Một cuốn sách thuộc loại cổ nhất thế giới - và là sách phụng vụ Ki tô giáo cổ nhất còn tồn tại - vừa được bán với giá hơn 3 triệu bảng Anh. Đó là sách cổ chép tay Crosby-Schoyen.

Cuốn sách nằm trong lô Những kiệt tác bản thảo từ Bộ sưu tập Schoyen, thuộc về nhà sưu tầm Martin Schoyen, được bán ra vào ngày 12/6, tại nhà đấu giá Christie's ở London, Anh.

Ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc

"Sách cổ chép tay Crosby-Schoyen là một trong những ví dụ sớm nhất về sự tồn tại của sách, dưới hình thức mà chúng ta ngày nay có thể nhận ra" - theo Eugenio Donadoni, chuyên gia cao cấp về bản thảo thời trung cổ và phục hưng của Christie's.

Giá khởi điểm cho cuốn sách cổ này là 1,7 triệu bảng Anh, thu hút cả người tham gia trực tuyến và trực tiếp. Sau một loạt trả giá sôi nổi, búa đã gõ xuống và sách được trao cho một người đấu giá ấn danh qua điện thoại.

Một trang bản thảo cổ Crosby-Schoyen

Mức giá cuối cùng (3,065 triệu bảng Anh, tương đương gần 100 tỷ đồng Việt Nam) vượt quá ước tính trước khi bán (từ 2 đến 3 triệu bảng Anh). Điều này tái khẳng định rằng thị trường dành cho những cuốn sách cổ và cực kỳ hiếm không có dấu hiệu giảm nhiệt.

Năm ngoái, Sotheby's đã lập kỷ lục về bản thảo đắt nhất được bán đấu giá khi thu về 38,1 triệu USD cho sách cổ chép tay Sassoon - một cuốn Kinh thánh tiếng Do Thái 1.100 năm tuổi.

Ra đời tại một trong những tu viện Thiên chúa giáo đầu tiên ở Thượng Ai Cập, cuốn sách cổ Crosby-Schoyen dài 104 trang, được một người chép duy nhất viết tay trên lá cói hai mặt, trong khoảng thời gian 4 thập kỷ. Nó được viết bằng tiếng Sahidic Coptic - một phương ngữ Ai Cập cổ từng được dùng để ghi chép nhiều văn bản quan trọng thời đầu của đạo Cơ đốc.

crosby-schoyen-17182360534551728526051.jpg

Bản thảo cổ Crosby-Schoyen hiện được giữ trong những tấm mica

Sách gồm 5 văn bản. Trong đó, 3 văn bản là Kinh thánh: Jonah; Maccabee thứ hai 5:27-7:41; và Peter 1. Phần còn lại của sách chứa một phần bài giảng lễ Phục sinh quen thuộc và một lời khuyên ngắn gọn chưa được biết đến.

Các học giả Albert Pietersma và Susan Comstock cho rằng những văn bản này được tập hợp thành một cuốn duy nhất để làm tập kinh giảng trong lễ Phục sinh. Những tập kinh giảng như vậy đã được sử dụng trong cách tu viện dòng Pachomian.

Nghiên cứu sâu rộng và cách xác định niên đại bằng carbon chỉ ra rằng sách có niên đại từ năm 250 đến năm 350 sau Công nguyên. Đây là giai đoạn quan trọng trong lịch sử trong những năm đầu của Cơ đốc giáo.

schoyen-1718236054311364391845.jpg

Nhà sưu tập lừng danh Martin Schoyen

"Kết quả đấu giá hoành tráng là minh chứng cho ý nghĩa lịch sử và văn hóa sâu sắc của cuốn sách" - chuyên gia Donadoni nhận định.

Thực tế, cuốn sách cổ Crosby-Schoyen đã đổi chủ nhiều lần kể từ khi được phát hiện lại. Nó từng được Đại học Mississippi ở Mỹ mua lại và lưu giữ cho đến năm 1981. Sau đó, nó được bán nhiều lần trước đến tay doanh nhân - nhà sưu tập sách hiếm người Nauy Martin Schoyen vào năm 1988.

Bên cạnh sách cổ Crosby-Schoyen, lô Những kiệt tác bản thảo từ Bộ sưu tập Schoyen được đấu giá lần này còn bao gồm nhiều bản thảo đắt giá như Kinh thánh tiếng Do Thái Holkham, Kinh thánh cổ Sinaiticus Rescriptus và Kinh thánh Geraardsbergen...

"Đây là cuốn sách cực kỳ hiếm. Kiểu sách này ít có khả năng xuất hiện lại trong một phiên đấu giá" - chuyên gia Donadoni.

Từng bị lu mờ

Vào năm 1952, những người nông dân gần Dishna, Ai Cập đã phát hiện ra sách cổ Crosby-Schoyen. Nó được chôn dưới cát, trong một chiếc lọ, cùng với hơn 20 bản thảo khác.

Tất cả những bản thảo này được gọi chung là Giấy tờ Dishna hoặc Giấy cói Bodmer - theo tên nhà sưu tập người Thụy Sĩ Martin Bodmer. Tình trạng tốt đáng chú ý của giấy cói - hiện được bảo quản giữa các tấm mica - có thể là nhờ khí hậu khô cằn của Ai Cập.

bid-1718236054116918683621.jpg

Cuốn sách cuối cùng đã được bán với giá hơn 3 triệu bảng Anh

Thực tế, những năm giữa thế kỷ 20 là giai đoạn các bản thảo cổ hấp dẫn các học giả Cơ đốc giáo thời kỳ đầu.

