"Bóc phốt" cô giáo vì dùng từ tục tĩu, nói xấu phụ huynh trong nhóm kín
Đoạn hội thoại kín của nhóm giáo viên mầm non bị tung lên mạng xã hội có nội dung xoay quanh phụ huynh. Trong đó, các cô giáo dùng nhiều từ tục tĩu, từ bậy, tiếng lóng viết tắt để thể hiện sự bức xúc của mình. Người đăng bài cho biết đây là các cô giáo ở Hà Nội.
Việc giáo viên nói bậy trở thành tâm điểm của cuộc tranh luận trên mạng. Nhiều người ngỡ ngàng với ngôn từ mà giáo viên dùng để nói chuyện riêng với nhau.
Họ cho rằng hành vi chửi bậy với người làm nghề dạy học là không thể chấp nhận, đồng thời thể hiện nhân cách và văn hóa kém cỏi.
Ở góc nhìn khác ngược lại, không ít ý kiến bảo vệ giáo viên với lý do chửi bậy trong không gian riêng tư để giải tỏa cảm xúc là "chuyện bình thường". Khi nào giáo viên chửi bậy với học sinh, phụ huynh hay nơi công cộng mới là điều đáng để bàn.
Cô Nguyễn Thị Hẹn - nguyên giáo viên ngữ văn tại Quảng Ninh - nêu quan điểm: "Cần rạch ròi hai nội dung trong câu chuyện 'bóc phốt' giáo viên nói trên. Một là hành vi xâm phạm quyền riêng tư của giáo viên. Hai là hành vi của giáo viên trong nhóm kín. Cả hai hành vi này đều xấu xí".
Giáo viên hướng dẫn học sinh trong giờ tiếng Việt tại một trường vùng cao (Ảnh: Mỹ Hà).
Cô Hẹn cho biết, là giáo viên của thế hệ cũ, cô không chấp nhận việc nói tục chửi bậy nói chung, đặc biệt với giáo viên. Song cô Hẹn cho rằng, không nên dùng hành vi nói bậy để quy kết đạo đức, nhân cách một con người.
"Nói bậy là hành vi không phù hợp với nghề giáo, kể cả khi nó được thực hiện ở nơi riêng tư. Nhưng chúng ta cũng khó có thể phủ nhận thực tế, nói bậy đã trở thành ngôn ngữ phổ biến trong đời sống đương đại.
Ra đường, lên mạng, đâu đâu cũng bắt gặp chửi bậy. Những câu chửi bậy được viết tắt như một kí hiệu đại chúng. Xã hội với nhiều áp lực khiến người lớn nói bậy nhiều hơn và dễ dàng hơn. Từ đó, trẻ con cũng nói bậy sớm hơn.
Học sinh từ cấp 1 đã chửi bậy. Học sinh là con ngoan trò giỏi cũng nói bậy. Vậy có nên vội vàng quy kết đạo đức, nhân cách các cô giáo qua hành vi nói bậy? Tôi e là không nên. Nhân cách con người không thể qua một vài hành động online mà phán xét được.
Nhưng tôi cũng muốn khuyên các giáo viên trẻ rằng, nghề giáo có tiêu chuẩn cao hơn các nghề khác. Nghề giáo cũng là nghề xã hội đòi hỏi và kỳ vọng nhiều hơn các nghề khác. Khi đã chọn nghề giáo, chúng ta buộc phải rèn giũa bản thân để đáp ứng tiêu chuẩn, kỳ vọng mà xã hội đặt ra.
Ai nói bậy cũng được. Riêng người thầy thì không. Bởi vì khi bạn bị phát hiện nói bậy, bạn còn có thể đi dạy học làm sao?", cô Hẹn chia sẻ.
Mạng xã hội không cho giáo viên cơ hội sửa sai
Đánh giá về câu chuyện giáo viên mầm non bị "bóc phốt" nói bậy, nói xấu phụ huynh trong nhóm riêng, cô Nguyễn Thị Đông, nguyên giáo viên toán Trường THCS&THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), cho rằng người làm nghề dạy học đang đối mặt với ngày càng nhiều các mối nguy hiểm từ mạng xã hội.
