Buổi tổng duyệt diễn ra tối 28/1 tại Nhà hát Tuổi trẻ, do Nghệ sĩ Ưu tú Chí Trung dàn dựng. Chương trình quy tụ đông đảo nghệ sĩ của đơn vị tham gia, như các Nghệ sĩ Ưu tú Đức Khuê, Quang Ánh, Nguyệt Hằng, Hoa Thúy, diễn viên Thanh Sơn, Thu Quỳnh, Ngô Lệ Quyên, Anh Thơ, Thanh Tú, Đàm Hằng, Lâm Đức Anh.
Các diễn viên hóa trẻ thơ trong phân cảnh đầu tiên. "Tiếng gọi mùa hè" công diễn vào 20h ngày 17/2 (tức mùng 8 Tết Giáp Thìn). Ảnh: Ban tổ chức cung cấp
Vở bắt đầu bằng buổi kỷ niệm 60 năm thành lập một trường Trung học cơ sở. Về thăm trường xưa, các cô, cậu học sinh hồn nhiên, tinh nghịch ngày nào giờ đã là những ông, bà lão với mái tóc bạc phơ. Trong buổi họp lớp, họ được ôn lại kỷ niệm thời đi học, cảm nhận những giá trị nhân văn khi theo dõi ba tiểu phẩm Bắt thi, Tiến sĩ, Trận đồ bát quái.
Chủ đề của mỗi tiểu phẩm đều đề cập các vấn đề của giáo dục, nổi bật trong đó là tình người, tình yêu gia đình, quê hương, đất nước. Tiến sĩ kể câu chuyện chấm luận án tiến sĩ của những năm 1980. Một nghiên cứu sinh (Lê Tuấn Anh đóng) vì muốn luận án của mình được ưu ái, quyết định đưa tiền cho thành viên của hội đồng chấm bài nhưng lại đưa nhầm người. Từ đó, anh này phải đối diện nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười, trong khi ''thành viên hụt'' của hội đồng chấm luận án cũng xoay xở để giúp đỡ thí sinh vì trót nhận ''chế độ''.
Bắt thi đưa người xem lên vùng cao, nơi những thầy, cô giáo vẫn ngày đêm kiên trì đưa con chữ đến trẻ em. Thấy một học sinh bỏ thi tốt nghiệp tiểu học vì bị bạn bè chê bai học kém, thầy hiệu trưởng và cô giáo không khỏi lo lắng, phải nhờ sự hỗ trợ của người trong làng để tìm kiếm. Khi tìm được cậu bé, giáo viên (Thu Quỳnh đóng) ra sức thuyết phục, động viên em đi thi. Nhìn mẹ của học sinh đến, cô khen ngợi cậu bé thông minh, luôn hăng hái xây dựng bài, có thể trở thành "nguyên khí quốc gia'' trong tương lai, khiến khán giả xúc động.
Trích đoạn cô giáo thuyết phục học sinh ở miền núi đi thi. Video: Phương Linh
Trong tiểu phẩm Trận đồ bát quái, ôngThơ Văn Ngây (Thanh Bình), 78 tuổi, muốn hợp thức hóa mảnh đất của ông bà xưa, sau đó tặng lại trường để xây lớp học cho trẻ em. Tuy nhiên, ông gặp nhiều tình huống éo le khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ông bổ sung các giấy tờ chứng minh quyền thừa kế, dù ông là con một và đã mất bố mẹ từ lâu. Thấy ông loay hoay với các thủ tục, những "cò đất" liên tục bám riết lấy, mong muốn kiếm được một khoản hấp dẫn. Khi biết mục đích cao đẹp của ông Ngây, người môi giới thấy hối hận, ra sức xin lỗi, song vẫn "xin một mảnh đất nhỏ", mang lại tiếng cười cho người xem.
Xen kẽ những tiểu phẩm là các ca khúc gợi không khí mùa xuân, chuyển tải tình cảm gia đình, tôn vinh các thế hệ người ''lái đò'', như Xuân đã sang diệu kỳ (Đỗ Bảo), Nhà em ở lưng đồi (Đức Trịnh), Mùa chim én bay (Hoàng Hiệp), Bài học đầu tiên (Trương Xuân Mẫn).
Xuyên suốt buổi tổng duyệt, người xem thường xuyên cười lớn trước những câu thoại hài hước, dí dỏm của diễn viên. Đôi khi, khán phòng Nhà hát Tuổi trẻ lắng đọng vì các phân đoạn giàu cảm xúc, như cảnh ông Thơ Văn Ngây trải lòng về quyết định tặng mảnh đất của mình cho trường học. Phần đông khán giả theo dõi chương trình là những người trẻ. Thảo Anh (25 tuổi, Hà Nội) nhận xét chương trình nhẹ nhàng, là món quà tinh thần ý nghĩa cho công chúng dịp đầu năm.
Phương Linh