Khán giả yêu phim Việt đang đổ dồn sự chú ý về Liên hoan phim Châu Á Đà Nẵng lần 2 (DANAFF II), nơi quy tụ những nhà làm phim và các ngôi sao hàng đầu của nước nhà. Bên cạnh những buổi công chiếu phim và hoạt động tranh giải thưởng, ban tổ chức cũng chủ trì chuỗi các buổi hội thảo, bàn tròn chuyên môn về sự phát triển của nền điện ảnh nước nhà. Trong đó, hiện trạng phần lớn số phim Việt ra rạp năm nay đều rơi vào tình cảnh lỗ nặng, phải rời rạp sớm trong ê chề được nhiều đạo diễn, nhà sản xuất quan tâm, trao đổi.

mai-9579png-17200885862001576707271.jpeg
photo-1-17200884566521981902563.jpg

Ngoài Lý Hải và Trấn Thành, hầu hết các bộ phim Việt từ đầu năm hầu hết đều rơi vào tình trạng thua lỗ.

Trả lời chúng tôi về chủ đề này, đạo diễn Phi Tiến Sơn - người mới tạo cơn sốt phòng vé với dự án Đào, Phở Và Piano hồi đầu năm - chia sẻ: "Cái sóng mà một số bộ phim của chúng ta tạo ra trong dòng chảy của thị trường rạp chiếu hiện nay vẫn còn thất thường, không bền vững. Có những phim tạo sóng lớn nhưng cũng có nhiều dự án đắm chìm rất nhanh. Trên thực tế, một bộ phim tại nước ta có khoảng 3 triệu khán giả đã được coi là kỳ tích. Nhưng đó chưa có gì ghê gớm với một đất nước 100 triệu dân. Hệ thống chiếu bóng của chúng ta cũng chưa phổ cập đủ rộng".

dsc4974-1720086955634977933853.jpg

Ông Phi Tiến Sơn - đạo diễn Đào, Phở Và Piano - cho rằng thị trường điện ảnh Việt chưa bền vững.

Trong năm qua, thị trường chiếu bóng tại Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh. Theo số liệu thống kê của The Box Office Vietnam (có thể sai số từ 5% đến 10% tùy phim), tính riêng 6 tháng đầu năm, doanh thu phim Việt vượt mốc 1.500 tỷ đồng. Trong đó, 3 dự án đã vượt mốc trăm tỷ gồm Mai, Lật Mặt 7: Một Điều ƯớcGặp Lại Chị Bầu. Trong số này, 2 đạo diễn Lý Hải và Trấn Thành đã chiếm tới hơn 2/3. Số phim còn lại hầu hết đều gặp thất bại thê thảm khi ra rạp, phải kể đến Trà (1,6 tỷ), Sáng Đèn (3,4 tỷ), Quý Cô Thừa Kế 2 (6,4 tỷ), B4S - Trước Giờ Yêu (3,8 tỷ), Án Mạng Lầu 4 (1,9 tỷ). Thất bại thê thảm nhất chính là Đóa Hoa Mong Manh của đạo diễn Mai Thu Huyền với doanh thu chỉ vỏn vẹn 430 triệu đồng.

Nhìn nhận về thị trường, đạo diễn Đào, Phở Và Piano cho rằng hiện các tác phẩm ra rạp hiện nay chỉ nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của công chúng. Ông nói thêm: "Ngoài nhu cầu giải trí, khán giả còn nhiều nhu cầu khác như giáo dục, tìm hiểu thế giới xung quanh. Nếu chúng ta chỉ tính đến dòng phim giải trí, đến lúc nào đó hết trò hết chiêu, những cơn sóng lại chìm xuống. Đó là sự phát triển không bền vững. Nếu nghĩ khán giả ra rạp chỉ để giải trí thôi, các nhà làm phim đang coi thường khán giả. Nhiều người còn có những nhu cầu cao hơn. Và nếu các nhà làm phim vượt qua được nhu cầu giải trí thì điện ảnh mới có thể phát triển bền vững".

dsc4983-17200870192471833468725.jpg

Nhà sản xuất Hoàng Quân.

Theo nhà sản xuất Hoàng Quân - người đứng sau nhiều tác phẩm kinh dị ăn khách như Kẻ Ăn Hồn, Chuyện Ma Gần Nhà, hiện trạng phim chỉ có thể thắng đậm hoặc lỗ nặng phần nào cho thấy sự thay đổi thói quen của người xem. Anh cho rằng thị trường hiện tiềm năng vì sở hữu một nhóm khán giả đông đảo sẵn sàng mua vé ra rạp. Tuy nhiên, nếu cảm thấy bộ phim đáp ứng được nhu cầu của mình, khán giả sẽ lập tức quay lưng, từ chối xem thay vì có thể thử mua vé trải nghiệm như trước.

Anh nêu ý kiến: "Khán giả đang gửi tới giới làm phim một thông điệp quan trọng. Tôi nhận thấy khán giả Việt Nam đang có một sự trưởng thành trong việc lựa chọn xem phim. Có thể, họ không tìm hiểu thông tin về dự án đó nhưng nhìn thấy xu hướng của thị trường. Hiện trạng này khá giống với Hàn Quốc cách đây 20 năm. Người ta rất khắt khe với việc đưa ra quyết định mua vé ra rạp. Họ có thể sẽ xem bộ phim này và không xem bộ phim khác.

Đồng thời, tình hình kinh tế hiện khó khăn. Khi khá giả chi tiền xem phim của mình là chọn giữa các tác phẩm khác, kể cả những phim quốc tế, bom tấn, đến từ thị trường nổi tiếng. Người làm phim phải rất cẩn trọng vì không có cơ hội làm lại. Chúng tôi luôn mang tâm thế đó khi sản xuất tất cả tác phẩm của mình. Trộm vía, phim nhà ProductionQ vẫn đang được khán giả đón nhận. Điều đó mang đến dấu hiệu rằng chúng tôi đang đi đúng hướng, bắt được nhịp của thị trường và hiểu được mong đợi của khán giả".

dsc4695-17200874491011740499066.jpg

PGS.TS Ngô Phương Lan.

Trước đó, trong buổi bàn tròn Chia sẻ kinh nghiệm kết nối các liên hoan phim bờ biển chiều 3/7, TS. Ngô Phương Lan - giám đốc DANAFF II - cho rằng điện ảnh Việt Nam vẫn phụ thuộc phim nhập. Hiện nay, có hơn 500 hãng phim sở hữu giấy phép hoạt động nhưng mỗi năm điện ảnh Việt chỉ cho ra đời khoảng 30 - 40 tác phẩm. "Việt Nam vẫn chưa phải là một nền điện ảnh phát triển. Năm vừa qua có các phim ăn khách như Mai, Lật Mặt 7: Một Điều Ước đã nâng thị phần điện ảnh Việt Nam lên 40%. Trước đó luôn dưới 30%. Nói chung thị trường điện ảnh vẫn đang phụ thuộc nhiều vào phim nhập".

https://kenh14.vn/neu-nghi-ra-rap-chi-de-giai-tri-cac-nha-lam-phim-dang-coi-thuong-khan-gia-viet-20240704172840794.chn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022