Bộ tiểu thuyết Phong thần diễn nghĩa không chỉ quen thuộc với độc giả Việt Nam, mà còn được dựng đi dựng lại với nhiều phiên bản, ở nhiều loại hình nghệ thuật biểu diễn, trong đó có cải lương. Mới đây, câu chuyện về Đắc Kỷ và Trụ Vương đã tái ngộ khán giả trong một diện mạo rất mới qua vở cải lương Máu loang Lộc Đài thành (tác giả: Lê Nguyễn Trường Giang, đạo diễn: Vũ Trần) tại Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang.
Lê Nguyễn Trường Giang là cái tên quen thuộc với khán giả cải lương hơn chục năm nay. Vốn xuất thân con nhà nòi, mẹ từng đi hát cho đoàn Minh Tơ, cậu là NSƯT Trường Sơn - ba của NSƯT Tú Sương, nên anh có cơ hội được tiếp xúc và rèn luyện trong môi trường nghệ thuật cải lương từ rất sớm.
Mở sân khấu để làm cải lương như ý riêng
Từ năm 2013 đến 2016, Lê Nguyễn Trường Giang thành lập Nhóm tuồng cổ Trường Giang với chuỗi chương trình Đêm truyền nghề, kéo dài được 6 số. Đến năm 2017, anh tiếp tục ghi dấu ấn khi đăng quang quán quân cuộc thi Sao nối ngôi, mùa 2. Anh còn chuyên tâm theo học khóa cao đẳng tại Đại học Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM, tốt nghiệp năm 2019.
Tình yêu cải lương lại thôi thúc anh chính thức cho ra đời Sân khấu Lê Nguyễn Trường Giang vào năm 2022. Vở đầu tiên ra mắt là Bạch Xà đáo địa ngục môn, phóng tác từ câu chuyện Thanh Xà - Bạch Xà kinh điển. Và bây giờ là tái dựng vở Máu loang Lộc Đài thành, với một phiên bản cải tiến gần như toàn bộ từ nội dung đến cách thể hiện, nhằm phù hợp với thị hiếu của khán giả hiện tại.
NSƯT Tú Sương (vai Khương Thị, trái) và Thanh Thảo (vai Đắc Kỷ), Điền Trung (vai Trụ Vương). Ảnh: H.K
Nếu Cửu Vỹ Hồ trong nguyên tác tiếp cận Trụ Vương nhằm làm sụp đổ nhà Ân Thương theo mệnh lệnh của Nữ Oa, thì trong phiên bản mới nó lại có mục đích to lớn hơn rất nhiều, thể hiện tham vọng cao hơn. Là đại yêu ngàn năm, nhưng Cửu Vỹ Hồ lại mang trong mình lời nguyền rủa phải chịu đau đớn mỗi đêm trăng tròn, chỉ khi tìm được trái tim lưỡng nghi, nó mới có thể hóa giải và có được sức mạnh to lớn, thống trị tam giới. Nó không từ mọi thủ đoạn, mượn thân xác Đắc Kỷ để quyến rũ Trụ Vương, chiếm đoạt ngôi vương hậu, tàn hại trung thần lương tướng.
Chính vì thế mà Lê Nguyễn Trường Giang trong vai trò tác giả kịch bản đồng thời thủ vai Cửu Vỹ Hồ đã rất tinh tế khi khắc họa cả mặt "thư" lẫn "hùng" của nhân vật. Khi lả lơi quyến rũ, lúc gian ngoa ác độc, có những khoảnh khắc lại đầy dã tâm tàn nhẫn… đều được anh thể hiện hết sức sinh động bằng kỹ thuật biểu diễn điêu luyện.
Trong một số trường đoạn, khán giả còn có thể cảm nhận anh đang "bốc cháy" cùng nhân vật, với biểu cảm biến đổi liên tục cùng hàng loạt động tác khó, thậm chí là nguy hiểm như đu bay, lăn cầu thang…
Lê Nguyễn Trường Giang trong vai Cửu Vỹ Hồ. Ảnh: H.K
Bên cạnh Cửu Vỹ Hồ, vương hậu Khương Thị (NSƯT Tú Sương) cũng là một nhân vật được sáng tạo mới. Vai trò của bà được đề cao với hình ảnh bậc "mẫu nghi thiên hạ" luôn đau đáu với an nguy của xã tắc. Tú Sương xứng đáng là cô đào thực lực của cải lương, từ sự thất vọng khi bị người chồng đầu ấp tay gối phụ bạc, đến đau lòng khi người con nuôi chết thảm, rồi mạnh mẽ đứng lên dùng cả trí lẫn mưu để vực dậy triều ca… đều được chị khắc họa một cách trọn vẹn.
