Được thực hiện cách đây 10 năm (2015) nhưng mỗi khi được trình chiếu, bộ phim tài liệu "Quay phim chiến trường" của đạo diễn Vương Khánh Luông vẫn luôn gây xúc động cho người xem bởi tính chân thực và sống động về đời sống của những người đứng sau máy quay. Gần đây nhất, vào giữa tháng 3, phim được chiếu mở màn tại lễ kỷ niệm 72 năm Ngày điện ảnh Việt Nam do Hội Điện ảnh Việt Nam tổ chức.
Theo đạo diễn Vương Khánh Luông, đây là bộ phim được ông ấp ủ từ rất lâu. Và mỗi khi phim được trình chiếu vào các dịp đặc biệt, hoặc khi có người nhắc đến nó, ông - người đã đi qua nhiều cuộc chiến tranh của dân tộc - luôn tự hào và xúc động....
Đạo diễn Vương Khánh Luông có cuộc trò chuyện với báo Thể thao và Văn hóa (TTXVN) về phim và nghề.
Đạo diễn Vương Khánh Luông
Lời tri ân với đồng nghiệp
* Kể từ khi phim tài liệu "Quay phim chiến trường" phát hành, ông đã nhận được những phản hồi như thế nào?
- Tôi nhận được nhiều sự quan tâm về phim từ đồng nghiệp, bạn bè, người quen. Có người thắc mắc khi tôi chọn hình ảnh hoa loa kèn để mở đầu phim, có người lại hỏi vì sao tôi lại không đưa những đạo diễn nổi tiếng lên hình…
Nhân đây, tôi muốn chia sẻ một điều: Chỉ người Việt Nam mới hiểu rằng hoa loa kèn chỉ nở vào tháng 4. Tôi muốn gợi mở câu chuyện diễn ra vào tháng 4 với hình tượng như vậy. Đây là bộ phim tôi muốn nói đến những người cầm máy thầm lặng, hy sinh mà không ai biết tới. Là một phóng viên chiến trường, tôi nghĩ đây chính là việc mình cần làm: Kể về những người ít được mọi người biết đến.

Đạo diễn Vương Khánh Luông (ngoài cùng bên trái) và anh trai nhiếp ảnh gia Vương Khánh Hồng (ở giữa)
* Làm việc trong hãng phim có nguồn tư liệu phong phú, chắc hẳn ông không quá khó khăn khi thực hiện bộ phim?
- Đúng là thuận lợi khi tôi ở trong một hãng phim có kho tư liệu lớn. Mặt khác, phim được thực hiện bởi một tập thể sáng tạo, từ tác giả kịch bản đến các vị trí khác trong đoàn phim nên cũng rất thú vị.
Thực ra từ khi nhận kịch bản đến khi làm xong phim thì nhanh, nhưng thời gian chuẩn bị, tập hợp tư liệu để phản ánh đúng những câu chuyện mà các đạo diễn kể trong phim thì mất rất thời gian, vì tôi phải xem rất kỹ để có được những dữ liệu, chứng cứ chính xác. Hơn nữa, với tâm thế sẽ không bao giờ quay lại làm một bộ phim về chủ đề này nữa nên tôi đã dành tâm sức để làm nó rất kỹ, cặn kẽ trong một lần duy nhất.
* Vậy ông đã lựa chọn những nhân vật trong bộ phim này như thế nào?
- Câu chuyện kể về những người quay phim chiến trường ở trong đầu tôi từ lâu lắm rồi. Tôi muốn làm một bộ phim về những thế hệ chú bác, thế hệ đàn anh - những người cầm máy đã hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, xa hơn là chống Pháp.
Những nhân vật trong phim, có người là đồng nghiệp trong cơ quan, có người sống cùng khu tập thể cũ với tôi, và nhiều người tôi biết. Chúng tôi gặp lại nhau đã rất cảm động khi nhớ về thời trai trẻ hào hùng, về những ký ức chiến tranh. Việc quay lại tuổi trẻ đã mang đến những xúc cảm vô cùng mạnh mẽ cho chúng tôi. Trong đó, những ngày sống trong chiến dịch Hồ Chí Minh là kí ức không thể phai mờ với mỗi người. Tất nhiên, do thời lượng có hạn, tôi cũng phải cân nhắc việc đưa chuyện nào lên phim, cất chuyện nào đi cho riêng mình.

