Đầu tháng 10, Mỹ Uyên có cuộc gặp gỡ báo chí nhân dự án kịch ngắn cho Nhà hát 5B Võ Văn Tần. Bà "bầu" xúc động khi thấy sân khấu sáng đèn, khang trang hơn sau thời gian đóng băng vì dịch. Hơn hai năm tiếp quản vị trí giám đốc 5B - cái nôi của kịch nói TP HCM, có những lúc, chị nản chí, muốn buông xuôi vì một mình gồng gánh sàn diễn.
Mỹ Uyên trong dịp giỗ tổ sân khấu 5B cuối tháng 9. Ảnh: Mai Nhật.
Chị cho biết: "Hiện tôi vẫn ở thuê căn hộ vì giấy tờ nhà phố đã đem cầm hết cho ngân hàng". Tết vừa qua, chị cầm sổ đỏ để có 400 triệu đồng đầu tư các vở. Mới công diễn vài ngày, chị và dàn diễn viên hoang mang khi khán giả liên tiếp đòi hủy vé vì dịch. Thường dịp Tết, sân khấu kịch đông vui đến tận mùng 10, song mới mùng năm, mùng sáu, 5B đã đìu hiu. Sân khấu diễn cầm chừng đến khi đóng cửa suốt hai tháng do dịch bùng phát. Đợt dịch thứ hai hồi tháng 7, chị chỉ bán khoảng 30 vé mỗi đêm để đảm bảo an toàn giãn cách xã hội. Thu không đủ chi, chị phải lấy tiền túi trả thù lao cho các nghệ sĩ, nhân viên hậu đài. Hai năm qua, Mỹ Uyên bỏ ra gần một tỷ đồng cho các tác phẩm nhưng chưa thu lời.
Giữa năm 2018, khi 5B mở cửa trở lại, nơi đây còn đóng lớp bụi dày, mạng nhện giăng đầy. Cơ sở vật chất đều xuống cấp, nhà dột, mái tôn tốc vì lâu không tu sửa. Là đơn vị trực thuộc Hội sân khấu TP HCM, 5B hoạt động theo mô hình xã hội hóa nên tự thu chi. Mỹ Uyên khi ấy bỏ ra 800 triệu đồng để mua dàn âm thanh, ánh sáng lẫn máy lạnh, gia cố lại hành lang, lối đi, toilet. Cùng nhiều cộng sự như nghệ sĩ Hữu Quốc, Quốc Thịnh, Chánh Trực, biên kịch Vương Huyền Cơ..., chị từng bước gây dựng sân khấu trở lại.
Mỹ Uyên kể chuyện cầm giấy tờ nhà bù lỗ sân khấu, trả công cho diễn viên. Video: Mai Nhật.
Bà "bầu" nói, dù không ai ràng buộc, chị không nỡ bỏ sân khấu. Nơi đây là cả thanh xuân chị gắn bó từ những năm 2000, cùng các gương mặt cạo cội như cố nghệ sĩ Thanh Hoàng, Việt Anh, Công Ninh... vun đắp mỗi ngày, mong điểm diễn luôn sáng đèn. Đến nay, nhiều nghệ sĩ trẻ vẫn thường nói với Mỹ Uyên họ tự hào là diễn viên 5B, dù thu nhập không đáng kể so với việc ghi hình game show, đóng phim... "Nhìn khuôn mặt rạng rỡ của các anh em hậu đài mỗi khi khán giả đông đúc, tôi hiểu cần kiên trì bám trụ nơi này", chị nói.
