Đầu năm 2025, tôi nhận được thông tin chi tiết về phát hiện mới ở Thanh Hóa. Người dân phát hiện một chiếc thạp đồng có dòng minh văn sắc nét bằng chữ Hán vào khoảng năm 100 sau Công nguyên. Đây là một nguồn tài liệu rất giá trị để chúng ta tiếp cận những vấn đề ngôn ngữ, văn tự của một giai đoạn bản lề quan trọng trong lịch sử Việt Nam…

1. Tôi có điều kiện lần đầu tiên đọc và nghiên cứu minh văn trên đồ đồng Đông Sơn từ 2002. Đó là khi nhận được lời mời từ Bảo tàng Barbier-Mueller ở Geneva (Thụy Sĩ) đến thăm và làm việc với sưu tập đồ đồng Đông Sơn do bảo tàng mới nhận chuyển nhượng từ một gallery của Pháp. Trong số hàng trăm hiện vật, tôi đặc biệt chú ý đến những chiếc thạp đồng lớn, trang trí đẹp và có khắc minh văn chữ Hán trên phần diềm sát đai miệng.

Có hai chiếc thạp như vậy. Một chiếc có ba chữ lớn, chiếc kia có 16 chữ. Bảo tàng đã từng nhờ một chuyên gia Hán học ở Paris đọc thử, sau đó chuyển để tôi nghiên cứu. Tôi đã từng giới thiệu nhiều lần minh văn thạp này, gắn với sự liên quan đến chủ nhân đầu tiên là Triệu Đà - hoàng đế nước Nam Việt từ cuối thế kỷ 3 trước Công nguyên, ở cả hai hội nghị quốc tế chuyên đề về văn hóa Hán họp tại Quảng Châu 2008 và Urumqi (Tân Cương, Trung Quốc) 2012 và trên tạp chí Khảo cổ học, 2005.

Nắp thạp có quai và hoa văn bích bốn cánh cùng ba khối tượng cừu nằm quỳ, phân bố đều trên vành ngoài hoa bích (hình trái) và đặc tả dòng minh văn 16 chữ ở diềm chân thân thạp

Thực ra, nhận biết có các chữ Hán khắc trên các đồ đồng Đông Sơn đã được các học giả nước ngoài thời Pháp như Goloubev, Janse… lưu tâm. Cuối thế kỷ 20, giáo sư Hà Văn Tấn còn lưu ý đến những minh văn tượng hình tứ giác khác Hán trên qua đồng Đông Sơn và giới học thuật trong, ngoài nước rộ lên khi phát hiện dòng minh văn chữ Hán trong vành chân trống Cổ Loa năm 1982.

Đầu thế kỷ 21, cuộc trưng bày văn minh Việt cổ tại Mỹ đã có dịch và giới thiệu dòng minh văn trên viền miệng chiếc bình đồng được cho là do EFEO (Viện Viễn Đông Bác cổ Pháp) phát hiện trong một mộ gạch Đông Hán ở Thuận Thành (Bắc Ninh) từ đầu thế kỷ 20. Hiện vật này thuộc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam.

Tôi đã vào kho bảo tàng để nghiên cứu trực tiếp và đính chính lại rằng đó là một bình đồng cổ thời Tần-Tây Hán, được dùng về sau và dòng minh văn ghi địa danh Luy Lâu, tên là bình "Vạn Tuế" kèm theo các đơn vị đo lường về sức chứa của chiếc bình tương ứng một "thạch" (25 lít) đương thời. Sau đó, tôi trở lại kho của Bảo tàng Hà Nội, nơi tàng trữ bản gốc trống đồng Cổ Loa để chụp và rập dòng minh văn khắc bên trong vành chân đế trống. Phối hợp với bài viết vừa công bố của một chuyên gia Nhật, tôi đã đính chính lại cách đọc dòng minh văn này với địa danh đầu tiên là Tây Vu.

Cũng khoảng thời gian đó tôi được giới thiệu một chiếc trống đồng vừa xuất lộ ở Trạch Bái (Mỹ Đức, Hà Nội) còn lưu giữ rất nguyên vẹn dòng minh văn bên trong vành chân trống. Minh văn ghi rõ trống tên "Phú" (danh viết Phú). Hai chữ ghi đầu tiên thường chỉ địa danh hay tên chủ nhân mà tôi đọc là hai chữ "Cửu Chân" viết theo lối cổ. Tôi đã gộp bốn hiện vật có minh văn này thành một bài viết trình bày và thảo luận tại Hội nghị quốc tế về Văn hóa Hán năm 2012 tại Tân Cương (Trung Quốc).

Sau năm 2012, tôi được giới thiệu thêm nhiều đồ Đông Sơn có khắc minh văn chữ Hán, trong đó đáng lưu tâm nhất là chiếc thạp trong sưu tập của Mai Xuân Trường (Hà Nội) với 22 chữ, khắc rất đẹp mà tôi đã có dịp trình bày tại Hội nghị Khảo cổ học năm 2014.