Hóa ra người mang trái tim lưỡng nghi mà Cửu Vỹ Hồ khổ công tìm kiếm lại không ở đâu xa. Một người phụ nữ chân yếu tay mềm, không võ công hoặc phép thuật cao siêu, nhưng lại mang một tấm lòng trung trinh tiết liệt đủ sức đánh bại yêu tà. Có lẽ đây cũng chính là ý nghĩa mà Lê Nguyễn Trường Giang muốn gửi gắm qua kịch bản này, trân trọng con người, đặc biệt phụ nữ, có thể đứng âm thầm phía sau hỗ trợ cho đại cuộc.
Nghệ sĩ Thanh Toàn (vai Tỷ Cang, trái) và Lê Nguyễn Trường Giang (vai Cửu Vỹ Hồ). Ảnh: H.K
Diễn viên bản lĩnh, có kế thừa
Bộ đôi Điền Trung và Lê Thanh Thảo tiếp tục là những tên tuổi sáng giá, đáng tin cậy cho sân khấu cải lương. Với giọng hát đầy nội lực, diễn xuất chắc tay, Điền Trung đã thể hiện đầy đặn hình ảnh Trụ Vương bạo tàn, háo sắc, nhưng cũng bùi ngùi xúc động khi hối hận đã tự tay đánh mất cơ đồ. Lê Thanh Thảo trong vai Tô Đắc Kỷ thì lại biến hóa đa đoan, liên tục chuyển biến tâm lý giữa hai nhân cách, trước và sau khi bị nhập xác, một cách mượt mà.
Bên cạnh dàn diễn viên chính, Máu loang Lộc Đài thành còn có sự tham gia của Chuông bạc vọng cổ Nguyễn Văn Hợp, nghệ sĩ nổi tiếng Thanh Toàn, Lệ Trinh, cùng các học trò của Lê Nguyễn Trường Giang gồm hơn 20 người. Các học viên đa phần vừa đi học vừa đi làm với đủ nghề như buôn bán, điều dưỡng, bảo hiểm… đến với nhau chung một sân khấu bằng tình yêu nghệ thuật. Tuy đào tạo miễn phí, nhưng Lê Nguyễn Trường Giang tuyển đầu vào và giảng dạy rất nghiêm, nên các học trò của anh đều có bản lĩnh ổn định, chắc tay, ngoại hình sáng sủa, hứa hẹn cho lứa thế hệ kế thừa đầy tiềm năng.
Mời Vũ Trần đảm nhiệm vị trí đạo diễn là một quyết định táo bạo của Lê Nguyễn Trường Giang, khi anh muốn tìm sự kết hợp với kịch nói để tìm ra cái mới cho cải lương. Quả thật Vũ Trần cũng đã chứng minh đó là quyết định đúng, khi mang đến một không khí cải lương mới lạ, với tiết tấu nhanh gọn, vừa có màu sắc kinh dị hấp dẫn, lại đậm chất hành động dồn dập, cũng không thiếu chất trữ tình, tự sự đặc trưng.
Trong vai trò nhà sản xuất, Lê Nguyễn Trường Giang đã mạnh dạn đầu tư hoành tráng cho tác phẩm của mình với hàng trăm bộ trang phục được thiết kế rất đẹp. Anh chủ trương không dùng màn hình LED, mà chịu chi đến 60 triệu đồng cho cảnh trí, nhằm giữ nét truyền thống của cải lương, tạo chiều sâu cho sân khấu, đồng thời có không gian cho diễn viên thể hiện. Ngoài ra, phần dây bay cũng ngốn thêm 40 triệu đồng, nhưng anh vẫn chấp nhận, thể hiện một thái độ làm nghề chỉn chu và nghiêm túc.
Lê Nguyễn Trường Giang chủ trương không dùng màn hình LED, mà chịu chi đến 60 triệu đồng cho cảnh trí, nhằm giữ nét truyền thống của cải lương, tạo chiều sâu cho sân khấu, đồng thời có không gian cho diễn viên thể hiện.