nhiều vào lời thoại và tình tiết. Trải nghiệm thị giác chưa quá ấn tượng, chẳng hạn như các hạn chế về mặt kỹ xảo. Bên cạnh đó, phim cũng thiếu vắng những góc máy đẹp làm tăng tính thẩm mỹ, hay thực hiện nhiệm vụ truyền tải thông điệp bằng hình thay vì thoại.
Ngoài ra, vì kể một câu chuyện lồng ghép nhiều tuyến tình tiết phụ, Chuyện tôi và ma quỷ thành người một nhà không tránh khỏi những sơ hở trong cách diễn giải sự kiện. Một số nhân vật cũng chưa được xử lý triệt để, đơn cử như cô nàng cảnh sát Tử Tình (Vương Tịnh). Hay như quá trình điều tra, truy bắt trùm tội phạm cũng tồn tại nhiều điểm phi lý.
Tuy nhiên, màn trình diễn của cặp đôi nam chính đã phần nào khỏa lấp những khuyết điểm này. Phải dành lời khen cho sự tiến bộ đáng kể trong diễn xuất của tài tử Hứa Quang Hán, với màn hóa thân không thể vừa vặn hơn trong vai Minh Hàn. Nhiều phen, anh không ngại xả thân với những cảnh quay 18+ đầy táo bạo. Nhưng trên hết, sự tự nhiên giúp nhân vật của anh để lại thiện cảm rất lớn.
Trong khi đó, Lâm Bách Hồng lại hóa thân một Mao Mao đầy cảm xúc, với đôi mắt biết nói dễ chinh phục khán giả. Cùng nhau, cả hai đã thành công tạo ra “chemistry” đầy ăn ý trên màn ảnh, góp phần làm tăng sức thú vị cho câu chuyện minh hôn.
Sách hay về tình yêu: Nghệ thuật yêu của nhà phân tâm học Erich Fromm xuất bản năm 1957. Đến nay, cuốn sách được dịch ra 34 thứ tiếng với hàng triệu bản in. Nó vừa là công trình nghiên cứu lý thuyết, vừa là cuốn sách tâm tình, gợi mở bạn đọc hiểu về bản chất của yêu.