Chương trình kịch thiếu nhi Ngày xửa ngày xưa ra mắt từ năm 2000, đến 2024 đã được 35 số, phục vụ vài trăm ngàn lượt khán giả. Nhắc đến thương hiệu này trong hơn hai thập niên qua, không thể bỏ qua hai tên tuổi nổi bật, đã thành thần tượng của thiếu nhi, đó là NSƯT Thành Lộc và NSƯT Hữu Châu. Năm nay, cả hai cùng chia tay với chương trình này, vậy thì chuyện bán vé ra sao?

Sân khấu TP.HCM dành cho thiếu nhi dịp Hè là chủ đề được nói đi nói lại rất nhiều lần, bởi vì loại hình giải trí lành mạnh, thuần Việt, vẫn còn khan hiếm. Mảng điện ảnh thì hầu như thường bỏ trống, còn sân khấu thì Ngày xửa ngày xưa là thương hiệu mạnh, nhưng nhiều năm chỉ "độc diễn", nên cũng buồn.

Thanh Thủy (trái) và Đại Nghĩa trong “Ngày xửa ngày xưa 35”

Cháy vé tháng đầu tiên

Chương trình Ngày xửa ngày xưa số 35 là Cuộc phiêu lưu của thuyền trưởng Sinbad - Huyền thoại mắt thần (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Đình Toàn). Năm nay có sự tham gia diễn xuất của các nghệ sĩ Thanh Thủy, Đại Nghĩa, Hồng Ánh, Quốc Thịnh… cùng các diễn viên trẻ.

Nhiều năm qua, Quang Thảo và Đình Toàn đã giữ vai trò quan trọng của Ngày xửa ngày xưa, nhưng cả hai như hai "giọt nước thầm lặng" đứng sau các tên tuổi lớn. Nếu các ngôi sao giữ vai trò trình diễn mê hoặc khán giả nhí, thì Quang Thảo là bước đầu tiên tạo ra câu chuyện. Không có kịch bản hay thì đạo diễn không có cái hấp dẫn để dàn dựng; Đình Toàn đã làm tốt vai trò đạo diễn của mình, tạo nên những tình huống bay bổng, bất ngờ. Vì vậy, việc họ vẫn ở lại với IDECAF thì Ngày xửa ngày xưa đã có hai nhân tố then chốt, đầu tiên, để giữ cho chương trình tiếp tục được duy trì.

sinbad-17149498276631695007358.jpg

Ngoài đạo diễn, Đình Toàn (giữa) đóng vai chính Sinbad

Dù sân khấu kịch thiếu nhi hai năm trở lại đây có thêm những sắc hoa lung linh từ các sân khấu như 5B, Trương Hùng Minh, Ban Mai… nhưng Ngày xửa ngày xưa vẫn là thương hiệu mạnh nhất. Vì lẽ đó, dù khán giả biết rõ Ngày xửa ngày xưa 35 đã không còn hai thần tượng lớn là Thành Lộc và Hữu Châu, thì lượng vé bán ra vẫn tốt.

Theo ông bầu Huỳnh Anh Tuấn, chương trình sẽ diễn từ tháng 5 đến hết tháng 8/2024. Vé của tháng 5 đã bán hết, vé của tháng 6 và các tháng tiếp theo đang tiếp tục bán.

pharaoh-17149498280691925287140.jpg

Ngoài viết kịch bản, Quang Thảo còn vào vai Pharaoh trong phần mới

Để duy trì sức hấp dẫn, ông Huỳnh Anh Tuấn đã đầu tư khoảng 1 tỷ đồng cho phục trang, cảnh trí, thiết bị chiếu tia hồng ngoại. Sau buổi phúc khảo, ê-kíp đã quyết định cắt bớt thời lượng xuống còn 150 phút, thay vì 180 phút. Đây cũng sẽ là thời lượng ấn định cho mọi chương trình về sau, vì nó phù hợp với tâm lý thưởng thức hiện đại.