Dự án kịch hài mới là thử nghiệm của Mỹ Uyên nhằm thu hút khán giả cho 5B. Chị dự định dựng chùm hài kịch gồm bốn vở ngắn, mỗi tiểu phẩm dài 30-45 phút, tổng thời lượng mỗi đêm khoảng hai tiếng, diễn thứ 5 hàng tuần, bắt đầu từ cuối tháng 10. Mỹ Uyên nhớ những năm giữa thập niên 1990, trào lưu diễn tấu hài được ưa chuộng tại TP HCM. Hàng tối, chị cùng các nhóm nghệ sĩ Hoàng Sơn, Quốc Nam đến các tụ điểm ở công viên Gia Định, Phú Lâm... diễn hài, mỗi nơi chị nhận được khoảng 120 nghìn đồng - số tiền lớn với một sinh viên mới ra trường. Từ mô hình này, nhiều nhóm hài nổi lên, tạo dựng tên tuổi. 10 năm gần đây, phong trào tấu hài ngoài trời dần biến mất vì sự lên ngôi của game show.
Nhiều năm làm "bầu", Mỹ Uyên nhận ra khán giả vẫn thích nhất xem hài, nhất là các tiểu phẩm ý nhị, nhân văn. "Khác với hình thức tấu hài cũ - diễn viên chỉ lên sân khấu đốp chát lại, chúng tôi tập trung viết những kịch bản lớp lang, tiếng cười thư giãn nhưng vẫn mang đậm màu sắc 5B, thay vì dựng các vở để khán giả cười xề xòa, vui đó rồi quên đó", chị nói. Nhiều gương mặt cộng tác với chương trình như đạo diễn Chánh Trực, soạn giả Vương Huyền Cơ, soạn giả Tô Thiên Kiều, đạo diễn - diễn viên Quốc Thịnh...
Từ phải qua: diễn viên Quốc Thịnh, soạn giả Tô Thiên Kiều, nghệ sĩ Mỹ Uyên, soạn giả Tuyết Mai. Ảnh: Quang Huy.
Sân khấu cũng giới thiệu chương trình kịch thiếu nhi sáng thứ bảy hàng tuần, mỗi vở dài hơn một tiếng, dựng theo thể loại kịch cổ tích, dân gian, ngụ ngôn hiện đại... Theo chị, nhiều phụ huynh muốn tìm nơi giải trí cho con để các bé giảm sử dụng smartphone, song thành phố còn chưa có nhiều sân chơi nghệ thuật cho khán giả nhí. Ngoài tổ chức các vở diễn, chị còn xem đây là nơi đào tạo các diễn viên nhí. Hai vở đầu - Sự tích bánh chưng bánh dày, Vương quốc những người xấu xí (tác giả Vương Huyền Cơ) - ra mắt vào đầu tháng 11.
Ngoài hai dự án mới, 5B vẫn duy trì lịch diễn kịch dài hàng tuần với hai vở mới đang được dựng là: Công lý như mặt trời (ra mắt ngày 16/10) - vở kịch giả tưởng đả kích thói tham lam của quan chức, và Chạy (ra mắt cuối tháng 11) - kịch bản đoạt giải A tại Trại sáng tác Hội Nghệ sĩ Sân khấu TP HCM 2019.
Nhà hát 5B Võ Văn Tần được thành lập từ năm 1997, tiền thân là Câu lạc bộ Sân Khấu Thể Nghiệm được thành lập từ ngày 1/8/1984. Đây là đơn vị kịch xã hội hóa, tự thu chi, không sống bằng ngân sách nhà nước đầu tiên của cả nước. Đơn vị này dàn dựng và biểu diễn hơn 100 vở kịch trong, ngoài nước, trong đó có nhiều vở diễn đoạt các giải thưởng của Hội Sân khấu Việt Nam. Đặc điểm của Sân khấu 5B Võ Văn Tần là diễn viên diễn không cần dùng micro. Trong không gian nhỏ, khán giả ngồi quanh bục diễn. Điều này giúp 5B rút ngắn khoảng cách giữa diễn viên và người xem, tạo cho tác phẩm không khí gần gũi, cảm xúc.
Nghệ sĩ Công Ninh trong vở "Những giấc mơ lóng lánh" của sân khấu 5B. Video: Mai Nhật.
Mai Nhật