Năm 1945, một bộ sưu tập gồm 13 sách cổ được phát hiện gần Nag Hammadi, Ai Cập. Chúng bao gồm hàng chục tác phẩm chưa được biết đến, chủ yếu liên quan đến các nghi thức thiểu số và bị gạt ra ngoài lề của Cơ đốc giáo thời kỳ đầu.

Với những tựa đề như Phúc âm của ThomasSự mặc khải bí mật của John, những tài liệu không có trong danh sách kinh sách được công nhận này đã khiến công chúng rất tò mò.

Ngay năm sau, những người chăn cừu thuộc bộ tộc Bedouin đã phát hiện ra những cuộn giấy cổ bằng tiếng Do Thái được giấu trong một hang động ở Qumran, trên bờ phía Tây Bắc của Biển Chết.

before-17182360536532005981928.jpg

Sách cổ Crosby-Schoyen trước khi được tháo rời

Những cuộn giấy ở Biển Chết được tìm thấy ở đây và hàng chục hang động khác sau đó đã tạo thành thư viện khổng lồ các văn bản Do Thái, bao gồm các tác phẩm Kinh thánh và những văn bản cho đến nay vẫn chưa được biết đến, với những điểm tương đồng đáng chú ý với Tân Ước. Phát hiện này đã được tôn vinh như là một trong những khám phá vĩ đại nhất của thế kỷ 20.

Cùng lúc đó, Giấy tờ Dishna được phát hiện, vận chuyển lậu ra khỏi Ai Cập và bán cho các nhà sưu tập châu Âu khá thầm lặng. Không có lời ca ngợi nào cho việc phát hiện ra Giấy tờ Dishna. Thay vào đó, các phần của bộ sưu tập này đã được bán cho những người trả giá cao nhất, khiến nó bị rải rác trên toàn cầu.

before2-17182360538711388086983.jpg

Mặc dù ít kỳ lạ hơn Nag Hammadi hay Qumran, nhưng nội dung của sách cổ Crosby-Schoyen trong bộ Giấy tờ Dishna cùng 20 bản thảo đi kèm đã chứng tỏ tầm quan trọng của chúng khi cung cấp thông tin về Cơ đốc giáo thời kỳ đầu.

Hai văn bản sách Phúc âm được công nhận, Luke và John, nằm trong Giấy tờ Dishna, có trước hầu hết các bản sao còn sót lại của những sách phúc âm này. Thế nên, các học giả đã sử dụng bản thảo này để xem xét lại Tân Ước hiện nay.

Nhưng thư viện được phát hiện gần Dishna không chỉ có các nội dung trong Kinh thánh Cơ đốc. Trong số sách cổ ở đây còn có một số vở hài kịch của nhà viết kịch người Hy Lạp Menander. Một sách khác kết nối một chương trong cuốn Lịch sử Chiến tranh Peloponnese của Thucydides với phiên bản tiếng Hy Lạp của Sách Daniel trong Kinh thánh.

Rõ ràng, chủ nhân của thư viện Cơ đốc giáo này không có ác cảm với nghệ thuật và khoa học của thời kỳ Hy Lạp hóa tiền Cơ đốc giáo.

Ngày nay, với hơn 3 triệu bảng Anh, người trả giá cao nhất trong đợt đấu giá vừa qua đã giữ được mãi mãi một phần của thư viện này.

Nhà sưu tập vĩ đại Martin Schoyen

Martin Schoyen sinh năm 1940, là doanh nhân, nhà du hành, nhà sử học, nhà cổ học và nhà sưu tầm sách người Na Uy.

Vào mùa hè năm 1955 tại Florence, Italy, cậu bé Martin Schoyen 15 tuổi có được cuốn sách cổ đầu tiên của mình, được viết vào khoảng năm 1300. Đây là bản thảo đầu tiên, mở màn cho một trong những bộ sưu tập bản thảo lớn và toàn diện nhất từng được tập hợp trên thế giới.

Niềm đam mê sưu tầm từ nhỏ của Schoyen chịu ảnh hưởng từ bố ông, kỹ sư Martin O. Schoyen (1896-1962) - người có thư viện riêng đồ sộ và cũng sẽ có tác động lớn tới bộ sưu tập Schoyen như chúng ta biết đến ngày nay.

Vào cuối những năm 1980, Martin Schoyen đã là cái tên đình đám trong giới các nhà đấu giá, học giả cũng như doanh nhân. Ông nổi danh là một người mê sách tận tâm, nhà sưu tầm sách chuyên nghiệp dưới sự hướng dẫn của các học giả và rất quan tâm tới tình hình thị trường.

Hiện nay, bộ sưu tập của Schoyen gồm tới hơn 20.000 bản thảo, trải dài 5.000 năm lịch sử, từ 3.500 năm trước Công nguyên cho đến ngày nay. Xây dựng được một bộ sưu tập có quy mô và chất lượng như vậy vào nửa sau thế kỷ 20 gần như bất khả, nhưng Martin Schoyen đã thành công bất chấp mọi khó khăn. Không còn nghi ngờ gì nữa, ông sẽ được các thế hệ sau tôn vinh là một trong số những người mê sách vĩ đại nhất.

Trước phiên đấu giá tại Christie's lần này, Schoyen từng phải bán 60 bản thảo tại nhà Sothebys vào năm 2012 vì vấn đề thuế tài sản ở Na Uy.

Đấu giá cuốn sách cổ nhất thế giới với giá 3,8 triệu USD

Nguoi-noi-tieng.com (r) © 2008 - 2022