Giáo viên Trường THPT Tây Thạnh, TPHCM, trong một tiết dạy (Ảnh: Huyên Nguyễn).
Cô Đông bày tỏ: "Một sự việc dù nhỏ khi được phóng chiếu qua mạng xã hội sẽ trở nên nghiêm trọng hơn. Một lỗi sai của giáo viên dù nhỏ cũng có thể biến giáo viên thành phù thủy. Bất kỳ ai cũng có sai sót và cần thời gian để sửa mình. Nhưng mạng xã hội đang không cho giáo viên cơ hội sửa sai.
Tôi đoán các cô trong vụ việc đều còn trẻ. Khi nói chuyện với nhau trong nhóm riêng, các cô hẳn đã bộc phát những cảm xúc, lời nói bản năng mà không nghĩ rằng hành vi của mình thể hiện tầm văn hóa ứng xử của chính mình.
Song, người đã xâm phạm vào cuộc nói chuyện đó và đưa nó lên mạng để "bóc phốt" cũng không có tư cách để phán xét về giáo viên.
Giáo viên không vi phạm pháp luật. Họ chỉ có hành vi xấu xí. Nếu họ được góp ý nghiêm túc, họ có thể sẽ nhận ra sai lầm mà khắc phục.
Không có lý do chính đáng nào cho việc mang sự xấu xí của họ ra bêu riếu nơi công cộng. Bởi vì làm gì có ai dám tự tin khẳng định rằng mình hoàn toàn tốt đẹp.
Việc bêu riếu cái xấu của người khác phản ánh văn hóa ứng xử của người đi bêu riếu".
Cô Đông cũng chia sẻ thêm, nghề dạy học là nghề phải học cả đời. Các kỹ năng sư phạm, hành vi sư phạm, cách ứng xử với học sinh, phụ huynh trong những tình huống cụ thể… là những điều mà giáo viên cần thời gian để rèn giũa, trau dồi.
Không có cô giáo, thầy giáo nào hoàn hảo ngay từ khi mới ra trường. Nhiều người vẫn phạm sai lầm dù có nhiều năm kinh nghiệm. Điều quan trọng là họ có nhận ra cái sai và quyết tâm sửa sai hay không.
Đồng quan điểm, cô Nguyễn Thị Hẹn nêu ý kiến: "Xã hội đòi hỏi ở nhà giáo sự chuẩn mực thì cũng cần có ứng xử chuẩn mực với người làm nghề dạy học. Đây là mối quan hệ hai chiều. Chỉ khi nào hai bên đều chuẩn mực thì con trẻ mới có đủ không khí trong lành để phát triển".
Theo một nghiên cứu khảo sát tình trạng sức khỏe tâm thần của giáo viên THCS tại Quảng Trị, Huế và Thành phố Hồ Chí Minh năm 2022, có 41,1% số giáo viên có những dấu hiệu đáng lưu ý, 22% giáo viên có nguy cơ tổn thương sức khỏe tâm thần cao và khoảng 6,1% giáo viên có sức khỏe tâm thần không tốt. PGS.TS Trần Thành Nam - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội - lý giải những nguyên nhân gây căng thẳng cho giáo viên như: quá tải về các nhiệm vụ công việc, không cảm thấy được ghi nhận với các nhiệm vụ đã hoàn thành, không cân bằng được giữa thời gian dành cho cuộc sống và công việc, thiếu các thiết bị hỗ trợ làm việc… Trong đó, những hành vi không thân thiện từ học sinh và phụ huynh là một nguyên nhân quan trọng tạo áp lực lớn lên giáo viên. Nhiều giáo viên cho biết, họ cảm thấy lo âu, căng thẳng khi học sinh, phụ huynh sẵn sàng ghi âm, chụp hình và đưa các thông tin lên mạng xã hội một cách thiếu cân nhắc. |
Theo Dân Trí