Sau buổi phúc khảo, báo giới đánh giá rất tốt chất lượng chương trình. Ở đó, nghệ sĩ Thanh Thủy và Đại Nghĩa đầy năng lượng, tạo nên kịch tính. Sự trở lại sau 10 năm của đào đẹp Hồng Ánh cũng tạo thêm cảm xúc bất ngờ, còn gương mặt hài hước Quốc Thịnh xem như nét chấm phá mới lạ. NSƯT Mỹ Duyên vẫn duyên dáng như đã từng suốt bao năm qua…

Dựa trên đánh giá này, nhiều người dự báo Ngày xửa ngày xưa 35 vẫn tiếp tục cháy vé như hơn hai thập niên chinh phục khán giả nhí. Từ ông bầu đến ê-kíp thực hiện đều quyết tâm từ đây về sau sẽ trẻ hóa lực lượng diễn viên để tạo nên độ tươi mái cho chương trình.

ban-mai-17149498278672020880920.jpg

NSND Trịnh Kim Chi trên sàn tập của sân khấu Ban Mai

Các đơn vị khác tất bật chuẩn bị

Trong khi IDECAF đã bắt đầu công diễn Ngày xửa ngày xưa từ tháng 5, thì các sân khấu khác lấy dấu mốc mùa Hè, tức từ tháng 6. Chính vì vậy, đến thời điểm này các vở diễn tại sân khấu 5B của bà bầu NSND Mỹ Uyên, sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò NSƯT Minh Nhí - Việt Hương vẫn chưa gút được tựa cho vở diễn. Thế nhưng, nội dung câu chuyện sẽ sôi động và hào hứng, thông điệp hướng đến các bài học giáo dục, qua sự trình diễn đầy mảng miếng hài hước, vui tươi… thì đã được chốt hạ.

Năm ngoái, khi Ngày xửa ngày xưa diễn chia tay Thành Lộc và Hữu Châu, suất diễn tăng đột biến, lên 64 suất (hàng năm thường 37 suất). Dù hút khách như vậy, nhưng các sân khấu còn lại đều rộn ràng, tất bật phục vụ các bạn thiếu nhi hết mùa Hè. Vì thế, năm nay các ông bà bầu vẫn hy vọng được tiếp tục tung hứng cùng khán giả nhí, bên cạnh sức hút mạnh của Ngày xửa ngày xưa.

6-chu-vang-17149498274451953475786.jpg

Nhạc kịch thiếu nhi “Lá cờ thêu sáu chữ vàng” sắp công diễn

Đặc biệt, năm nay sân khấu cải lương Sen Việt thông báo sẽ công diễn vở nhạc kịch thiếu nhi Lá cờ thêu sáu chữ vàng (kịch bản: Nguyên Phương, đạo diễn: NSƯT Lê Nguyên Đạt) vào ngày 11 và 12/5 tại rạp Hưng Đạo, TP.HCM.

Lê Nguyên Đạt vốn là ông bầu chuyên về cải lương, thế nhưng lần này anh đầu tư cho nhạc kịch thiếu nhi. Đây là một bước đi mới, anh cho biết: Tôi là dân cải lương mà làm nhạc kịch vì lý do tôi muốn sự trẻ trung và hiện đại của loại hình này dễ tiếp cận với khán giả trẻ. Trong nhạc kịch, chúng tôi lồng ghép câu hò, điệu lý, cả vọng cổ của cải lương để các em làm quen dần. Sau đó, chúng tôi sẽ đưa cải lương thuần túy đến với các em. Điều quan trọng là các em tiếp nhận được tinh thần yêu nước của anh hùng Trần Quốc Toản".

Anh nói thêm: "Nhà nước có chủ trương dùng nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng để lồng ghép những bài học lịch sử cho các cháu thiếu nhi và kể cả các bạn học sinh trung học, sinh viên. Kỳ này, đối tượng mà tôi nhắm đến là các cháu nhi đồng và thiếu niên, vì sân chơi nghệ thuật dành cho các cháu còn quá thiếu thốn".

Được biết, sau khi ra mắt tại TP.HCM, Sen Việt sẽ mang vở diễn này dự thi tại Liên hoan sân khấu đề tài thiếu niên và nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất, tại Hải Phòng. Liên hoan diễn ra từ ngày 13/5 đến 20/5/2024. Kết thúc liên hoan, ông bầu Lê Nguyên Đạt sẽ mang vở diễn trình diễn phục vụ thiếu nhi trong suốt tháng 6/2024. Như vậy, mùa Hè này, các bạn nhỏ có thêm một lựa chọn giải trí lành mạnh, mà ở đây, các bạn xem nghệ thuật nhưng học được những bài học lịch sử quý giá của dân tộc.

Để cổ tích không chỉ là 'ngày xửa ngày xưa'

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022