Nghệ sĩ Diễm Lộc mặc chiếc áo hoa mới, được con chở tới Nhà hát Lớn Hà Nội dự lễ. Nhìn thấy NSND Mạnh Tường, bà cười nói: "Lâu lắm không gặp, ông có khỏe không?". Bà cho biết trước đây thi thoảng gặp gỡ các đồng nghiệp tại một số chương trình của nhà hát hay hội nghệ sĩ nhưng do dịch, từ đầu năm đến nay, người già hạn chế ra ngoài, bà không được gặp mọi người. "Nhìn thấy các bạn già, bao nhiêu kỷ niệm thời còn lăn lộn trên sân khấu lại ùa về. Nhưng bây giờ dịch bệnh, tuổi thì cao, chả biết rồi chúng tôi còn gặp nhau được mấy bận", bà nói rồi quay sang nghệ sĩ Lê Mai hỏi "Lần sau còn đủ mấy người chúng ta không bà nhỉ?".
NSND Diễm Lộc (giữa) bên NSND Mạnh Tường (trái) và NSND Văn Mởn của Đoàn Chèo Thái Bình. Ảnh: Hoàng Huế.
Các nghệ sĩ gạo cội như Diễm Lộc, Lê Mai, Doãn Hoàng Giang, Thanh Hằng... xem lễ giỗ tổ là dịp gặp bạn cũ, ôn lại kỷ niệm thời làm nghề. Đạo diễn Doãn Hoàng Giang được nghệ sĩ Xuân Bắc, Minh Hiếu dìu vào trong hội trường. Đi đến đâu ông cũng được mọi người xin chụp ảnh cùng, nhiều đến nỗi ông đùa vui: "Chụp gì mà chụp lắm thế. Nhớ phải chụp cho đẹp đấy". Ông nói dịp này khiến ông nhớ sân khấu hơn bao giờ hết. Ông kể: "Lúc còn khỏe, tôi làm như điên, có lúc 'cày' đến 4-5 vở. Trong đầu lúc nào cũng háo hức, đầy ắp ý tưởng sáng tạo". Vài năm nay, sức khỏe kém đi, đạo diễn ít hoạt động. Tuy nhiên, khi nhiều đạo diễn trẻ tìm đến nhờ cố vấn, ông vẫn nhiệt tình chỉ dạy.
* Nghệ sĩ dự lễ Giỗ tổ Sân khấu Dân tộc
Phát triển sân khấu là mối quan tâm được nhiều nghệ sĩ đề cập trong sự kiện. NSND Lê Tiến Thọ cho rằng sân khấu hiện nay cần phải tìm hướng đi mới để không bị khán giả quên lãng. Ông nói: "Hiện có quá nhiều phương tiện giải trí khác nhau, nên nếu không đầu tư về chất lượng, các vở diễn khó có thể kéo khán giả bỏ tiền mua vé. Đặc biệt, trong thời dịch, các đơn vị càng phải tìm tòi nội dung phong phú, bắt nhịp thời đại để trở mình. Tôi mong mỗi kỳ giỗ tổ, sân khấu có thành tích mới, cuộc sống của nghệ sĩ cũng theo đó tốt hơn".
Các nghệ sĩ thực hiện nghi lễ giỗ tổ. Ảnh: Đỗ Trung Tiến.
Ảnh hưởng bởi Covid-19, các hoạt động biểu diễn dừng từ đầu năm, một số nhà hát đóng cửa khiến nhiều nghệ sĩ không có thu nhập. Nhưng NSND Thúy Mùi - Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - cho rằng với sự quyết tâm của các nhà hát, nghệ sĩ, nghệ thuật biểu diễn sẽ chuyển mình để thích ứng hoàn cảnh. Bà dẫn chứng nhiều đơn vị đã tổ chức diễn online phục vụ khán giả, đồng thời tuyên truyền phòng, chống dịch. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dành tặng 200 phần quà cho các nghệ sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Giỗ tổ Sân khấu dân tộc lần thứ 11 được tổ chức với quy mô lớn nhằm tôn vinh tổ nghề cũng như những người trong ngành nhân Ngày Sân khấu Việt Nam (12/8 âm lịch). Lễ tế tổ do NSND Lê Tiến Thọ điều hành, nhằm tri ân tổ sư, những bậc tiền bối đã có công khai phá các bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc. Phần biểu diễn nghệ thuật do Xuân Bắc dẫn dắt với các tiết mục: Tri ân Tổ nghiệp anh linh (Nhà hát Chèo Thái Bình), Âm vang núi rừng (Nhà hát Múa rối Việt Nam), Tiếng tơ lòng theo điệu Lưu - Bình - Kim (Nhà hát Cải lương Việt Nam), bài hát Chèo theo điêu luyện năm cung (nghệ sĩ Tự Long trình diễn).