Sơ bộ thông tin như vậy để nhấn mạnh rằng minh văn chữ Hán thời trước sau Công nguyên là một nguồn tài liệu rất giá trị để chúng ta tiếp cận những vấn đề ngôn ngữ, văn tự của một giai đoạn bản lề quan trọng trong lịch sử Việt Nam gắn với nhà nước Âu Lạc, Nam Việt và khởi nghĩa Hai Bà Trưng…

2. Đầu năm 2025, tôi nhận được thông tin chi tiết về phát hiện mới ở Thanh Hóa. Người dân phát hiện một chiếc thạp đồng loại có ba chân thú và nắp có ba tượng cừu. Thuật ngữ khoa học gọi là "liễm" hay "thạp ba chân". Hiện chiếc thạp đang thuộc sưu tập Mai Sĩ Tất Thắng, thành phố Hồ Chí Minh.

chu1gh-17401844087871002094869.jpg

Thạp đồng ba chân đặc trưng Đông Sơn thời Giao Chỉ mới phát hiện ở Thanh Hóa. Thạp thuộc dạng hình ống, thân thẳng đứng. Nắp đậy bằng đồng, có quai hoa văn hình hoa bích bốn cánh và ba con cừu nằm quỳ, đầu quay theo chiều ngược kim đồng hồ. Thân hình ống, có đai chia làm hai phần gắn hai quai móc vòng gắn hình “thao thiết, hổ phù”. Ba chân là linh thú trong tư thế quỳ vác. Minh văn khắc ở vành chân đế sau khi đúc, gồm 15 chữ, nguyên gốc và rõ nét

Đây là loại hiện vật Đông Sơn khá phổ biến dưới thời Giao Châu, Giao Chỉ, dùng để chứa rượu trong các yến tiệc quý tộc đương thời. Đặc trưng dễ nhận là đều có ba chân dạng chân quỳ hay hình linh thú gánh, đội. Có hai quai tròng treo trước mũi mặt thao thiết, hổ phù (hình đầu linh thú bằng đồng, căng dẹt thành hai nửa đối xứng có móc treo khuyên tròn ở mũi, thường dùng làm móc cửa hay đính hai bên đồ đựng làm quai hoặc trang trí). Thân chia thành hai hay ba phần có đai nổi. Nắp đồng đậy khít có quai móc tròn và trang trí dạng hoa văn hình "bích" bốn cánh. Có 3 tượng cừu nằm trên nắp. Khá nhiều chiếc thạp ba chân loại này trang trí hoa văn Đông Sơn điển hình của quý tộc Tây Âu, bên cạnh hoa văn tứ linh kiểu phương bắc.

Đáng chú ý là phát hiện dòng minh văn sắc nét và nguyên bản ở diềm dưới, liền chân thạp. Nhờ sự bảo tồn tốt, có thể dễ dàng nhận ra đây là chữ Hán phổ biến ở Giao Châu hồi đầu công nguyên, toàn văn 永元十二年七月廿九日洽直良三于 (Vĩnh Nguyên thập nhị niên, thất nguyệt, chấp cửu nhật, hiệp trị lường tam vu (thăng)!

Xin dành ít lời khảo tả và minh giải ý nghĩa dòng minh văn này. Trước hết là niên đại khi khắc minh văn. Điều này có thể nhận ra ngay từ mười chữ đầu tiên "Vĩnh Nguyên thập nhị niên, thất nguyệt, chấpcửu nhật". Đó là Ngày 29 tháng 7, năm thứ 10 đời Vĩnh Nguyên nhà Đông Hán. Vĩnh Nguyên (永元) là niên hiệu của Hán Hòa Đế, hoàng đế nhà Đông Hán trị vì từ năm 89 đến năm 105 sau Công nguyên. Năm thứ 12 đời Vĩnh Nguyên tính ra là đúng năm 100 sau Công nguyên.

Theo logic và kinh nghiệm phát hiện trên 30 hiện vật có minh văn chữ Hán kiểu Lĩnh Nam (Nam Việt trước đó và Giao Châu sau này) thì chữ thường được khắc vào liền sau khi đúc. Niên đại 100 năm sau Công nguyên khá thích hợp với niên đại loại hình thạp ba chân này trong mộ táng quý tộc địa phương đương thời.

Năm chữ còn lại rất đáng được thảo luận: "hiệp trị lường tam vu (thăng)". Thông thường đây là dòng minh văn rất tối nghĩa, khó dịch ngay với cả những chuyên gia cổ văn tự thông thường. Tuy nhiên, dựa trên thống kê lối tư duy minh văn trên đồ đồng đương thời ở Nam ViệtvàGiao Châu có thể phỏng đoán nội dung 5 chữ này nói về dung lượng đồ đựng. Từ đó có thể luận giải cách vận ngôn đương thời: "hiệp trị lường" có thể hiểu là: "chứa được" tam vu.

Chữ "vu" khá gần tự dạng với chữ "thăng". Trong nhiều tài liệu âm "vu" có thể đọc lẫn với "âu" hay "ao, oa" như Tây Âu = Tây Vu. Như vậy chữ "vu" hay "âu" khắc trên minh văn này mang nghĩa một vật chứa dùng làm đơn vị đo lường. Trong sách Phương Ngôn của Dương Hùng đời Hán từng ghi nhận : "Ang" (áng) là một đồ đựng đương dùng trong đong lường mang âm Hán là "Oanh Khế". Cái "Ang" nhỏ gọi là "thăng âu" (【揚子·方言】罃甈謂之盎,其小者謂之升甌). Chữ Hán cũng có chữ "Vu" bộ mộc nghĩa là bồn chứa. Dùng phương pháp thực nghiệm, có thể biết dung lượng chứa trong thạp này vào khoảng 6,6 lít dung dịch. Tương ứng với "tam vu". Một "vu" tương ứng 2,2 lít, vừa đúng với dung lượng "thăng" thời Hán ở Giao Châu. Từ đó có thể hiểu nghĩa năm chữ minh văn cuối cùng là: Chứa được khoảng 3 âu/thăng (6,6 litres).

Bài viết có sự tham vấn và cung cấp tư liệu của Phan Anh Dũng và Mai Sĩ Tất Thắng

Rắn "thiêng" trên đồ đồng Đông Sơn

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022