Đạo diễn Vương Khánh Luông (thứ 2 từ phải sang) cùng các đồng nghiệp
* Ông đã chọn cho phim cái kết mang nhiều suy nghĩ, với hình ảnh người chiến sĩ cầm máy năm xưa vẫn đang phải trải qua nỗi đau của cuộc chiến, khi cháu mình bị nhiễm chất độc da cam…
- Nỗi đau của những người đã trải qua chiến tranh thì nhiều và dày. Có những vết thương lành sau một thời gian dài, và có những nỗi đau diễn ra hàng ngày. Nỗi đau và sự hi sinh của những người chiến sĩ ấy, tôi không thể nói hết được, chỉ đưa ra một chừng mực về hình ảnh, gợi người xem suy ngẫm…
"Nghề này dạy cho tôi về sự trung thực, dũng cảm và kiên trì, quan trọng nhất là chăm chỉ" - đạo diễn Vương Khánh Luông.
Sứ mệnh của những người cầm máy
* Ông có thể kể về lần tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử của mình?
- Vâng, tôi vào chiến trường khi chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 đang diễn ra. Khi ấy, tôi đang học năm thứ 3 tại trường Sân khấu - Điện ảnh và nhận điều động đi B. Chuyến đi của tôi có 3 thầy giáo, 5 sinh viên và 2 người lái xe.
Trong tâm trạng của những thanh niên tuổi 20 như chúng tôi, được đi là vinh dự và háo hức dù biết phía trước là gian khổ. Tôi nhớ, khi tiễn chúng tôi lên đường, các bạn lớp diễn viên của trường đã khóc như mưa vì không biết khi nào mới được gặp lại nhau.
Trên hành trình vào Nam, những gì được chứng kiến dọc đường là những kỉ niệm đẹp với tôi. Hai bên đường tàn tích chiến tranh còn nhiều, có cả xác xe quân sự và tư trang phía bên kia để lại. Rồi đi qua Quảng Trị, qua cầu Hiền Lương, chúng tôi thấy phấn chấn khi người dân chào đón. Những người lính như chúng tôi, đầu đội mũ tai bèo, mặc quân phục, tay cầm máy quay và cả súng AK đã không thể nào quên không khí ấy.

Một cảnh trong phim tài liệu "Quay phim chiến trường". Ảnh chụp màn hình
* Vậy ông có thể nói gì về công việc của những tay máy thời chiến? Và nó đã ảnh hưởng thế nào tới lối sống của ông?
- Bạn hình dung xem, nghề này rất nguy hiểm, nhưng chúng tôi lại không thể ẩn nấp một cách hèn nhát để quay phim. Trong bối cảnh khi đó, không ai từ chối nhiệm vụ, khó đến mấy cũng đều cố gắng vượt qua. Vì thế, quả thật mỗi người cầm máy đều là những người anh hùng. Và chúng ta có một kho tàng hình ảnh, thước phim tư liệu được ghi lại bởi những người anh hùng.
Nghề này dạy cho tôi về sự trung thực, dũng cảm và kiên trì, quan trọng nhất là chăm chỉ. Nếu không, có cầm máy cũng chỉ ghi lại những hình ảnh vu vơ, không có nội dung, không có giá trị.

* Thời điểm đó, việc sản xuất và phát hành phim diễn ra như thế nào?
- Chúng tôi quay bằng phim 16 ly được phân phối, máy quay chạy bằng dây cót, được sản xuất từ Thụy Sĩ, Mỹ hoặc Nga. Mỗi trận đánh thường có 1 - 2 người tham gia và mỗi người phải tự lo lấy hết, từ việc lên dây cót, tự quay, không ai "yểm trợ" cho ai.
Phim quay xong được mang đi in tráng ở xưởng cơ động. Thường, nếu quay nhanh trong buổi sáng là xong thì chiều tối có thể phát được rồi. Tất nhiên, khi phim chiếu trong thời gian cấp tốc như vậy cũng không tránh được tình trạng phim không được sạch hẳn, vẫn có thể có những vệt chấm đen khi lên sóng.
Những người làm nghề dựng phim thời đấy cũng được đào tạo cấp tốc nhưng lòng nhiệt huyết đã giúp họ thực hiện tốt nhiệm vụ. Cùng với hệ thống in tráng là hệ thống chiếu phim cho các đơn vị bộ đội, trong các chiến trường. Ngoài ra, một số phim còn được gửi ra Bắc, một số phim được gửi ra nước ngoài, chiếu ở các nước trên thế giới để mọi người biết về cuộc kháng chiến đang diễn ra tại Việt Nam.
* Ông nghĩ gì về sứ mệnh của những người cầm máy – họ không chỉ là ghi lại những hình ảnh, thước phim?
- Tất nhiên, những người cầm máy, họ sinh ra vì sứ mệnh này. Và việc họ làm, có lẽ không chỉ dành cho những người trong quá khứ hay đương thời, mà còn là cả với những thế hệ tương lai. Để mọi người hiểu chiến tranh là gì…
* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!
NSƯT Vương Khánh Luông (sinh năm 1955) là đạo diễn, quay phim tài liệu xuất sắc của Việt Nam. Ông quê gốc Quảng Trị, sinh ra tại Thái Lan trong một gia đình cách mạng, hồi hương về Việt Nam năm 1961.
Gia đình ông có nhiều đóng góp cho đất nước. Anh trai ông, Vương Khánh Hồng, là nhiếp ảnh gia, từng nhận Giải thưởng Nhà nước, hiện có nhiều tác phẩm được trưng bày tại Bảo tàng Trường Sơn. Người anh thứ, Vương Khánh Khừu, là chiến sĩ đặc công, hy sinh năm 1970, đến nay chưa tìm được hài cốt.
Trong sự nghiệp, NSƯT Vương Khánh Luông thực hiện hơn 100 phim tài liệu, nổi bật với những thước phim quý giá về chiến tranh và xã hội Việt Nam. Ông là quay phim trẻ nhất tham gia ghi hình Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Các tác phẩm tiêu biểu của ông có: K10 - Tái hiện ký ức ào hùng của Tiểu đoàn đặc công K10, Quay phim chiến trường - Khắc họa sự hy sinh thầm lặng của người quay phim nơi chiến trận.