Các nghệ sĩ trên sân khấu nhận "Giải thưởng sân khấu năm 2019". Ảnh: Đỗ Trung Tiến.
Ban tổ chức trao Giải thưởng sân khấu năm 2019:
Kịch bản xuất sắc: - Giải A: không có - Giải B: Vương quyền (Bích Ngân), Gian hùng hay thiên mệnh (Hoàng Thanh Du), Người là anh Văn (Vũ Xuân Cái), Kẻ trộm (Lê Quý Hiền), Quyền lực nhóm ( Thiều Hạnh Nguyên), Ngày ấy cổng trời (Nguyễn Kháng Chiến)
Vở diễn xuất sắc: - Giải xuất sắc: Thân phận nàng Kiều - Nhà hát Múa rối Việt Nam - Giải A: Điều còn lại - Nhà hát Chèo Hà Nội, Trọn nghĩa non sông - Nhà hát Chèo Thái Bình, Nhân Huệ Vương - Nhà hát Tuồng Việt Nam, Còn mãi với thời gian - Nhà hát Kịch Việt Nam - Giải B: Hà Thành chính khí - Nhà hát Kịch Hà Nội, Công lý không gục ngã - Nhà hát Chèo Quân đội, Hoạn lộ - Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Vì sao lạc xứ - Nhà hát Cải lương Việt Nam, Bình minh trên đỉnh Pa Rút - Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định, Hừng đông - Trung tâm Bảo tồn và phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ, Diều ơi - Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ, Hà Nội của những giấc mơ - Liên đoàn Xiếc Việt Nam
Sách Nghiên cứu Lý luận – Phê bình - Giải A: Thi pháp Chèo cổ - PGS, TS Trần Trí Trắc - Giải B: Dân ca xứ Nghệ và Sân khấu hóa Dân ca - Đặng Thanh Lưu
Đạo diễn xuất sắc: NSND Nguyễn Tiến Dũng - vở Thân phận nàng Kiều (Nhà hát múa rối Việt Nam)
Diễn viên kịch nói xuất sắc: Phạm Tiến Lộc vai Hoàng Diệu trong Hà thành chính khí (Nhà hát Kịch Hà Nội), NSƯT Phương Nga vai bà Muộn trong Điều còn lại (Nhà hát Kịch Việt Nam)
Diễn viên cải lương xuất sắc: Nguyễn Văn Đáng vai Hồ Nguyên Trừng trong Vì sao lạc xứ (Nhà hát Cải lương Việt Nam), Thiên Hương vai Triệu Trinh Nương trong Truyền thuyết Triệu Trinh Nương (Nhà hát Cải lương Việt Nam)
Diễn viên tuồng xuất sắc: NSƯT Phan Quang vai Lê Đại Cang vở Hoạn lộ (Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh), NSƯT Lộc Huyền vai nàng Phận trong Trung Thần (Nhà hát Tuồng Việt Nam)
Diễn viên chèo xuất sắc: NSƯT Trâm Anh vai Nguyễn Trãi trong Trọn nghĩa non sông (Nhà hát Chèo Thái Bình), nghệ sĩ Quỳnh Sơn vai Thị Trinh vở Bên nước ngũ Bồ (Nhà hát Chèo Quân đội).
Diễn viên dân ca xuất sắc: Thuỳ Dung vai K’Lai vở Bình minh trên đỉnh Pa rút (Đoàn Ca kịch Bài chòi Bình Định), Hồ Minh Thông vai Phan Đăng Lưu vở Hừng đông (Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ)
Hoạ sĩ xuất sắc: NSƯT Nguyễn Đạt Tăng vở Điều còn lại (Nhà hát Chèo Hà Nội)
Hiểu Nhân