1. Buổi sáng thứ ba. Đã gần 40 ngày vật vã, Sài Gòn trải qua mấy đợt giãn cách. Tôi ngồi nhìn ra hàng hiên, hoa mười giờ nở trong nắng sớm. Chợt nghe vút lên giọng của Phượng quyện lẫn trong tiếng đàn của người cha: “Màu nắng hay là màu mắt em, mùa thu mưa bay cho tay mềm… Rồi có hôm nào mây bay lên…”. Cảm giác rất lạ. Như thấy lại mùa hè nào đó gót giày của Trịnh còn in trên hè phố, trong bóng nắng qua hàng me lốm đốm, giờ đã miên man xa lắm!
Quán Ba Miền trên đường Phạm Ngọc Thạch, một đêm tôi và bạn bè ngồi cùng nhau. Vài ba đồng nghiệp lớn tuổi, đã từng hoạt động văn nghệ trước năm 1975 với ly rượu trên tay bỗng dưng nổi hứng cất giọng nhè nhẹ. Thoáng ngoảnh mặt nhìn lại, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đề nghị nhập bọn, để hát và nâng ly. Rồi say. Mới đó mà đã vụt qua hơn 20 năm!
Và bây giờ, tôi gặp lại những hồi ức ấy qua giọng của cô ca sĩ trẻ Nguyễn Tuyết Phượng. Không ồn ào phòng trà, không rộn ràng trước đám đông, Phượng lặng lẽ hát với một chất giọng nội lực ít có, cảm nhận có lẽ như trời ban để chuyển tải nhạc Trịnh, một dòng nhạc giản dị nhưng thấm đẫm phận người. Guitar mộc của ba, đã dìu giọng hát của con qua Nắng thủy tinh, Tuổi đá buồn, Ru tình… Rồi xốc dậy rào rạt những ẩn ức muôn kiếp một thời chiến tranh với Đại bác ru đêm, Người con gái Việt Nam da vàng, Ta thấy gì đêm nay…
Có bản Phượng chỉ hát một lời, dường như để dành cho người nghe nuối tiếc, khi lời 2 của bản nhạc vẫn lửng lơ. Vì vậy, những bản mà Phượng post lên, vài bản chỉ khoảng 2-3 phút. Nhưng trong cái thinh không của buổi sáng êm đềm không tiếng vọng của mùa giãn cách, tôi nghe và ngẫm, để cùng “sống” một đời sống nội tâm rất mực phiêu du với Trịnh, từ lúc rời cao nguyên Blao xứ trà, về với Sài Gòn ngổn ngang đầy sắc lính trận thuở nào!
Nữ ca sĩ trẻ Nguyễn Tuyết Phượng ẢNH: NVCC |
2. Chút ngại ngần, nhưng rồi tôi tìm và thấy được vài dòng của Phượng đề dẫn khi post bản Nắng thủy tinh của Trịnh trên trang cá nhân, ngày 24.6: “Sau những ngày mưa sẽ là những ngày nắng, chúng ta luôn có quyền hi vọng về những điều tốt đẹp nhất ở phía trước. Hè này, phải ở nhà thường xuyên hơn, không được đi chơi, la cà nữa nhưng bù lại chúng ta sẽ có thêm thời gian dành cho gia đình, người thân và đặc biệt là dành cho bản thân mình nhiều hơn”. Với bản Gọi tên bốn mùa, hát với hậu cảnh là một con thác nhấp nhô ghềnh đá, tung bọt nước trắng xóa, giọng vút cao đoạn điệp khúc “Rồi mùa xuân không về, mùa thu cũng ra đi, mùa đông vời vợi, mùa hạ khói mây…”, Phượng viết: Một buổi sáng trời mây nhiều ở Lạc Dương, Phượng vừa mới cất lời: "Em đứng lên gọi mưa vào hạ”. Thế là mưa xuống thật, bay bay thôi chứ không nặng hạt. “Từng cơn mưa, từng cơn mưa. Từng cơn mưa, mưa thì thầm dưới chân ngà”. Bản post ngày 22.6, có lẽ lúc ấy là ở một góc nào đó của cao nguyên Langbiang!
Những bản cover của Phượng và ba đủ để vừa hết một cốc cà phê buổi sáng. Nghe như trong khoảnh khắc cất giọng ấy, Phượng (mà lúc viết đến đoạn này tôi vẫn không biết tuổi đời là bao nhiêu) nhập tâm rất “nhuyễn” và “thấm”. Không gian đơn sơ, hai tấm rèm che thỉnh thoảng lay động, nhưng màu áo dài đi liền với mỗi bản nhạc của nữ ca sĩ lại như cất tiếng nói, rất hợp với vẻ thanh thoát của một người yêu nhạc Trịnh hồn hậu. Bất giác, tôi nghĩ Trịnh đã có một thời du ca, có thể nhạc của ông những lúc ấy có vài bản “bụi” một chút với ca sĩ quần jean áo pull. Nhưng nhìn toàn cảnh nhạc của ông, hơi khắt khe, tôi thấy hợp với những tà áo dài. Với guitar mộc mạc đơn giản!
