trich-doan-to-anh-nguyet-man-cuoi-ngay-308-1725076159.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=hVOOqBH-4nUX8M6yzAzgMA
Trích đoạn 'Tô Ánh Nguyệt' màn cuối, ngày 30/8

Trích đoạn màn cuối "Tô Ánh Nguyệt" có sự xuất hiện của Minh Vương và Bảo Quốc. Video: Quế Chi

Tối 30/8, trong liveshow Đêm huyền thoại tại nhà hát Bến Thành, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương và Nghệ sĩ Ưu tú Bảo Quốc lần lượt vào vai Minh và cậu Ba Tân ở màn cuối vở cải lương củasoạn giả Trần Hữu Trang. Dù trích đoạn diễn ra cuối chương trình, gần 1.000 khán giả vẫn nán lại đến hơn 0h, khi sân khấu hạ màn.

Từng đóng nhiều lần vai Minh, nghệ sĩ Minh Vương lột tả nỗi đau đáu, ân hận của nhân vật qua ánh mắt, biểu cảm gương mặt. Khi Tâm (Kim Tử Long) - con trai của ông Minh - nhiều lần khinh miệt bà Nguyệt vì cho rằng bà phá vỡ hạnh phúc gia đình mình, Minh Vương thể hiện sự khổ sở của người đàn ông đang lâm bệnh nặng, dằn vặt bản thân vì những sự việc trong quá khứ. Ở tuổi 74, nghệ sĩ giữ nhịp hát ổn định, phối hợp chuyển động hình thể để hoàn thành vai diễn.

Lần đầu thủ vai cậu Ba Tân - em của bà Nguyệt, nghệ sĩ Bảo Quốc hóa thân tự nhiên, đôi lúc lồng thêm một số câu thoại hài hước, nhằm giảm bớt không khí căng thẳng của vở diễn. Hình ảnh cậu Ba Tân buồn bã khi nghe Tâm nói những lời cay đắng về chị ruột của ông khiến nhiều người đồng cảm. Nghệ sĩ còn cho thấy chiều sâu tâm lý ở một số phân cảnh khuyên răn Tâm đừng oán trách Nguyệt.

Ở cảnh hai nhân vật đối thoại về số phận của nữ chính, giọng nói của Minh Vương và Bảo Quốc trở nên trầm lắng, ánh mắt đượm buồn. Hai nghệ sĩ biểu diễn ăn ý trong từng phân đoạn, đồng thời phối hợp một số nghệ sĩ khác như Trinh Trinh, Thoại Miêu, Kim Tử Long, nhằm mang đến những khía cạnh trong đời sống nhân vật.

bao-quoc-minh-vuong-8298-1725077411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=JVpcYbR1V33D90z-jC462g

Ngoài "Tô Ánh Nguyệt", Bảo Quốc (trái) xuất hiện ở trích đoạn "Sông dài" (soạn giả Hà Triều, Hoa Phượng), còn nghệ sĩ Minh Vương thủ vai Cổ Thạch Xuyên trong "Người tình trên chiến trận" (Mộc Linh, Nguyên Thảo). Ảnh: Văn Hà

Nhiều khán giả khen màn kết hợp lần đầu của hai nghệ sĩ trong vở Tô Ánh Nguyệt. Minh Châu, 35 tuổi, TP Thủ Đức, nói xem tác phẩm nhiều lần nhưng lúc nào cũng xúc động với sự ứng biến của Minh Vương. "Ông luôn là tượng đài của cải lương. Tôi bất ngờ vì lần này có thêm Bảo Quốc. Dù cao tuổi, hai người vẫn duyên dáng, giọng hát mượt mà, truyền cảm", khán giả nói.

Thu Cúc, 42 tuổi, TP HCM, cho biết mong đợi màn biểu diễn của nghệ sĩ Bảo Quốc vì tò mò không biết ông sẽ vào vai thế nào. "Năm 2022, tôi bỏ lỡ liveshow kỷ niệm 60 năm làm nghề vì ở nước ngoài không về nước kịp. Tôi ngưỡng mộ khi chứng kiến Bảo Quốc truyền tải đam mê của mình qua vai diễn", khán giả bày tỏ.

b9b94001d20975572c18-172507483-7146-2995-1725077411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=h33NJ7NXZ7u0VZUzZbNsag

Khán giả Trần Toàn, 47 tuổi, quê Đồng Tháp, đưa mẹ - bà Nguyễn Thị Hoàng, 82 tuổi - đến xem các nghệ sĩ biểu diễn, tối 30/8. Ảnh: Quế Chi

Nghệ sĩ Bảo Quốc cho biết phải học thuộc tuồng và tập diễn kỹ lưỡng vì trích đoạn mới mẻ với ông. Dù đóng chung Minh Vương "không biết bao nhiêu lần mà kể", vai cậu Ba Tân khiến Bảo Quốc áp lực bởi đòi hỏi lối tung hứng hài hước, duyên dáng. "Hai người chúng tôi nhìn bên ngoài vậy thôi chứ bên trong rệu rạo cả rồi. Vậy mà mỗi lên sân khấu, không hiểu sao chúng tôi như những chiếc xe chạy mấy chục năm vẫn 'ngon lành' như thường", ông nói trong buổi họp báo hôm 29/7.