Từ đó, ngẫm lại mới biết để nhạc Trịnh hay, có lẽ chỉ thấm với kiểu phối như vậy, hơn lúc dùng… quyền trợ giúp của dàn âm thanh điện tử. Và cũng vì vậy, áo dài Việt và giọng nữ ca sĩ Việt chưa bao giờ “lạc tone” với nhạc Trịnh, vốn chứa đựng tình người bao dung và viết cho thân phận một thời, trên dải đất hình chữ S này.
Tuyết Phượng và ba đàn guitar trong những buổi tự ghi hình, thu âm nhạc Trịnh ẢNH: NVCC |
3. Đúng 12 giờ trưa, tôi nhận được câu trả lời qua messenger của Phượng. Tình cờ, Sài Gòn lại đổ mưa. Mùa này, từ trưa qua chiều như vốn vậy, tự dưng nghĩ rằng những cơn mưa da diết ấy từng một thời đi qua đời Trịnh, để “đậu” vào trong những nét nhạc tài hoa của ông.
Trong những câu trả lời phỏng vấn qua e-mail sau đó, tầm hơn 12 giờ khuya, Phượng viết: “Sự rung cảm và xúc động của Phượng khi hát nhạc Trịnh, được tạo ra từ việc hiểu cái đẹp trong ca từ và giai điệu ông viết. Cái đẹp đó được tạo ra từ cách sống đẹp của ông. Ông nói “chữ mọc từ ngón tay ra”. Phượng nghĩ để chữ “mọc” được vậy, thì ông đã vun trồng những hạt giống của quan sát, chiêm nghiệm, cảm thông về thân phận con người và tình yêu trong tâm hồn ông mỗi ngày”.
Rồi trong sự trải lòng miên man, cô ca sĩ trẻ nói rằng, có lúc bơi ra biển, nằm ngửa trên mặt nước ngắm trời xanh của Nha Trang, lại nhớ đến một đoạn trong bản Bốn mùa thay lá, nghĩ rằng nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã dùng chữ “đòi” rất “đắt”: “Đêm chờ ánh sáng, mưa đòi cơn nắng. Mặt trời lấp lánh trên cao vừa xa vừa gần…”. Đó chỉ là một trong rất nhiều cách dùng từ bất ngờ, lung linh hiển hiện trong ca từ của Trịnh, đã khiến Phượng thích thú khi biết đến nhạc của ông. Từ thuở thiếu thời, rồi mỗi ngày một lớn dần, nhạc Trịnh đã “vô tình” lặn vào cô thiếu nữ, để rồi khi cất tiếng hát, “thấy “nổi da gà” vì không hiểu sao ông có thể nghĩ ra được chữ này đặt ở đây”, như cô bày tỏ.
… Thường những lúc lang thang trên các con phố Sài Gòn, tôi vẫn cho rằng, khi viết bản Em còn nhớ hay em đã quên, Trịnh đã tìm một cách kể chuyện, thì thầm để những ai đi xa nhớ về thành phố này, gửi gắm trong đó những nét đặc thù gần gũi của một Sài Gòn khó lẫn. Vì thế, giữa mùa dịch giã ở thành phố phương Nam này, bất chợt khi nghe Phượng hát bản nhạc ấy với chất giọng như một sự thủ thỉ trải lòng, tôi đã gặp tôi và bạn bè trong những ngày mưa nắng đã qua.
“Bản nhạc này mình thích, nghe rất Sài Gòn. Hẳn ai xa Sài Gòn nghe bài này nhớ lắm, đặc biệt những cô chú anh chị sống thời đó. Giờ mình cũng đang xa Sài Gòn, lâu lâu lại nhớ “Sài Gòn mưa rồi chợt nắng…”, Phượng viết vậy.
Trong những ngày oằn mình với dịch bệnh, ngồi giữa thành phố vắng lặng, nghe một giọng ca nữ rất mới, không cần trau chuốt, “hát một cách “thơ” nhất có thể” như lời cô nói. Chợt nghĩ, Phượng cũng như một số giọng hát trẻ khác, vẫn luôn đau đáu và tự tin tiếp nối với một suy nghĩ… dễ thương: “Trong số các giọng hát trẻ gần đây hát nhạc Trịnh, Phượng thích nhất chị Hoàng Trang. Vì giọng chị Trang rất hào sảng, hát rất ra chất những bản nhạc phản chiến của nhạc sĩ. Dù thế nào đi nữa, Phượng nghĩ đó cũng là cách mà nhạc Trịnh “sống”, hễ còn người hát là nhạc ông “còn sống”. Để rồi, nhạc Trịnh và tình yêu trong ông mãi được “gió cuốn đi”!".
Và, có lẽ không chỉ tôi, mà nhiều người rất mừng vì điều đó!