khan-gia-den-xem-show-dem-huyen-thoai-toi-308-1725077210.jpg?w=0&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=5jRUaSSSD8rmpk6f8d_Mew
Khán giả đến xem show 'Đêm huyền thoại', tối 30/8

Khán giả đến xem show "Đêm huyền thoại", tối 30/8. Video: Quế Chi

Ngoài Bảo Quốc và Minh Vương, nhiều tên tuổi kinh điển khác tham gia, điển hình là Nghệ sĩ Nhân dân Lệ Thủy. Bà diễn cùng Minh Vương trong vở Người tình trên chiến trận, kể chuyện tình của nhân vật Cổ Thạch Xuyên - A Khắc Thiên Kiều. Tác phẩm này trước đó chỉ được thu âm qua giọng hát của đôi nghệ sĩ Minh Vương - Mỹ Châu và Lệ Thủy - Minh Phụng. Trong vai A Khắc Thiên Kiều, Lệ Thủy nhanh nhẹn, linh hoạt trước mọi tình tiết. Các câu hát đều được bà xử lý khéo léo, trong những đoạn đối đáp hài hước lẫn bi thương.

Liveshow Đêm huyền thoại do "ông bầu" Gia Bảo - cháu nội của nghệ sĩ Bảo Quốc - tổ chức, thuộc chương trình Tài danh đất Việt,nhằm tôn vinh những người góp phần phát triển nghệ thuật dân tộc. Đêm diễn còn có sự góp mặt của nghệ sĩ Ngọc Giàu, Chí Tâm, Trọng Hữu, Thanh Hằng, Hoài Thanh, Thoại Mỹ, Bình Tinh.

Trong hơn bốn tiếng, họ liên tục mang đến các tác phẩm nhiều màu sắc, mang giai điệu truyền thống lẫn hiện đại như trích đoạn Chuyện tình Hàn Mặc Tử (soạn giả Viễn Châu - Thể Hà Vân), tân cổ Tình ấm chiều quê (soạn giả Lâm Hữu Tặng), trích đoạn Quán gấm đầu làng (soạn giả Viễn Châu).

Cuối đêm diễn, các nghệ sĩ cùng ra sân khấu chào khán giả. Họ được đông đảo người hâm mộ vây quanh, chụp hình lưu niệm.

8066002cbb241c7a4535-172507442-7464-3477-1725077411.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=2KTJPXRxSi8Wc0SZBFZHaQ

Khán giả vây quanh nghệ sĩ Lệ Thủy ở cuối đêm diễn. Ảnh: Quế Chi

Nghệ sĩ Minh Vương quê Long An, lên Sài Gòn cùng cha mẹ lập nghiệp từ bé. Mê hát cải lương, ông từng thọ giáo thầy Bảy Trạch, xin làm xách đồ, khuân vác cho các đào kép chính trong đoàn. Sau khi đoạt giải Khôi nguyên vọng cổ năm 14 tuổi, ông bắt đầu đi hát năm 14 tuổi, được bầu Long ở đoàn Kim Chung mời ký hợp đồng.

Năm 1967, Minh Vương bắt đầu hát kép chính, đồng thời kết hợp với loạt giọng ca nữ như Lệ Thủy, Mỹ Châu, Diệu Hiền, từ đó trở thành ngôi sao của đoàn Kim Chung thời bấy giờ. Năm 1971, tên tuổi của Minh Vương thực sự tỏa sáng khi được mời thu thanh, với các đĩa Người tình trên chiến trận, Đường gươm Nguyên Bá, Đêm lạnh chùa hoang, Tiêu Anh Phụng, Tái sanh duyên, Đời cô Hạnh và nhiều bài tân cổ như Bánh bông lan, Vườn tao ngộ, Yêu lầm, Phút cuối, Biển tình. Theo đạo diễn Ngọc Giàu, nhiều vai diễn của Minh Vương đến nay trở thành chuẩn mực, chưa tìm được lớp kế cận thay thế.

Nghệ sĩ Bảo Quốc, quê Tây Ninh, là con thứ sáu trong gia đình có 10 người con. Cha ông là Lư Hòa Nghĩa, nghệ danh Năm Nghĩa - một nghệ sĩ cải lương có tiếng tại miền Nam thời bấy giờ. Mẹ ông là Nguyễn Thị Thơ - tức "bầu Thơ" chủ đoàn cải lương Thanh Minh - một trong năm đoàn hát nổi tiếng nhất Sài Gòn từ những năm 1950 đến 1972. Ông có nhiều vai diễn ghi tên tuổi như Chương Hầu trong Tiếng trống Mê Linh, Bùi Kiệm của Kiều Nguyệt Nga, Hai Xiên trong vở Bàn thờ Tổ một cô đào, Y "xì ke" trong Bóng tối và ánh sáng. Ông được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú năm 1991. Thập niên 2000, ông cùng người thân sang Mỹ định cư, tiếp tục theo đuổi sân khấu.

Quế Chi

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022